Đổi mới công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên thông qua mạng xã hội

Lý luận trẻ | 08:35:00 08/12/2021

TNV - Thanh niên là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. Trong giai đoạn cách mạng mới, với bối cảnh thế giới biến động phức tạp, trước những thách thức to lớn của xu thế toàn cầu hóa, việc thanh niên nhìn nhận và nâng cao ý thức về pháp luật trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa vô cùng to lớn và cấp thiết...

   Tóm tắt: Thanh niên là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. Trong giai đoạn cách mạng mới, với bối cảnh thế giới biến động phức tạp, trước những thách thức to lớn của xu thế toàn cầu hóa, việc thanh niên nhìn nhận và nâng cao ý thức về pháp luật trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa vô cùng to lớn và cấp thiết. Giáo dục đoàn viên, thanh thiếu niên, trong đó có giáo dục pháp luật (GDPL) là chức năng cơ bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác đoàn. Cùng với xu thế hội nhập và sự phát triển của nền kinh tế, cơ chế thị trường, khoa học, kỹ thuật… hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet mạnh mẽ với nhu cầu, khả năng sử dụng Internet trong thanh niên ngày càng tăng cao và phổ biến. Do vậy, việc sử dụng mạng xã hội (MXH) như công cụ tuyên truyền, định hướng qua đó góp phần giáo dục pháp luật cho thanh niên là một điều tất yếu mà các cấp chính quyền và đoàn thể hướng đến trong xu thế phát triển chung hiện nay.

    Từ khóa: mạng xã hội, thanh niên, giáo dục pháp luật

  Abstract: Young people are a very important part of society, representing the strength of the nation. In the new revolutionary period, with the complicated world context, facing the great challenges of globalization, young people recognize and raise their awareness of law in the current context. extremely significant and urgent meaning. Educating union members and young people, including legal education, is the basic function of the Union, becoming a central and throughout task in union work. Along with the integration trend and the development of the economy, market mechanism, science and technology, Vietnam is now one of the countries with strong Internet development speed with demand and ability. Internet use among young people is increasing and popularizing. Therefore, the use of social networks as a propaganda and orientation tool that contributes to legal education for young people is an indispensable thing that authorities and mass organizations look forward to in the current general development trend.

 1. Vai trò của mạng xã hội trong công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên ở nước ta

   Trong thời đại ngày nay, Intenet đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cũng như sự phát triển của các trang mạng xã hội trên internet đã kết nối mọi người lại gần nhau hơn. Các mạng xã hội hiện nay là trang cung cấp thông tin rộng rãi và nhanh chóng như: Facebook, tweeter, Zalo…Có thể thấy, sự xuất hiện của mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích to lớn trong đời sống xã hội. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế như thúc đẩy việc giao dịch mua bán hàng hóa trở nên thuận tiện hơn hay những giá trị tinh thần về giải trí mà công cụ này mang lại cho mỗi người dùng, mạng xã hội còn là phương tiện tích cực để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho mỗi công dân.

   Hiện tại, có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số hơn 96 triệu người Việt Nam, chiếm khoảng 67%. Độ tuổi người dùng mạng xã hội chủ yếu là từ 18 đến 34 tuổi. Có thể thấy, số lượng thanh niên sử dụng mạng xã hội rất lớn. Như vậy, mạng xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc ảnh hưởng lớn đến việc định hướng hành vi và văn hóa ứng xử cho giới trẻ, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các chính sách pháp luật cho thanh niên. Cụ thể, tác động tích cực được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

 Thứ nhất, điều tích cực đầu tiên là thông qua mạng xã hội, thanh niên có thể tìm hiểu, khám phá cái mới - động lực để người sử dụng Internet, nhất là giới trẻ nồng nhiệt đón nhận mạng xã hội. Thời gian vừa qua, nhiều trang mạng xã hội đã có tin, bài tốt có tính định hướng giới trẻ sống tích cực, nêu gương tốt trong cuộc sống để qua đó giáo dục, vận động giới trẻ sống có lý tưởng, hoài bão; giáo dục định hướng giá trị để người trẻ biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, thông qua Fanpage, nhiều tỉnh, thành đoàn đã  thường xuyên cập nhật và đăng tải những gương sáng trong nhiều lĩnh vực từ học tập, khởi nghiệp, chấp hành pháp luật đến gương người tốt, việc tốt như: Nghệ An, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Ngãi, TP.HCM…hay trên trang Tuổi trẻ TP.HCM thu hút hàng ngàn lượt yêu thích và lượng thành viên ngày càng đông hơn vì đã chuyển tải nhiều câu chuyện đẹp về thanh niên. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông chính sách và pháp luật. Thực hiện chủ trương này của Đảng, Nhà nước, nhiều cơ quan, tổ chức đã sử dụng mạng xã hội để phổ biến, chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin pháp lý như: tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ”, “Thanh niên sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”,  Đà Nẵng mở trang Facebook “Cảnh sát giao thông Thành phố Đà Nẵng” để người dân trong đó có thanh niên và khách du lịch có thể tương tác, cung cấp thông tin, gửi kiến nghị, hình ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn.

