Quảng Ninh: Định hướng phát triển sản phẩm OCOP thành thương hiệu mạnh vươn ra quốc tế

Thời sự, Xã hội | 10:26:00 21/05/2022

TNV - Năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Sau 7 năm thực hiện, kết quả thành công của tỉnh Quảng Ninh được Trung ương đánh giá cao và chọn triển khai nhân rộng ra toàn quốc. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Ninh định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, phát triển thương hiệu OCOP - QN thành thương hiệu mạnh trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Đồng thời, xây dựng chất lượng và hình ảnh sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh làm quà tặng của tỉnh và của Quốc gia.

 Sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương: Ngọc Trai Hạ Long

Nâng tầm Chương trình OCOP chuyển từ lượng sang chất

Nhìn lại chặng đường 7 qua (tính đến thời điểm năm 2020), theo đánh giá của Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, Chương trình OCOP góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tiếp tục tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Sản phẩm OCOP được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

 Nước khoáng Quang Hanh – sản phẩm OCOP 5 sao cấp tỉnh là hàng Việt Nam chất lượng cao

Được biết, hiện nay cả tỉnh Quảng Ninh đã có 499 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Cụ thể, nhóm thực phẩm: 354 sản phẩm; đồ uống: 89 sản phẩm; thảo dược: 39 sản phẩm; thủ công mĩ nghệ: 14 sản phẩm; du lịch dịch vụ: 3 sản phẩm. Trong đó có 267/499 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt từ 3-5 sao (có 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Trung ương; 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh; 68 sản phẩm đạt 4 sao và có 193 sản phẩm đạt 3 sao), có gần 85% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử truy suất nguồn gốc.

Đặc biệt, Chương trình OCOP đã thúc đẩy các tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín gắn với vai trò dẫn dắt chủ đạo của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cùng tích cực và chủ động tham gia.

Miến dong Bình Liêu – sản phẩm OCOP 4 sao

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 189 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP (trong đó có 52 doanh nghiệp, 72 hợp tác xã, 65 hộ sản xuất) với tổng số lao động trực tiếp trên 4.500 người và hàng vạn lao động gián tiếp hưởng lợi từ Chương trình OCOP. Từ đây đã huy động được đa dạng các nguồn lực, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất của các tổ chức kinh tế OCOP. Số liệu công bố của Ban Xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh cho thấy, Nhà nước bỏ ra 1 đồng đã huy động thêm được gần 75 đồng nữa từ các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những những mặt tích cực là chủ yếu, quá trình triển khai Chương trình OCOP Quảng Ninh cũng khó khăn, hạn chế như: Vùng nguyên liệu sản xuất các sản phẩm OCOP còn chưa được mở rộng; Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế trong sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP nên  giá trị gia chưa cao; chưa phát triển nhiều sản phẩm mới, chưa có nhiều sản phẩm OCOP theo chuỗi liên kết giá trị,...; hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.


 Trà hoa vàng Ba Chẽ

Hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước

Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định mục tiêu là tiếp tục nâng tầm Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh chuyển từ lượng sang chất, phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn chất lượng cao trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn tiên tiến với kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Ruốc hàu Vân Đồn

Ông Nguyễn Minh Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, kiêm Chánh Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Kế thừa những thành tựu đạt được và khắc phục những hạn chế trong thực hiện chương trình giai đoạn 2013-2020, Chương trình Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Ninh tập trung một số định hướng sau:

- Thứ nhất, tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một Chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với xây dựng NTM bền vững;

- Thứ hai, tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa ở khu vực miền núi, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch; triển khai có hiệu quả OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường;

 Mước mắm Cái Rồng

- Thứ ba, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn đặc biệt là các HTX, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đồng thời, có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP.

- Thứ tư, tập trung các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao. Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.

- Thứ năm, Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, phát triển thương hiệu OCOP - QN thành thương hiệu mạnh trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Kiểm soát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc. Xây dựng chất lượng và hình ảnh sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh làm quà tặng của tỉnh và của Quốc Gia.

- Thứ sáu, Củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo hướng chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện số hóa, quản lý đồng bộ cơ sở dữ liệu OCOP./.

 Phạm Quỳnh 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam