Tam Đảo – Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới: Bồng bềnh ẩn hiện giữa biển mây

Du lịch, Hồn việt | 11:03:00 08/12/2022

TNV - Tại Gala chung kết trao giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 29 năm 2022 diễn ra ngày 11/11/2022 tại Oman, thị trấn Tam Đảo của Việt Nam được Tổ chức World Travel Awards (Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới) vinh danh là "Tam Đảo -Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022". Đây là lần đầu tiên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc được đề cử và ngay ở lần đề cử đầu tiên này thị trấn Tam Đảo đã được nhận giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới.

: Tỉnh Vĩnh Phúc vui mừng đón giải thưởng "Tam Đảo -Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022"

Được biết, trên hành trình chiến thắng giải thưởng, thị trấn Tam Đảo đã vượt qua5 thị trấn khác của các quốc gia: Séc, Bosnia & Herzegovina, Nepal, Mỹ và New Zealand cùng được đề cử trong hạng mục này, trong đó có các điểm đến nổi tiếng thế giới như Hana (Maui, Hawaii, Mỹ) hay Shirakawa-go (Ono, Gifu, Nhật Bản).

Bồng bềnh ẩn hiện trong mây, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn

Giải mã cho câu hỏi vì sao thị trấn Tam Đảo được công nhận là thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022, theo thông tin từ UBND huyện Tam Đảo cung cấp thì Tam Đảo là miền đất địa linh, nằm trọn trong Vườn Quốc gia Tam Đảo, là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn. Nằm trên độ cao từ 900m đến 1.100m so với mực nước biển, cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km, nên Tam Đảo luôn có khí hậu trong lành, mát mẻ, từ lâu khu du lịch Tam Đảo đã được coi là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Tham dự sự kiện có các thí sinh Hoa hậu Du lịch Thế giới năm 2022, nhân dân địa phương và đông đảo du khách.

Khu du lịch Tam Đảo đang được tỉnh quy hoạch để trở thành trọng điểm du lịch với nhiều loại hình du lịch phong phú như: Nghỉ dưỡng, sinh thái, mạo hiểm, nghiên cứu, tín ngưỡng, tâm linh…là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Thời gian qua, Tam Đảo được đầu tư lớn, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, khẳng định vị thế là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Tháng 01/2022, Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch cấp Quốc gia.

Ngược dòng thời gian về những năm đầu thế kỷ 20 cách nay hơn 100 năm về trước, Tam Đảo được người Pháp biết tới từ năm 1904 sau khi họ tìm ra Thác Bạc ở độ cao 912m so với mặt nước biển. Nhằm biến nơi đay thành một khu nghỉ dưỡng trên núi, chính quyền Pháp khi đó đã cho xây dựng một thị trấn phục vụ du lịch ở đây. Người ta ước tính tính có cả thảy 163 ngôi biệt thự mang kiến trúc châu Âu đã được xây dựng ở Tam Đảo. Và chỉ vài năm sau khi phát hiện ra, Tam Đảo đã trở thành khu du lịch nổi tiếng dành cho các quan chức thuộc địa. Cho đến nay, Tam Đảo là một trong 4 khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Việt Nam do người Pháp phát hiện ra.

Trước đó các thí sinh Hoa hậu Du lịch Thế giới năm 2022 tham gia Lễ phát động trồng cây vì mục tiêu “Phát triển du lịch và bảo vệ môi trường” do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức

Thị trấn Tam Đảo nằm trên dãy núi có chiều dài khoảng 50km, tọa lạc ở phía Bắc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chạy dài suốt từ đèo Khế đến Đa Phúc, nơi quy tụ các cánh cung Đông Bắc; với diện tích khoảng 10-15km2 , chia ngăn thành danh giới tự nhiên giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Ở đây hầu như ngày nào cũng có những làn mây trắng giăng mờ phủ kín khắp các làng mạc, núi non nhất là vào buổi sáng và khi chiều tối. Lúc này 3 ngọn núi có tên là: Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa nổi lên bồng bềnh ẩn hiện trong mây như ba hòn đảo giữa biển mây mênh mông nên địa danh này được gọi làTam Đảo”.

Ngọn Thạch Bàn (Bàn đá)có độ cao tuyệt đối 1420m so với mực nước biển.Trên đỉnh núi địa hình bằng phẳng như hình bàn cờ Tiên. Ngọn Thiên Thị (Chợ trời), trên đỉnh có nhiều đá tảng lô nhô như người Tiên họp chợ. Có độ cao tuyệt đối 1585m. Còn ngọn Phù Nghĩa: Cao 1250m, chân núi có ngôi chùa Phù Nghì.

Thác Bạc

Hiện nay cơ sở hạ tầng du lịch của huyện được nâng cấp và mở rộng. Tại khu di tích danh thắng Tây Thiên hệ thống cáp treo và dịch vụ xe điện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại phục vụ du khách thập phương. Tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo đang tiếp tục hoàn thiện khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, một số các đền, chùa.... Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nhà hàng, khách sạn được xây dựng,nâng cấp, đầu tư mới,đáp ứng cơ bản nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách (hiện trên địa bàn huyện có 229 cơ sở lưu trú (78 khách sạn trong đó 4 sao 1, 2 sao 19,  3 sao 3, 1 sao 7), 90 nhà nghỉ,  60 homestay, 1 vila) với trên 4000 phòng.

Bên cạnh đó huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, có thế mạnh trong phát triển du lịchnhư: Đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, Thác Bạc, suối Bát Nhã, suối Giải Oan. Khu du lịch Tam Đảo nằm ở độ cao hơn 900m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm là 180C là nơi lý tưởng cho du khách nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, du lịch công vụ, mạo hiểmtại vùng núi tự nhiên Tam Đảo.

Cổng Trời

Một số thác nước và mặt nước cùng các công trình tự nhiên và nhân tạo, tạo cảnh quan đẹp như:Thác Bạc, Thậm Thình, Bản Long, Hồ Xạ Hương, Hồ Vĩnh Thành,tháp truyền hình Tam Đảo ở độ cao trên 1200m...

Lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và là kho dược liệu quý giá

Về tiềm năng di tích lịch sử: Toàn huyện có 103 di tích, trong đó có một số di tích nổi tiếng như: Đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, Đền Bà chúa Thượng ngàn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên... Hệ thống di tích lịch sử cách mạng khá đa dạng như bia tưởng niệm búa liềm (xã Tam Quan) - Nơi tưởng niệm đồng chí Kim Ngọc (Nguyên Bí thư tỉnh Vĩnh Phú về hoạt động ở đây trong những năm kháng chiến chống Pháp); Đồn binh Nhật - Nơi ghi dấu trận đánh lịch sử ngày 16/7/1945, đơn vị Việt Nam Giải phóng quân đã cùng với quần chúng nhân dân tiến hành tập kích, tiêu diệt hoàn toàn đồn binh Nhật, giải phóng hàng trăm tù binh;Sở chỉ huy Chiến dịch Trần Hưng Đạo (năm 1950 – 1951);Hệ thống hầm của Bộ Chính trị trong kháng chiến chống Mỹ;Khu di tích lưu niệm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm và làm việc tại thị trấn Tam Đảo (hay còn gọi là nhà Rông).

Nhà thờ Đá

Đặc biệt, Tam Đảo còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Hiện trên địa bàn huyện có 44 lễ hội lớn, nhỏ ở các xã, thôn được tổ chức tại các đình, đền, chùa trong năm. Một số lễ hội tiêu biểu có sức thu hút khách du lịch lơn như: Lễ hội Tây Thiên (Tại Đền Thỏng – thị trấn Đại Đình) được tổ chức từ ngày 15 – 17 tháng 2 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, chính Vương phi của Hùng Chiêu vương thứ VII - người đã có công lớn trong việc giúp Vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước, chiêu mộ quân sĩ, củng cố vương triều. Bà được sắc phong Sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại Vương thuộc hàng Thượng đẳng phúc thần. Di tích thờ bà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt từ tháng 12/2015.Năm 2020, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

Hội vật Làng Hà xã Hồ Sơn, là lễ hội lâu đời của cư dân vùng chân núi Tam Đảo. Hội vật Làng Hà được tổ chức vào mùng 7 Tết âm lịch, là cuộc tranh tài giữa các đô vật lừng danh trên địa bàn huyện, tạo không khí vui vẻ hồ hởi trong những ngày đầu năm nhưng cũng mang phong cách biểu diễn dân gian đặc trưng riêng biệt của dân tộc có truyền thống thượng võ lâu đời.

Vườn Quốc gia Tam Đảo

Nghệ thuật hát văn (hay hát chầu văn) – một trong những hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ. Trong nhiều năm trở lại đây, UBND huyện đã có những hoạt động thiết thực nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn, kế thừa những giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn và hát chầu văn trong “Thực hành tín ngưỡng và thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tổ chức hướng dẫn, truyền dạy hát văn cho các CLB, các cháu thanh, thiếu niên để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy, phổ biến nghệ thuật hát văn của dân tộc.

Bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Dìu: Người dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo còn lưu giữ một nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, được biểu hiện thông qua tiếng nói, chữ viết, trang phục, làn điệu dân ca (Soọng Cô, lễ cấp sắc)...; ẩm thực đặc trưng của người Sán Dìu (bánh trứng kiến, bánh chưng gù, bánh tro)... Làn điệu dân ca Soọng Cô là một thể loại hát ví đối đáp gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Dìu. Nó truyền tải những tâm tư, tình cảm, nhờ tiếng hát để trải tấm lòng, là phương tiện để bộc lộ tâm ý một cách tinh tế. Soọng Cô còn là lời hát ru đưa trẻ chìm trong giấc ngủ, lời hát để hỏi thăm về gia đình, bạn bè ... của những người lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Bên cạnh vai trò là một loại hình giải trí của một dân tộc yêu văn nghệ, Soọng Cô còn có ý nghĩa giáo dục ý thức con người hướng tới cái thiện, cái hoàn mỹ của cuộc sống. Đặc biệt, năm 2018 dân ca Sọong cô của người Sán Dìu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.Lễ cấp sắc là nghi lễ tín ngưỡng của người Sán Dìu, được người thầy cúng tổ chức để cấp sắc (truyền dạy) cho đệ tử cấp dưới mới học làm thầy cúng. Lễ cấp sắc chủ yếu tập trung diễn giải về đạo đức, lễ nghĩa; giáo dục cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Nét đẹp ấy được mô tả xuyên suốt trong quá trình thực hành của nghi lễ cấp sắc này.

Đền Chúa Bà Thượng Ngàn

Văn hóa ẩm thực: Những món ăn dân dã nhưng được người người dân chế biến tương đối cầu kỳ với hương vị thơm ngon đặc trưng đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Những loại bánh như: Bánh trứng kiến, bánh trưng gù, bánh gio ... đã trở thành một món ăn đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ, tết của dân tộc Sán Dìu, trở thành món quà quen thuộc và quý giá của những người con xa quê.

Về cây dược liệu, khám chữa bệnh: Nhiều nhà khoa học nhận định Tam Đảo là một kho dược liệu quý giá, với khoảng 1.000 vị thuốc như Trà Hoa Vàng, Ba kích… Bao đời nay, người dân quanh núi Tam Đảo có nghề làm thuốc cứu người, dựa trên nguồn dược liệu sẵn có ở núi rừng Tam Đảo. Hiện nay, dưới chân núi Tam Đảo vẫn còn nhiều người bốc thuốc chữa bệnh bằng thuốc Nam, để bảo tồn cây dược liệu quý hiếm nhiều hộ đã mang trồng nhiều giống cây dược liệu tại vườn nhà.

 Những giàn rau su su – đặc sản của Tam Đảo

Cùng với các sản phẩm nổi tiếng lâu nay như: ngọn rau su su, cây dược liệu...,các sản phẩmmới như Bò sữa, gà Tam Đảo... cũng đang được người tiêu dùng tin chọn. Đến nay, huyện đã có 12 sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP chất lượng 3 saophục vụ kháchdu lịch mua sắm tiêu dùng và làm quà tặng mỗi dịp về với thị trấn bồng bềnh giữa biển mây Tam Đảo.

Ngày 02/12/2022, Ủy ban nhân dân huyện Tam Đảo đã tổ chức Lễ đón nhận giải thưởng "Tam Đảo -Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022" của Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới trao tặng. Tham dự sự kiện có ngài Jonh Singh – Chủ tịch, người sáng lập Tổ chức Hoa hậu Du lịch Thế giới; ngài Pawee Venture – Tổng giám đốc điều hành Trang truyền thông Quốc tế Missosolgy, các thí sinh lọt vào Chung kết Hoa hậu Du lịch Thế giới năm 2022 cùng sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo, nhân dân địa phương và đông đảo du khách.

Các thí sinh lọt vào Chung kết Hoa hậu Du lịch Thế giới năm 2022 thích thú khi được thăm Danh thắng Tây Thiên và trải nghiệm không khí, cảnh đẹp, ẩm thực ở thị trấn Tam Đảo

Thị trấn Tam Đảo nổi bồng bềnh giữa biển mây 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam