Có nên bán homestay đang ế ẩm để rót vốn vào chứng khoán?

Thứ năm, 14/10/2021 - 08:59

Mô hình kinh doanh homestay cũng như các loại hình nghỉ dưỡng khác gặp khó khăn vì dịch bệnh, nhiều chủ homestay đã quá khả năng cầm cự, nhưng có nên bán tài sản thời điểm này để chuyển hướng sang kênh đầu tư khác?

Trong chương trình "Có hẹn với chuyên gia BĐS" do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, anh Văn Quang (Hải Phòng) đặt câu hỏi: "Gia đình tôi kinh doanh homestay ở vùng núi Hòa Bình, tình hình hiện tại rất khó khăn, tôi đang cố cầm cự nhưng nếu cơ sở không thể hoạt động trở lại vào đầu năm sau, tôi sẽ không đủ khả năng trả lãi ngân hàng. Tôi có nên bán homestay này, trả nợ ngân hàng và tìm kiếm kênh đầu tư khác như chứng khoán hay không?"

Trả lời câu hỏi trên, ông Thái Phạm, CEO & Founder Happylive cho biết, đầu tư homestay cần thời gian dài, chắc hẳn chủ sở hữu của homestay đã hiểu rõ về loại hình đầu tư này nên việc chuyển hướng sang một loại hình đầu tư khác sẽ đòi hỏi nhà đầu tư phải tìm tòi, học hỏi từ đầu.

Trong khi đó, về tình hình thị trường, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ mở rộng tiêm vắc xin với dự tính 4-5 triệu liều về Việt Nam, tập trung cho những tỉnh thành đông dân cư và phát triển kinh tế, ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh Bắc Giang... Trên cơ sở đó sẽ từng bước mở cửa và đón khách du lịch quay trở lại, bao gồm cả khách du lịch quốc tế với việc ứng dụng hộ chiếu vắc xin (thẻ xanh). Theo ông Thái, chậm nhất đến quý 1/2022 thị trường du lịch có thể sẽ hoạt động trở lại, cơ hội để mở cửa lại homestay đón cả khách trong nước và quốc tế. Dịch bệnh tác động ngắn hạn khiến mọi người không thể di chuyển, đi lại, nhưng đây là nhu cầu không thể thiếu nhất là sau thời gian bị kìm hãm quá lâu nên rất dễ bùng nổ.

Đầu tư chứng khoán hay bất động sảnNên ưu tiên chọn kênh đầu tư "sở trường", thay vì mạo hiểm với một kênh đầu tư mới khi chưa có kiến thức, kinh nghiệm. Ảnh minh họa

Trường hợp muốn chuyển sang kênh đầu tư khác, cụ thể là chứng khoán, ông Thái cho rằng đây là một kênh đầu tư mới mẻ với anh Quang, nên ông sẽ không khuyên anh Quang mua chứng chỉ quỹ hoặc khẳng định việc đầu tư chắc chắn có lãi. Hơn nữa, thời điểm này cũng khá nhạy cảm, việc bán tài sản đang có để chuyển hướng đầu tư không dễ dàng. Ông Thái khuyên, nếu đang khó khăn tài chính anh Quang nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, ngân hàng, chính quyền địa phương... như xin giãn nợ, giảm lãi suất để cầm cự thêm một thời gian nữa.

Theo ông Thái, qua quý 4/2021 với các chính sách của Nhà nước là sống chung với covid  thay vì "zero Covid" sẽ đẩy nhanh việc mở cửa trở lại. Các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đang dần bỏ chính sách kiểm soát Covid mà xác định sống chung. Ngay cả nước bảo thủ như New Zealand cũng đang thay đổi chính sách này. Hiện chỉ còn Trung Quốc vẫn đang duy trì "zero Covid" nhưng khi nâng cấp vắc xin chống biến thể delta thì họ cũng sẽ mở cửa trở lại. Điều này có nghĩa là hoạt động du lịch đón khách nội địa và quốc tế sẽ sớm tái hoạt động trong thời gian tới. Do đó, ông Thái khuyên anh Quang yên tâm giữ tiếp homestay để chờ thị trường hồi phục thay vì tìm kiếm kênh đầu tư mới thuộc lĩnh vực mình chưa có kinh nghiệm.

Liên quan việc tìm kiếm kênh đầu tư mới trong thời gian "nhạy cảm" khi dịch Covid chưa hoàn toàn được đẩy lùi, ông Tạ Thanh Thao, Giám đốc PGD Lê Văn Lương, Công ty CP chứng khoán SSI cũng cho rằng, khi tham gia bất cứ kênh đầu tư nào, nhà đầu tư cũng phải tìm hiểu và học hỏi, không có kiến thức thì kênh đầu tư nào cũng rủi ro, mang tính cờ bạc. Khi đã xác định kênh đầu tư mình muốn theo đuổi dài hạn thì nên học một cách nghiêm túc. Với kênh đầu tư chứng khoán, khi đã có kiến thức người tham gia có thể đầu tư cả đời, ngay cả khi lớn tuổi. Với người mới tham gia, nên đầu tư học từ 3-6 tháng một cách nghiêm túc, không nên chú ý quá nhiều về câu chuyện lãi lỗ, hãy dành 30% vốn đang có để học đúng nghĩa. Sau khi học thấy có hứng thú, thấy có khả năng làm tốt thì mới tham gia sâu vào thị trường.

Để biết thêm những thông tin hữu ích khác về đầu tư chứng khoán và bất động sản, mời bạn đọc theo dõi tiếp phần Hỏi - đáp Có hẹn với chuyên gia BĐS trong video dưới đây:

Ngọc Sương