  Thứ hai, Mạng xã hội góp phần khắc phục những hạn chế của hình thức giáo dục pháp luật truyền thống mang lại. Thay vì học sinh, sinh viên, thanh niên lao động, thanh niên dân tộc thiểu số... được tập trung theo nhóm đối tượng với số lượng lớn tại một địa điểm nhất định để GDPL cho thanh niên thì nay, với mạng xã hội, không bị hạn chế về mặt không gian, thời gian và địa điểm, thanh niên có thể truy cập bất cứ lúc nào để tìm hiểu các chính sách pháp luật của nhà nước thông qua các Fanpage với tri thức pháp luật được cung cấp phong phú và cập nhật như Diễn đàn những người yêu luật, diễn đàn thanh niên với pháp luật, Dân luật, Thông tin pháp luật...và hàng loạt các trang mạng khác có liên quan đến pháp luật. Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng Fanpage để triển khai, tổ chức tuyên truyền các hoạt động của Đoàn thanh niên, trong đó thông tin về pháp luật để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đang thí điểm vận hành trang Facebook về PBGDPL để phổ biến các quy định pháp luật mới, thông tin về hoạt động PBGDPL. Trong hệ thống tổ chức Đoàn đã xây dựng một số Fanpage về pháp luật như: Trang Fanpage “Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh với pháp luật” của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trang này đã xây dựng, cập nhật các sản phẩm tuyên truyền pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…. Nội dung PBGDPL thông qua trang Fanpage đang được các cơ quan này thực hiện chủ yếu là chia sẻ, thông tin các văn bản, chính sách; đăng tải tài liệu PBGDPL; tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật; thông tin hoạt động của cơ quan, đơn vị…

   Thứ ba, Mạng xã hội góp phần định hướng hành vi, tránh các hành vi lệch chuẩn và vi phạm pháp luật trong thanh niên. Thông qua chế tài Nhà nước áp dụng đối với các hành vi vi phạm như chế tài xử phạt hành chính đối với những thanh niên đăng tải nội dung vi phạm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như đăng tải thông tin sai sự thật, hay chế tài hình sự qua các vụ án gây rúng động dư luận đặc biệt giới trẻ như vụ giết người, hiếp dâm nữ sinh giao gà ở Điện Biên, vụ án Nguyễn Hải Dương ở Bình Phước cướp của, giết người, vụ nam sinh viên giết người yêu ở Cầu Giấy, Hà Nội....đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người dân đặc biệt đối tượng thanh niên – nhóm người dễ bị lợi dụng và kích động tự nhận thức và điều chỉnh lại hành vi của mình, biết nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hơn.

   Với vai trò và tác động to lớn trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho mỗi thanh niên, những năm gần đây, việc lập trang Fanpage trên Facebook nhằm thực hiện PBGDPL đã bắt đầu được các cơ quan, tổ chức chú trọng, nhất là cơ quan Tư pháp, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp ở địa phương. Tuy các trang Fanpage này mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng đã thu hút khá đông người dân, đoàn viên, thanh niên quan tâm, theo dõi. Là kênh thông tin, PBGDPL hiệu quả, góp phần đa dạng các hình thức thông tin, PBGDPL, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật và phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Một số hạn chế, bất cập trong quá trình giáo dục pháp luật cho thanh niên thông qua mạng xã hội ở nước ta hiện nay

    Một là, bên cạnh những giá trị tích cực mà MXH mang lại trong việc giáo dục pháp luật cho thanh niên, việc một số thanh niên sử dụng mạng xã hội không phù hợp, không phân biệt rõ không gian an toàn trên mạng xã hội đã mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, nhiều hành vi lệch lạc và vi phạm pháp luật đáng tiếc đã xảy ra khi thanh niên tiếp cận thông tin không đầy đủ và phiến diện trên mạng xã hội. Bởi lẽ, mạng xã hội cung cấp một lượng thông tin khổng lồ, nhưng không phải thông tin nào cũng được kiểm duyệt và kiểm soát tốt từ phía chính quyền và cơ quan chức năng, do vậy, khi thanh niên tiếp cận mà không có đầy đủ bản lĩnh và tri thức sẽ dễ dẫn đến nhận thức sai lệch và làm theo các hiện tượng được cho là “hot” trên MXH nhưng bản chất là vi phạm pháp luật. Các trang Fanpage hiện nay đang hoạt động được xây dựng, duy trì theo hướng tự phát, chưa có sự định hướng thường xuyên, kịp thời nội dung PBGDPL. Những thông tin chính sách được đưa lên MXH đôi khi chưa được kiểm duyệt và thiếu tính chính thống, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức chuẩn của thanh niên đặc biệt trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đang biến động phức tạp như hiện nay. Mặt khác, do đặc thù của quy định pháp luật thường khô khan, nên việc tuyên truyền chính sách dường như khó đến hơn với thanh niên bởi đối tượng này thường có tâm lý thích giải trí, hưởng thụ như xem phim ảnh, trò chơi...trên MXH.

   Hai là, nguồn lực cho các chủ thể GDPL nói chung và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói riêng để phục vụ cho công tác truyền thông chính sách pháp luật qua mạng xã hội còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả trong quá trình GDPL cho thanh niên trên MXH. Thực tế ở nước ta, đội ngũ cá bộ đoàn làm công tác tuyên truyền chính sách pháp luật trên MXH còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, do đó còn kém linh hoạt trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin. Sản phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên nhiều Fanpage chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung giới thiệu, thông tin các văn bản, quy định mới… Nhiều trang Fanpage thu hút được sự quan tâm, tham gia của khá đông thanh, thiếu niên, nhưng sản phẩm PBGDPL còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, chất lượng chưa cao, đôi lúc chưa phù hợp với đối tượng. Nhiều quản trị viên trang Fanpage còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên chưa có nhiều thời gian đầu tư cho việc quản trị, nâng cao chất lượng nội dung. Nhiều trang mạng xã hội có nội dung pháp luật chưa chú trọng huy động cộng tác viên, chuyên gia có am hiểu pháp luật. Kinh phí triển khai các hoạt động PBGDPL thông qua mạng xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu các thành viên tự nguyện thực hiện. Do đó việc xây dựng một số sản phẩm PBGDPL, tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, chương trình tư vấn, giải đáp pháp luật trực tuyến trên trang Fanpage còn gặp khó khăn do không có kinh phí hoặc kinh phí rất hạn chế.

    Ba là, nhận thức của một bộ phận giới trẻ thanh niên vẫn còn hạn chế nên chưa biết phân biệt những thông tin đúng sai, thậm chí học theo những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật bởi đơn giản hành vi đó do chính thanh niên thực hiện và nó thu hút được sự quan tâm của nhiều thanh niên bởi tính “độc”, “lạ” so với những hành vi khác. Thời gian vừa qua, đa phần giới trẻ sử dụng MXH đều biết đến sự xuất hiện của Khá Bảnh – một thanh niên luôn hành động đi ngược lại đám đông, lệch chuẩn xã hội và vi phạm pháp luật như hành vi đánh bạc, gây rối trật tự công cộng...Những hành vi này được Khá Bảnh quay clip và đưa lên MXH. Ngay lập tức, đồng loạt giới trẻ lan truyền, chia sẻ những hình ảnh và video không mấy tích cực đó và đương nhiên chúng ta không thể kiểm soát được nhiều bạn trẻ sẽ học theo những hành vi trên vì thiếu hiểu biết cùng với bản tính tò mò và ham chơi của mình. Do đó một vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền và đoàn thể chính là việc phải kết hợp hài hòa giữa hoạt động GDPL cho thanh niên qua MXH và cả các phương pháp truyền thống khác như tuyên truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua giáo dục chính thức tại các cơ sở đào tạo... Chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực mà MXH đem lại nhưng nếu biết kết hợp hài hòa thì chắc chắn hiệu quả GDPL cho thanh niên sẽ được nâng cao và mang tính sâu rộng, toàn diện hơn.

   Bốn là, việc khai thác trang mạng xã hội đòi hỏi phải kết nối internet, đầu tư phương tiện (máy tính, smartphone), do đó khó phổ biến, tuyên truyền cho thanh niên tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc địa bàn ứng dụng internet còn hạn chế. Lợi dụng kẻ hở này, nhiều thế lực thù địch đã sử dụng MXH để tuyên truyền, kêu gọi thanh niên chống lại chế độ, đi ngược lại lợi ích nhà nước, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, gây bất ổn cho địa phương và xã hội.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên qua mạng xã hội

    Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác PBGDPL gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói riêng. Năm 2019, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” cho học sinh trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 Để khai thác triệt để các tính năng của công nghệ thông tin trong PBGDPL, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” với 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ “Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông”.

   Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới, với tư cách là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên, các tổ chức đoàn cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

   Thứ nhất, các tổ chức đoàn cần tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của công tác giáo dục pháp luật nói chung, PBGDPL cho thanh, thiếu niên qua mạng xã hội nói riêng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên. Bên cạnh phổ biến, thông tin về tác dụng, ưu điểm của mạng xã hội, cần quan tâm thông tin hạn chế, tác hại của mạng xã hội đối với thanh, thiếu niên; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng xã hội để bảo đảm phát huy tối đa ưu thế của mạng xã hội. Đội ngũ cán bộ đoàn làm công tác quản lý truyền thông chính sách pháp luật qua MXH phải có tính chuyên nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc các thông tin liên quan đến chính sách pháp luật đưa ra có được thanh niên quan tâm chú ý và chia sẻ hay không. Do vậy, đội ngũ cán bộ đoàn làm công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách pháp luật qua MXH cần được đào tạo bài bản và toàn diện về ứng dụng công nghệ thông tin.

 Thứ hai, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần chú trọng các nội dung pháp luật phổ biến phù hợp với từng nhóm thanh, thiếu niên, chú trọng vào các vấn đề được xã hội nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng quan tâm hiện nay như: Bạo lực học đường, buôn bán người, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy,vi phạm pháp luật, an toàn giao thông đường bộ…; đồng thời tăng cường giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong thi hành pháp luật để tăng sức lan tỏa, giáo dục thanh, thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật, phát huy vai trò và sức mạnh của mình, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

  Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong PBGDPL, giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ trẻ qua mạng xã hội. Hiện Bộ Tư pháp đã có Chương trình phối hợp với các cơ quan, tổ chức này trong công tác PBGDPL nên đây là sẽ điều kiện rất quan trọng để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Xây dựng Fanpage có nội dung PBGDPL bảo đảm tính chính xác, bảo mật, kịp thời. Bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, phù hợp để phụ trách quản trị Fanpage cũng như cấp kinh phí để bảo đảm duy trì hoạt động của trang Fanpage.

  Thứ tư, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần có kế hoạch để tổ chức các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức, văn hóa của thanh niên trong việc sử dụng MXH. Chủ động, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh niên về tính hai mặt của MXH, đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện thông tin sai phạm từ cộng đồng. Khi sử dụng mạng mạng xã hội, trước hết bản thân mỗi thanh niên phải tự trang bị những kỹ năng chọn lọc thông tin, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, xây dựng một hình ảnh sống tích cực; xây dựng một lối sống lành mạnh, hiểu biết pháp luật… tự tạo ra “sức đề kháng” cho mình trước những điều tiêu cực từ mạng xã hội. Muốn là người có văn hóa trên mạng xã hội, thanh niên phải là người có văn hóa trong cuộc sống thực hằng ngày. Có như thế, chúng ta mới có thể cùng nhau tạo ra một thế hệ những người Việt trẻ văn minh và cư xử có văn hóa trên mạng xã hội.

Phải khẳng định rằng, việc sử dụng MXH như một công cụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ phát huy tối đa hiệu quả, không bị giới hạn về không gian và thời gian đến từng đối tượng… MXH còn có tác động mạnh mẽ trong định hướng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi của mỗi công dân nói chung và thanh niên nói riêng. Có thể thông qua đó để mỗi thanh niên tự ý thức những việc họ làm và điều chỉnh hành vi của mình đúng quy định của pháp luật và chuẩn mực của văn hóa đạo đức. Do vậy, trong thời gian tới Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò và những ưu điểm của mạng xã hội để nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên.

 

Ths. Nguyễn Thị Mùi - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012;

2. Bộ Tư pháp (2016), “Giáo dục pháp luật cho học sinh trung học phổ thông như thế nào”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 5, tr.20 – 26.

3. Bộ Tư pháp (2018), “Chuyên đề Phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”, Đặc san tuyên truyền pháp luật số 03/2018, Hà Nội.

4. Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/cong-tac-giao-duc/giao-duc-phap-luat-cho-thanh-thieu-nien-trong-thoi-dai-4-0

5. Bộ tư pháp, https://baophapluat.vn/tu-phap/day-manh-pho-bien-phap-luat-cho-thanh-thieu-nien-thong-qua-cac-trang-mang-xa-hoi-462644.html

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam