Chính sách của Pháp đối với Ukraine và Nga rút cuộc là gì?

Thời sự, Thế giới | 10:15:00 03/02/2023

Khác với nhiều quốc gia châu Âu khác, Pháp không có chính sách quá rõ ràng đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Quan điểm của Pháp đã cứng rắn hơn nhưng nước này vẫn muốn trung gian hòa giải cho Nga và Ukraine.

Vấn đề viện trợ xe tăng hiện đại cho Ukraine

Sau khi Đức vào ngày 25/1 quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và cho phép các nước khác làm tương tự, một nửa số nước láng giềng châu Âu của Đức đã hứa hẹn cung cấp xe tăng cho Ukraine. Tuy nhiên, danh sách này vẫn vắng bóng Pháp.

Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP.

Trước đó vài ngày, khi được hỏi liệu nước Pháp có đóng góp xe tăng chiến đấu Leclerc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông “không loại trừ khả năng nào”. 

Pháp muốn thúc đẩy Đức hành động. Hồi đầu tháng 1, Pháp tuyên bố sẽ gửi “xe tăng hạng nhẹ” AMX-10RC sang Ukraine. Nhưng chỉ tháng trước, Tổng thống Macron lập luận rằng Nga cần có “các đảm bảo an ninh” trong một cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Ông duy trì đường dây liên lạc với Tổng thống Nga Putin.

Vậy chính xác thì chính sách của Pháp đối với Ukraine là gì? 

Việc Pháp mập mờ trong quan điểm đối với vấn đề Ukraine bắt nguồn từ 2 điều. 

Thứ nhất là vai trò của Tổng thống Macron trong các năm trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine. Ông Macron cố gắng thuyết phục ông Putin nên ứng xử theo hướng mà Pháp cho là tốt hơn. Ông Macron hoan nghênh ông Putin tới Versailles và nơi ở của tổng thống Pháp tại Địa Trung Hải. Tổng thống Macron cũng có chuyến thăm lần cuối tới Moscow vào đầu tháng 2/2022 để cố ngăn ngừa chiến tranh.

Thứ hai, sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Macron đã nói chuyện với Tổng thống Nga Putin nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo phương Tây nào khác. Tổng thống Pháp thường xuyên khơi gợi khả năng đàm phán hòa bình, với lập luận rằng các quan ngại của Nga cần phải được tính tới. Một số giới kết luận rằng ông Macron hối thúc Ukraine theo đuổi giải pháp hòa bình.

Tuy nhiên, Phủ tổng thống Pháp phủ nhận các nhận định trên. Một vị cố vấn nói rằng không khi nào ông Macron gây sức ép lên Tổng thống Ukraine Zelensky phải đàm phán cả.

Quan điểm đối với Nga bắt đầu được điều chỉnh

Tổng thống Macron đã hình thành quan điểm cứng rắn với Nga khi ông tuyên bố vào ngày 31/12/2022 rằng Pháp sẽ hậu thuẫn Ukraine “hoàn toàn để đi tới thắng lợi”.

Kiev đã chú ý đến sự thay đổi trên. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk, thông qua mạng xã hội Twitter, đã phản ứng như sau về tin tức này: “Tuyên bố của ông Macron thực sự thể hiện một sự thay đổi đáng kể”.

Những ngày này, các hội thoại giữa Tổng thống Pháp Macron và người đồng cấp Nga Putin được người ta xem xét cẩn trọng. Hai vị lãnh đạo chưa đàm thoại với nhau kể từ tháng 9/2022. Trong khi đó, Pháp đã gửi cho Ukraine các lựu pháo Caesar tối tân và các hệ thống phòng không. Xe tăng hạng nhẹ AMX-10RC cũng sẽ sớm được gửi sang.

Tổng thống Macron dường như vẫn hy vọng rằng Pháp một ngày nào đó có thể giúp trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Đó có thể là yếu tố giải thích vì sao ông lại thận trọng khi chỉ đạo sự ủng hộ về mặt quân sự của Pháp dành cho Ukraine. Ông Macron có lẽ vẫn canh cánh lo ngại về khả năng xung đột quân sự leo thang - một quan điểm đã ăn sâu trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Paris. Tuy nhiên, việc Pháp gần đây viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine cho thấy Pháp đã bắt đầu có những sự điều chỉnh. Tổng thống Macron đơn giản là đang nói rõ về những điều mà các đồng minh khác của Ukraine đang nghĩ tới.

Nga vẫn sẽ nằm ở thềm cửa châu Âu, dù ông Putin có là nhà lãnh đạo của Nga hay không. Người Pháp cho rằng vào một thời điểm nào đó, chiến sự sẽ kết thúc bằng đàm phán và họ sẽ phải tính tới an ninh của châu lục này và vị trí của các đường biên giới của khối quân sự NATO trong tương lai.

Trên thực tế, Pháp gần gũi với quan điểm của Mỹ về Ukraine, như được thể hiện trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Macron tới Washington vào tháng 12/2022. Cả hai nước bày tỏ lo lắng trước tình trạng leo thang xung đột. Tổng thống Mỹ Biden nhận thấy sự hữu ích trong đường lối của ông Macron đối với ông Putin. Người Mỹ cũng biết rằng Pháp là cường quốc quân sự lớn nhất của Liên minh châu Âu. Vào ngày 20/1, Tổng thống Macron công bố tăng 40% ngân sách quốc phòng Pháp cho giai đoạn 2024-2030 (so với giai đoạn 2019-2025), lên mức 449 tỷ USD.

Nếu Pháp thực sự gửi xe tăng Leclerc sang Ukraine, điều có thể mang tính biểu tượng nhiều hơn là có tác động thực chất trên thực địa. Quân đội Pháp chỉ vận hành khoảng 200 xe tăng và khó có thể tùy tiện bỏ đi dù chỉ là một số lượng ít xe tăng. Nay ông Macron đã thể hiện sự ủng hộ chính trị và quân sự cho Ukraine rõ hơn khi nào hết nhưng Pháp vẫn ít khả năng sẽ đi đầu trong việc hậu thuẫn Ukraine./.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam