Phát huy vai trò phụ nữ Quân đội tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Lý luận trẻ | 15:10:00 19/10/2021

TNV - Trong suốt chiều dài lịch sử 91 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói chung, Ban Phụ nữ Quân đội nói riêng đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thượng tướng Đỗ Căn thăm, chúc mừng Ban Phụ nữ Quân đội nhân dịp 20-10​ Thượng tướng Đỗ Căn chụp ảnh cùng cán bộ, nhân viên Ban Phụ nữ Quân đội nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 / 20-10-2021), 11 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh QĐND)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định vai trò to lớn của phụ nữ. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), Người viết: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”. Và, “những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”.

Khi nói về vai trò to lớn của phụ nữ, nhà thơ Maksim Gorky đã dành tặng những câu thơ thật tuyệt vời:

“Trời không ánh sáng hoa nào nở

Dạ vắng yêu thương cảnh những sầu

Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ

Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”

Trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã viết: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước”. Điều này cho thấy vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh.

Trong bài nói với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình, ngày 01/01/1967, Bác nhắc nhở: “Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”.

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành nhiều tình cảm và trách nhiệm đối với phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Tư tưởng đó của Người chứa đựng cả một định hướng chiến lược lâu dài về công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong cả nước trong một tổ chức là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đến năm 2010, tại thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trưng ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lớn mạnh không ngừng, là tổ chức chính trị- xã hội nòng cốt, đóng góp tích cực trong cộng cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc.

Ngày nay, khi đất nước đang trên con đường hội nhập với khu vực và thế giới, phụ nữ Việt Nam lại càng thể hiện được bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo, tài năng của mình. Bên cạnh đó, họ không quên giữ cho mình một có lối sống văn hoá, gìn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng.Người phụ nữ không còn chỉ bó hẹp trong gian bếp mà họ là những chính khách, nhà khoa học,… với những đóng góp to lớn cho xã hội, góp phần làm rạng rỡ đất nước trên trường quốc tế.

91 năm qua, sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Tháng 11/2006, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007; Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thể hiện rõ quan điểm của Ðảng từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ phát triển toàn diện. Nhờ đó, những năm qua, công tác bình đẳng giới ở nước ta đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cần cù, không ngại gian khó, vượt lên đói nghèo, lạc hậu, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Là một bộ phận của Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Quân đội là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Quân đội thường xuyên được xây dựng vững mạnh; với lực lượng chiếm tỷ lệ khá lớn, có mặt ở hầu khắp mọi miền đất nước, các đồng chí đã có những đóng góp to lớn trên các lĩnh vực: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao... Ở lĩnh vực nào họ cũng đều cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác tốt; nhiều đồng chí có công trình nghiên cứu, đề tài, sáng kiến có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực; có nhiều đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng các phần thưởng cao quý, các danh hiệu: Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân…; một số đồng chí được bổ nhiệm là cán bộ chủ trì, được phong quân hàm cấp tướng, xứng đáng là lực lượng tiêu biểu của Phụ nữ Việt Nam; cùng phụ nữ cả nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kế thừa và phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, truyền thống vẻ vang hơn 76 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Công tác phụ nữ trong Quân đội được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đúng hướng, có nền nếp; tích cực đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cơ quan công tác phụ nữ được tổ chức xây dựng ngày càng vững mạnh, làm tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phấn đấu và trưởng thành, tham gia xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; đồng thời chủ động phối hợp thường xuyên với tổ chức Hội phụ nữ của Bộ Công an, Hội phụ nữ ở các địa phương tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói chung và Ban Phụ nữQuân đội nói riêng đang đứng trước nhiều thuận lợi, đan xen với thách thức, cùng nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết. Để phát huy vai trò Phụ nữ Quân đội tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ, nâng cao nhận thức về vai trò to lớn của phụ nữ trong thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng công tác phụ nữ là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, do đó phải có chiến lược, nghị quyết, kế hoạch, chương trình cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, kiểm tra, kiểm điểm nghiêm túc.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các chủ trương, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy vai trò của hội viên, tổ chức Hội phụ nữ các cấp và các lực lượng chức năng, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục để phụ nữ có nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về vị trí vai trò của mình đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nắm chắc tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, những thuận lợi, khó khăn của đất nước, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc. Các cấp hội cần cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn cụ thể; đồng thời tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Tập trung tham gia xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vừa bảo đảm nhu cầu hiện tại, vừa góp phần nâng cao khả năng dự trữ quốc gia, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn.

Bốn là, tiếp tục giáo dục, rèn luyện các phẩm chất đạo đức, lối sống của phụ nữ “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chủ động, tích cực phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tạo sức đề kháng cao trước những thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, nhất là những thông tin sai trái, xấu độc trên mạng xã hội.

Năm là, phát huy vai trò của phụ nữ quân đội tham gia xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phụ nữ Quân đội phải là lực lượng xung kích, gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”.Lịch sử hào hùng của Quân đội ta đã ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ quân đội. Với truyền thống “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” và tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập”, phụ nữ quân đội sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Duy

Khoa MLN, TTHCM/Học viện Lục quân

Trung úy Dương Thị Ngọc Linh

Ban Tài chính/Học viện Lục quân

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam