Công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế đang vướng do các quy định của pháp luật hiện hành
Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải vấn đề mới
Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) không phải là vấn đề mới và nó thường xảy ra nhỏ lẻ. Nhưng thời gian vừa qua, tình trạng này đã xảy ra tại nhiều cơ sở y tế của nhiều địa phương trên cả nước. Điều này có liên qua tới công tác đấu thầu.
Về công tác đấu thầu, lãnh đạo một bệnh viện Trung ương tại Hà Nội cho biết, quá trình mua sắm đấu thầu thuốc hoặc vật tư y tế thường kéo dài 4-5 tháng. Trước đó, các khoa, phòng của bệnh viện làm chuyên môn đều phải có dự trù, thống kê và kế hoạch mua sắm. Kế hoạch mua sắm phải có hồ sơ được phê duyệt và lựa chọn đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu đôi khi cũng không có đủ hàng cung cấp cho bệnh viện.
Quy trình làm thầu chậm cũng có nhiều lý do, trong đó có thể dự trù không kịp. Đặc biệt, trong thời gian qua, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhanh và sau 2 năm chống dịch, người dân đi đến các cơ sở KCB quá nhiều, dẫn đến sự quá tải. Vì vậy xảy ra tình trạng có thể năm nay cơ sở y tế dự kiến mua 1.000 viên thuốc nhưng sang năm có thể phải sử dụng 1.500-2.000 viên. Do đó, bệnh viện phải bổ sung thầu.
Trong trường hợp này, nếu trước đây, khi thiếu thuốc hoặc vật tư y tế, cơ sở y tế có thể vay, mượn đơn vị cung cấp trước, sau đó làm hồ sơ trả sau. Tuy nhiên hiện tại, không thể linh động như vậy được.
Vị lãnh đạo này phân tích, ví dụ trong đợt dịch COVID-19, một cơ sở y tế thầu 3.000 kít test xét nghiệm. Ngày đầu chỉ sử dụng khoảng 100 test, hôm sau sử dụng 200 test và có ngày phải sử dụng tới hơn 1.000 test. Như vậy, số lượng test xét nghiệm được thầu chỉ sử dụng được trong vài ngày. Sau khi sử dụng hết số lượng test này, nếu người dân tới bệnh viện để test mà bệnh viện không có test thì đó là lỗi của bệnh viện. Lúc này, tất cả các hoạt động dự trù của bệnh viện đều đã biến động ngoài thống kê.
"Bệnh viện có thể linh động vay, mượn nhà thầu cung cấp để sử dụng trước trong trường hợp này. Tuy nhiên, thời điểm vay, mượn thì kit test có thể có giá vài trăm nghìn đồng, nhưng tuần sau, tháng sau có thể chỉ còn 100.000 đồng. Lúc đó, bệnh viện không biết trả lại công ty bằng giá nào? Nếu làm thủ tục trả thì phải quay lại quy trình đấu thầu để có vật tư, thuốc trả đơn vị và điều đó không hợp lý. Lúc này, bệnh viện phải tìm đủ mọi cách vay, mượn trực tiếp, nếu số lượng ít thì có thể vay, mượn, còn nếu số lượng nhiều thì rất khó. Đó là một lý do, chứ không phải bệnh viện sợ sai, không dám đấu thầu", vị lãnh đạo này khẳng định.
Để khắc phục tình trạng này trong điều kiện hiện nay, các bệnh viện vẫn làm thầu để khắc phục việc thiếu thuốc. Tuy nhiên khi thầu xong cũng chưa thể chắc chắn việc không thiếu thuốc. Chẳng hạn, có sản phẩm chỉ có một nhà cung cấp nhưng nhà cung cấp vì đại dịch COVID-19 đã sản xuất, phân phối không kịp nên không thể chắc chắn người bệnh có thuốc.
Thiếu thuốc, vật tư y tế không chỉ do đấu thầu
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế đang bộc lộ một số vướng mắc do các quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ nhất, việc quy định giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kỳ địa phương nào của cùng một loại vật tư khiến việc đấu thầu rất khó thực hiện do chưa tính đến yếu tố lạm phát.
Ông Quang phân tích dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu, logistic (vận tải, bảo quản)… đều tăng nên rất khó để đưa ra mức giá hợp lý. Vì vậy, bệnh viện có mời thầu nhưng không doanh nghiệp nào đưa ra được mức giá bằng giá của năm trước để tham gia việc mua sắm.
Tương tự, việc mua sắm trang thiết bị y tế còn khó hơn vì cùng một loại máy nhưng cấu hình khác, tính năng kỹ thuật khác nên giá sẽ khác nhau. Mặt hàng thuốc được chia thành 5 nhóm để đấu thầu nhưng vật tư y tế chưa được chia nhóm cụ thể, chưa tính yếu tố uy tín, chất lượng của hãng sản xuất nên có giá khác nhau. Điều này cũng làm cản trở việc thực hiện đấu thầu.
Thứ hai vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế (số lượng, chủng loại…) của bệnh viện có thể không sát với thực tế.
Thứ ba, do thời gian vừa qua chúng ta tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để phòng chống dịch COVID-19 nên công tác đấu thầu tập trung không thực hiện được. Ngoài ra, do việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên có hiện tượng khan hiếm thuốc cũng như có loại thuốc bị thừa nếu không sử dụng đến.
Thứ tư, thời gian qua có một số vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu nên dẫn đến tâm lý lo ngại khi tham gia đấu thầu. Thậm chí, có đơn vị hiện nay còn thiếu đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác đấu thầu, mời thầu do một số cán bộ xin chuyển công việc khác.
Còn theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian vừa qua là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy một số địa phương và đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn...
Giải quyết tận gốc vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Theo lãnh đạo một số bệnh viện, để khắc phục trước mắt việc thiếu thuốc, vật tư y tế, các bệnh viện vẫn phải thực hiện một số gói thầu, đồng thời rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc trượt thầu để thực hiện thầu bổ sung. Những loại thuốc mà nhà cung cấp chưa cung ứng đủ thì bệnh viện liên hệ trực tiếp để trao đổi với họ.
Để giải quyết căn cơ các tồn tại, hạn chế trên, TS. Nguyễn Huy Quang cho biết cần đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu, trong đó có đấu thầu thuốc, vật tư y tế, để tìm ra thực trạng không tham gia đấu thầu hiện nay đang vướng nhất ở khâu nào.
Nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình Quốc hội để ra Nghị quyết. Nếu vướng ở cấp Chính phủ thì phải trình Chính phủ để giải quyết; vướng ở liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các bộ phải cùng giải quyết; vướng ở các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ Y tế phải giải quyết.
Ví dụ, vấn đề liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy, đấu thầu thuốc, vật tư y tế là một vấn đề lớn nhưng ngành y vẫn đang lúng túng vì người thực hiện rất dễ vướng tình trạng vi phạm pháp luật. Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ, đâu là "lằn ranh" không thể vượt qua.
Chính vì vậy, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, cần phải có văn bản hướng dẫn quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Ngày 18/6, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế về việc xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị trường hợp xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, các bệnh viện báo cáo rõ nguyên nhân với Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) trước ngày 22/6/2022.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải đảm bảo việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.
Hiền Minh/Chinhphu