Trai bản bạo tay chi hơn 600 triệu đồng mua 3 mắt lan

Thời sự, Xã hội | 09:20:00 03/09/2022

TNV - Nhờ có nguồn tích luỹ được từ chăn nuôi ba ba và trồng quế nhiều năm nay, chàng trai Trần Văn Đức (27 tuổi) bản Văn Hưng, xã miền núi đặc biệt khó khăn Cát Thịnh thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái dám bạo tay bỏ ra hơn 600 triệu đồng để mua 3 mắt (ki) lan đột biến đã gây xôn xao cả làng, cả xã…

Nhưng vấn đề ở chỗ, từ câu chuyện chơi lan đột biến mọi người mới biết thêm nhiều điều mới mẻ về chàng thanh niên qua giao tiếp tưởng chừng trầm tính, ít giao du, nhưng ẩn chứa bên trong là đức tính cần cù, chí thú làm ăn và giàu khát vọng làm giàu bằng chính sức của mình trên mảnh đất quê hương.

Trần Văn Đức và vườn lan được đầu tư, chăm sóc công phu.

 Chí thú làm ăn là niềm vui lớn nhất

Đến thăm giữa lúc chàng trai chưa vợ mặc quần đùi áo cộc vừa chuẩn bị xong thức ăn cho ba ba, nên Đức xin phép ăn mặc thế cho tiện, nhưng tôi nghĩ đó cũng là tính cách giản dị, không ưa màu mè, chỉ ham làm của những người nông dân như Đức.

Theo lời kể của thanh niên 27 tuổi chưa vợ, nhờ nguồn thu nhập khá cao từ chăn nuôi baba gai dăm năm nay mỗi năm bình quân 200 triệu đồng cộng với khoản thu hơn trăm triệu mỗi năm từ trồng quế, nên đầu năm 2021 giữa lúc lan đột biến đang sốt, Trần Văn Đức dám bạo tay chi hơn 600 triệu đồng chỉ để mua 2 ki và 01 mắt mủ lan đột biến (01 mắt mủ Bạch tuyết 350 triệu đồng và 02 ki Hồng Yên Thủy mỗi ki 130 triệu đồng) vừa để đầu tư vừa làm phong phú thêm vườn lan rộng 100 m2 nằm bên đường Quốc lộ 32 của mình được khai trương từ hồi tháng 10/2018.

Được biết, hiện trong vườn lan của Đức đang có 4 loài lan đột biến, trong đó loài lan Bạch tuyết có giá trị nhất, tiếp đến là lan Hồng Yên Thủy rồi lan cánh trắng HO và lan cánh trắng Phú Thọ. Từ mấy ki (mắt, đốt) lan đột biến ngắn cũn cỡn ban đầu, nay Đức đã nhân ra được hàng trăm mắt. Bên cạnh đó còn có 6 loại lan rừng tự nhiên nữa như: Phi điệp, Kiều vuông, Bạch nhạn…

Nhờ mở rộng chăn nuôi ba ba gai sinh sản nên kinh tế gia đình được củng cố vững chắc.

Tôi ướm hỏi, trị giá của các giỏ lan đột biến hiện nay thế nào? Thoáng chút buồn, nhưng đôi mắt lại ánh lên nét cương nghị vốn có, Đức lạc quan nói, nếu được giá như ngày đang “hót” thì em đã có khoảng 5 tỷ đồng rồi.

 “Ngoài thú vui tao nhã với vườn lan, hàng ngày Đức chỉ biết cần mẫn tìm niềm vui với việc chăm sóc 03 ao nuôi ba ba gai rộng hơn 1.200 m2 của gia đình. Đặc biệt, bạn Đức còn là hình mẫu thanh niên tiêu biểu chí thú làm ăn của xã đấy anh ạ” - anh Sa Kim Cương (Bí thư Đoàn xã) vui vẻ nói.

Đức nhớ lại, trước đây từ khi còn đang học cấp 2, cấp 3, cứ sáng đi học, chiều lại đi đào giun giúp bố mẹ nuôi mấy cặp ba ba, nên năm 2014 sau khi tốt nghiệp lớp 12 lượng sức học của mình không mấy khả quan cộng với tính cách không thích gò bó, Đức không đăng kí nguyện vọng học thêm gì cả và cũng không bay nhảy đi làm ăn xa như nhiều bạn trẻ khác ở thôn, ở bản. Đức ở nhà học và làm nghề sửa xe máy ngay tại xã được 01 năm thấy không hợp bèn an phận chí thú với nghề nuôi ba ba và làm rừng do bố mẹ đã già trao truyền lại làm niềm vui lớn nhất.

Khoản thu nhập mơ ước đối với nhiều gia đình ở nông thôn, miền núi

Nhờ có sức trẻ của Đức nên kinh tế gia đình được củng cố vững chắc. Có nguồn thu tốt, năm 2017 Đức mạnh dạn chuyển ao nuôi cá gần 800 m2 xây kè, ngăn ra thành 02 ao nuôi ba ba sinh sản; đến năm 2021 tiếp tục múc đất làm thêm ao mới, tăng số ba ba bố mẹ từ 9 con ban đầu với diện tích ao nuôi vỏn vẹn 60 m2 nên 03 ao với tổng diện tích hơn 1.200 m2  và gần 400 con bố mẹ.

Từ mấy ki (mắt, đốt) lan đột biến ngắn cũn cỡn ban đầu, nay Đức đã nhân ra được hàng trăm mắt.

Đồng thời, mọi công việc hàng ngày như: buổi sáng đi rừng; chiều về băm cá cho ba ba ăn, nhặt trứng, đánh số theo dõi ấp nở, nuôi ươm con giống, kiểm tra nguồn nước; tối tối tưới nước chăm sóc vườn lan… đều do một tay Đức thực hiện.

Từ đây số lượng ba ba giống do Đức sản xuất ra tăng lên rõ rệt, từ chỗ chỉ có hơn 100 con thời gian 2017 về trước, tăng nhanh lên hơn 1.000 con vào năm 2018, rồi hơn 2.000 con từ năm 2019 và năm 2021 hơn 4.000 con; dự kiến từ năm 2022 sẽ là trên 5.000 con mỗi năm. Với giá bán dao động từ 100.000 đồng đến 180.000 đồng/con tùy vào thời điểm, mấy năm trở lại đây ước tính mỗi năm Đức thu được khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ đi mọi chi phí. Một khoản thu nhập mơ ước đối với nhiều gia đình ở các vùng nông thôn, miền núi.

 Nhắc đến vườn lan Đức vẫn lạc quan kể, từ khi đầu tư đến nay thì giai đoạn năm 2019 đến 2021 vườn lan thu hút được rất nhiều khách qua đường vào xem, mua, mang lại thu nhập mỗi tháng 10 – 15 triệu đồng. Nay tuy lan hết sốt, nhưng ngày nào cũng phải đun mấy phích nước để pha trà mời khách và bà con hàng xóm yêu lan đến chơi. Do vậy, vẫn cảm thấy vui vì vừa được chơi vừa bán được hàng khi gặp khách và vừa mang lại niềm vui cho đời. 

Những mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên xã Cát Thịnh

- Mô hình nuôi Ba Ba và sản xuất gạch không nung của đoàn viên Hoàng Văn Kiêm, Chi đoàn thôn Ba Khe.

- Mô hình dịch vụ vật tư nông nghiệp của đoàn viên Sa Kim Cương, Chi đoàn thôn Ba Khe.

- Mô hình trồng cây ăn quả của đoàn viên Sùng A Dâu, Chi đoàn thôn Làng Ca.

- Mô hình sản xuất cung ứng nước sạch của đoàn viên Nguyễn Mạnh Hùng, Chi đoàn thôn Hùng Thịnh.

- Mô hình trồng và sản xuất cây giống húng rừng của đoàn viên Sa Ngọc Tuy, Sùng A Long - Chi đoàn thôn Ba Khe, Làng Ca.

- Mô hình chăn nuôi đại gia súc của đoàn viên Hờ A Cang, Chi đoàn thôn Đồng Hẻo.

Cùng với 02 tổ hợp tác thanh niên: Tổ hợp tác nuôi gà Mông của Nguyễn Thanh Bình và Sùng A Cá - Chi đoàn thôn Ba Khe, Pín Pé; Tổ hợp tác trồng rừng do Dương Kim Quyết chi đoàn Đá Gân quản lý.

Ngoài ra, Đoàn xã còn phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Văn Chấn triển khai có hiệu quả 7 tổ tiết kiệm vay vốn với 254 hộ vay, đạt trên 10,6 tỷ đồng. Các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, không có nợ quá hạn. Trong đó có nhiều đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển trồng quế, vừa phát triển kinh tế bền vững vừa gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam