Tư tưởng Hồ Chí Minh: Chỉ dẫn để xây dựng và phát triển nền văn hóa mới

Lý luận trẻ | 11:16:00 19/11/2021

Năm 1923, nhà báo Xô viết Osip Mandelstam nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai”. Gần 100 năm trôi qua, thời gian làm cho lời nhận xét của nhà báo Xô viết năm xưa càng trở nên thuyết phục, càng trở nên hấp dẫn không phải chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà với nhiều bạn bè quốc tế. Những tư tưởng, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá mãi là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở đó có thể hội nhập và giao lưu với các nền văn hoá khác trên thế giới, cùng nhau phát triển.

Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc là phát triển tất cả các mặt của đời sống

Ngay trong những năm tìm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng, để làm cho nhân dân Việt Nam “nghe đến 2 chữ Kách mệnh thì sợ rùng mình”, thực dân Pháp đã thi hành một chính sách cơ bản là “lấy tôn giáo và văn hóa làm cho dân ngu”(1). Chính vì vậy, song hành với việc tố cáo nền giáo dục thực dân và chính sách ngu dân của Pháp ở Việt Nam, Người ý thức sâu sắc cần mang lại ánh sáng văn hóa cho nhân dân, để đưa nhân dân đến với cách mạng. Trong Chánh cương vắn tắt (1930), Người nêu phương diện xã hội lên hàng đầu, trong đó đề cập “nam nữ bình quyền”, “phổ thông giáo dục theo công nông hoá”. Trong Mục đọc sách ở phần cuối tác phẩm Nhật ký trong tù (viết trong thời gian Người bị nhà cầm quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch giam giữ, 1942-1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm ngắn gọn, dễ hiểu, nhấn mạnh ý nghĩa của văn hóa: "Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn". Không dừng lại ở đó, Người còn nêu lên 5 điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: “1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; 2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4. Xây dựng chính trị: dân quyền; 5. Xây dựng kinh tế"(2).

Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh tư liệu

Như vậy, ngay từ rất sớm, khi mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) còn chưa thành lập (3), khi đất nước chưa thoát khỏi ách áp bức của thực dân phong kiến, còn phải tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc và ngay cả bản thân Người đang ở trong chốn lao tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc là phát triển tất cả các mặt của đời sống: từ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý tư tưởng... theo hướng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào văn hóa, trở thành nhà văn hóa kiệt xuất từ việc Người sớm xác định đúng đắn vị trí gốc của văn hóa đối với dân tộc.

Cũng chính từ nhận thức về vai trò gốc của văn hóa nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương một nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng non trẻ là phải nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ và toàn dân. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hội đồng chính phủ đã tán thành chủ trương mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị. Tư tưởng chiến lược mang tính thời đại: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Người đã ra đời từ phiên họp này. Tiếp đó, ngày 8/9/1945, Người ký 3 sắc lệnh quan trọng về giáo dục là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ, sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo”(4), một phong trào thanh toán nạn mù chữ dâng cao trong cả nước. Nhờ đó, chỉ một năm sau Cách mạng tháng Tám, đã có 2,5 triệu người dân biết đọc, biết viết. Quan sát dòng người đủ mọi lứa tuổi, trong đó có cả các cụ già ngoài 80 tuổi tới các lớp bình dân học vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: Đó là hình ảnh của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa chính là phương thức sinh hoạt của dân tộc, của cộng đồng, gia đình, cá nhân... phù hợp với các đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống của dân tộc, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Chính vì vậy, tính chất của văn hóa cũng thay đổi cùng với những biến đổi trong mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong từng thời kỳ. Ngày 23/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Người thiết tha mong muốn: Nền văn hóa mới của nước nhà sẽ lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; văn hóa phải làm cho mọi người có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng; đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả nam và nữ, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng những hạnh phúc mà mình đáng được hưởng; số phận dân ta là ở trong tay ta; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Kể từ đây, luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" đã trở thành "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, với mục tiêu giải phóng đất nước, kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định 3 tính chất cơ bản nhất của nền văn hóa dân tộc là: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Điều này đã được thể hiện trong Đề cương văn hóa năm 1943 (3 nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam thời kỳ này là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa) và một lần nữa được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng năm 1951: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”(5). Cuộc cách mạng trên lĩnh vực văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và dưới sự lãnh đạo cuả Đảng được tiến hành với hàng loạt chủ trương và biện pháp đã góp phần động viên tinh thần kháng chiến, kiến quốc. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú báo L'Humanité tại Hà Nội (2/9/1961) về những biến đổi nổi bật của đất nước Việt Nam từ khi hòa bình lập lại: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa... Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”(6).

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Vai trò của văn hóa càng trở nên quan trọng hơn khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi mà nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là phải “làm cho nước ta có một nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, có một nền văn hóa và khoa học tiên tiến”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hoá phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức" và người cán bộ văn hoá phải có nhiệm vụ “dùng văn hoá để tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”(8). Trong thời kỳ này, những bài viết, những bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III (1/12/1962), Đại hội lần thứ III Hội nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm (8/1963), Hội nghị tuyên giáo miền núi (31/8/1963)... đều thể hiện các quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng tư tưởng-văn hoá, xoá bỏ những tàn dư tư tưởng và hủ tục của xã hội cũ, về xây dựng nền văn hoá mới với nội dung xã hội chủ nghĩa mang đậm đà bản sắc dân tộc, về xây dựng con người mới, đạo đức mới, lối sống mới xã hội chủ nghĩa. Trong đó, xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa là tư tưởng đặc sắc, quan trọng nhất trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Theo Người, con người mới xã hội chủ nghĩa là con người sống có lý tưởng cao đẹp và có năng lực hoạt động biến lý tưởng thành hiện thực: Có tinh thần làm chủ xã hội, có trí thức văn hoá và khoa học, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Con người mới phải chiến thắng được “chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác”, bởi nó là “kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”.

Coi văn hóa là một mặt hợp thành toàn bộ đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hoá tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị, trong đó văn hóa ở vào vị trí trung tâm, có vai trò điều tiết xã hội. Muốn xác định vai trò đó, mọi hoạt động văn hóa phải thực sự hòa quyện, thâm nhập vào cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của đông đảo quần chúng nhân dân với đầy đủ những mảng tối sáng đầy góc cạnh của nó làm đối tượng phản ánh và phục vụ. Ý nghĩa và bản chất của mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá chính là ở đây, mà ngay từ năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(9). Câu nói giản dị của Người trở thành phương châm hoạt động và lý tưởng phấn đấu của lớp lớp các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa Việt Nam. Họ hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, tận tụy, hết mình phục vụ cho cách mạng.

Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(10). Như vậy, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh thì thực hiện hiệu quả định hướng phát triển văn hóa của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước.

Đáng chú ý là, lần đầu tiên, khái niệm "sức mạnh mềm" được nêu ra trong các văn kiện Đại hội XIII, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững đất nước. Qua hàng ngàn năm lịch sử, lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, dân chủ, nhân ái, khoan dung trong cộng đồng và hòa hiếu với các dân tộc lân bang; tinh thần cần cù, dũng cảm, sáng tạo, lạc quan, vì nghĩa, thương người của dân tộc Việt Nam… đã trở thành sức mạnh dân tộc, đưa đất nước vượt qua bao gian nan thử thách. Và nay, những giá trị tinh thần ấy đang được tiếp nối, phát huy trong thời đại mới, để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vũ Thị Kim Yến/Chinhphu

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.2, tr.288

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.455

3 Tổ chức UNESCO được thành lập ngày 16/11/1945

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.41

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.40

6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.190

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.66

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.470

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246

10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.II, tr.330

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam