Trung Quốc đang thách thức giới hạn chịu đựng của châu Âu?

Thời sự, Thế giới | 09:05:00 19/01/2022

Liệu châu Âu có cam chịu sức ép của các cường quốc bên ngoài trong thế kỷ 21? Đây là câu hỏi mà nhiều nhà phân tích đưa ra hiện nay trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều biến động.

Chiến thuật của Trung Quốc

Tại Brussels, nhiều ý kiến cho rằng, sức mạnh tập thể của EU là cách thức duy nhất để cứu lục địa già thoát khỏi tình thế khó khăn này. Mặc dù không một quốc gia riêng lẻ nào ở châu Âu có thể sánh ngang với Mỹ hoặc Trung Quốc, nhưng EU nói chung được đánh giá là một trong 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy vậy, ý tưởng về việc sức mạnh kinh tế của EU có thể dễ dàng chuyển đổi thành sức mạnh địa chính trị đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. EU đang phải đứng ngoài trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế không chính thức đối với Litva – một thành viên của khối và Brussels đang nỗ lực tìm biện pháp đáp trả.

Nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn trong những tuần hoặc tháng tới, EU có thể không hy vọng vượt qua được sức ép này. Nhưng cũng có khả năng, các cuộc khủng hoảng hiện tại, đặc biệt là thách thức ở Litva sẽ dẫn đến một bước nhảy vọt trong năng lực của EU nhằm bảo vệ các lợi ích của khối trên trường quốc tế.

Cuộc khủng hoảng Ukraine là vấn đề giữa “chiến tranh và hòa bình” trên lục địa châu Âu, vì vậy nhiều quan chức EU cảm thấy bất mãn vì không được mời tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp trong thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng điều này không quá ngạc nhiên bởi EU không phải là một cường quốc quân sự và Ukraine cũng không phải là thành viên của khối.

Trái lại, Litva là một thành viên của liên minh, hơn nữa, quốc gia này đang bị cuốn vào một cuộc tranh trấp thương mại với Trung Quốc. Thương mại là một trong số ít các lĩnh vực mà EU đặc biệt quan tâm và sẵn sàng can dự mạnh mẽ trên toàn cầu, do đó, người châu Âu vừa có cơ hội lại vừa có nghĩa vụ phải cùng nhau hành động.

Trung Quốc đã tung đòn trừng phạt mạnh mẽ với Litva sau khi quốc gia Baltic này cho phép vùng lãnh thổ Đài Loan mở “văn phòng đại diện” ở Vilnius. Bắc Kinh quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước xuống "cấp đại biện", đồng thời cáo buộc Vilnius đã thiết lập một "tiền lệ quốc tế xấu" khi bật đèn xanh cho đảo Đài Loan.

Vụ văn phòng đại diện của Đài Loan không phải là “điểm đen” duy nhất trong quan hệ giữa Litva và Trung Quốc. Hồi tháng 5/2021, quốc gia Baltic này đã rút khỏi diễn đàn hợp tác “17+1” mà Trung Quốc lập ra ở khu vực Trung và Đông Âu.

Trung Quốc không chỉ dừng tất cả hoạt động thương mại với Litva, mà còn cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm chứa những thành phần được sản xuất tại Litva. Điều đó đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đau đầu.

Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã lựa chọn chiến thuật rất khôn ngoan. Các nhà đầu tư Đức ở Litva đã hối thúc chính phủ nước này lùi bước, trong khi nhiều cuộc thăm dò cho thấy người dân Litva đã quay lưng với một số hoạt động giải trí của Đài Loan.

Nhưng chính sách này cũng chứa đựng những rủi ro mà Bắc Kinh có thể không lường hết. Bằng cách đánh vào chuỗi cung ứng của châu Âu, Trung Quốc đang nhắm tới tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu – vốn là trọng tâm của nền kinh tế cũng như chứa đựng nhiều hoài bão chiến lược của EU.

Châu Âu nỗ lực xây dựng tuyến phòng thủ thương mại

Chuyên gia Janka Oertel thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nhận xét: “Với việc phát động cuộc chiến thương mại với Litva, Trung Quốc tạo ra phép thử cho toàn bộ châu Âu”. Đây không phải là vấn đề lý thuyết. Một số nhà phân tích tại châu Âu lo ngại rằng, quốc gia tiếp theo nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc sẽ là Cộng hòa Séc - nơi có nhiều chính trị gia thân thiện với vùng lãnh thổ Đài Loan.

Các nhà máy tại Séc đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng của EU, do vậy, việc trừng phạt những trang thiết bị hay vật liệu do Séc sản xuất có thể tác động xấu đến thị trường chung châu Âu. Nhiều quan chức EU đã thể hiện tình đoàn kết với Litva. Một số đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO). Pháp – nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đang xem xét đẩy nhanh quá trình thông qua luật chống cưỡng bức về thương mại.

Những nỗ lực chung này sẽ cho phép EU trả đũa các “hành vi cưỡng chế thương mại” của Trung Quốc hoặc bất cứ quốc gia nào khác. Những biện pháp đưa ra có thể bao gồm lệnh cấm đầu tư hoặc áp đặt thuế quan.

Theo Brussels, không giống như chính sách đối ngoại đòi hỏi sự nhất trí gần như tuyệt đối, các quyết định về thương mại có thể được thông qua với đa số phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc những nước thân thiện với Trung Quốc trong EU, chẳng hạn như Hungary và Hy Lạp sẽ không thể ngăn chặn được quyết định thông qua dự luật chống cưỡng bức hoặc việc triển khai dự luật này.

Ông Reinhard Bütikofer – một thành viên có ảnh hưởng tại Nghị viện châu Âu tin rằng, cuộc khủng hoảng Litva có thể tạo ra một bước tiến lớn trong khả năng mở rộng quyền lực của châu Âu. Tuy nhiên, quy trình lập pháp của châu Âu rất phức tạp. Nhiều khả năng các công cụ chống cưỡng ép về mặt thương mại chưa được thông qua trước mùa Hè năm nay. Và từ giờ cho đến khi đó, Litva có thể bị buộc phải lùi bước trước biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc áp đặt.

Theo ông, Reinhard Bütikofer, để đảm bảo lợi ích của mình, châu Âu cần phải ngăn chặn kịch bản này xảy ra. Nếu Trung Quốc thành công trong việc “bắt nạt” Litva, trong khi EU bất lực đứng nhìn, vị thế của liên minh trong mắt Bắc Kinh, cũng như Nga và Mỹ chắc chắn sẽ suy giảm./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Financial Times

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam