Chương trình chào mừng Ngày công tác xã hội Việt Nam lần thứ 7 với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam: Chuyên nghiệp - Sáng tạo -Phát triển”

Thời sự, Chính trị | 15:28:00 23/03/2023

TNV - Công tác xã hội đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ và ngày nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp được thừa nhận trên thế giới. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm, hỗ trợ những những nhóm người yếu thế.

Với truyền thống của một dân tộc luôn đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành, đùm lá rách”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngay trong quá trình phát triển. Với quan điểm “vừa quan tâm phát triển kinh tế, vừa quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua, các quy định của pháp luật và chính sách xã hội cũng được ban hành có bổ sung vai trò của Công tác xã hội như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.Nghị định Số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Từ năm 2010, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội. Tiếp nối và thay thế Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV của Bộ trưởng Bộ LĐTB &XH và Bộ trưởng BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH, năm 2022, Bộ LĐ-TB &XH ban hành TT số 26/2022/TT-BLĐTBXH quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành CTXH. Năm 2017, Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội ra đời tiếp tục khẳng định tính chuyên nghiệp của nghề CTXH. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn CTXH trong các hoạt động chuyên ngành như trường học và bệnh viện. Có thể khẳng định hệ thống văn bản pháp luật đã từng bước được hoàn thiện, góp phần bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, giảm thiểu những rào cản, sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội.

Ngày 25/03/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam. Tiếp nối Đề án 32, ngày 22/01/ 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký  Quyết định Số: 112/QĐ-TTg Ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Đặc biệt, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là “Ngày công tác xã hội Việt Nam”. Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn trong xu thế chung của toàn cầu hóa, những thách thức của quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của khoa học công nghệ, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng. Đặc biệt là những thách thức mới do đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên. Trong bối cảnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nỗ lực, thể hiện rõ vai trò của mình gắn với các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp thông qua các phong trào và chương trình hành động như phong trào Thanh niên tình nguyện, tiếp sức đến trường, cuộc vận động vì đàn em thân yêu, chương trình triệu túi an sinh…Vai trò của Đoàn Thanh niên các cấp được khẳng định rõ nét trong việc tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, vấn đề mới phát sinh, các hoạt động an sinh xã hội, tham gia phát triển cộng đồng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương….Trong các chương trình đồng hành với thanh thiếu niên chăm sóc sức khỏe tinh thần, phát triển kỹ năng xã hội, hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, ứng xử, giải quyết các vấn đề, phản biện, làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập, nâng cao thái độ tích cực của thanh niên trong học tập, lao động, cuộc sống… với phương thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi.

Đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Đoàn các cấp tích cực, chủ động thực hiện và tham gia giám sát Luật trẻ em năm 2016, thực hiện tốt vai trò tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em, đặc biệt là phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích và bạo hành, xâm hại trẻ em. Các hoạt động lên tiếng bảo vệ trẻ em thông qua các vụ việc ngày càng được thực hiện chủ động, kịp thời. Mô hình “Hội đồng trẻ em” được triển khai thí điểm thành công, trở thành phương thức hiệu quả để phát huy quyền tham gia của trẻ em. Toàn Đoàn đã chủ động, tích cực chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn cho trẻ em trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, bền vững, đặc biệt là trẻ em các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Thiết thực chào mừng ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ VII, Trung ương Đoàn đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức chương trình chào mừng ngày công tác xã hội Việt Nam lần thứ VII với mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò của công tác xã hội và ghi nhận những đóng góp tích cực của những người làm công tác xã hội, đồng thời tiếp tục thúc đẩy công tác xã hội ở Việt Nam phát triển, góp phần xây dựng xã hội ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

PV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam