Co.opmart 25 năm trung thành với lý tưởng Hợp tác xã

Doanh nhân, Hội nhập | 14:29:00 27/04/2021

TNV - Với sự giúp đỡ của phong trào hợp tác xã quốc tế, vào ngày 09-02-1996, Saigon Co.op đã cho ra đời siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh để đánh dấu cho chặng đường bắt đầu xây dựng, phát triển loại hình kinh doanh bán lẻ mới, văn minh và phù hợp với xu hướng phát triển của Thành phố. 

Quyết định đúng đắn

Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mô hình hợp tác xã là công cụ chủ đạo giúp Đảng và Nhà nước ta điều tiết thị trường. Hợp tác xã giai đoạn này không chỉ là cầu nối quan trọng để mang hàng hóa thiết yếu đến tay người dân, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho đông đảo người lao động.

 Siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh những ngày đầu mới thành lập.

Năm 1989, khi nền kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch mạnh mẽ từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình Hợp tác xã kiểu cũ đã bộc lộ không ít khó khăn, khiếm khuyết, nhiều hợp tác xã đã lâm vào tình thế khủng hoảng, buộc phải giải thể hàng loạt.

Đứng trước bờ vực phá sản, Ban Quản lý Hợp tác xã Mua bán Thành phố đã mạnh dạn xin chủ trương UBND Thành phố được chuyển đổi thành Liên hiệp HTX Mua bán Thành phố (nay là Saigon Co.op), để ngoài việc tiếp tục thực hiện vai trò vận động, phát triển phong trào hợp tác xã, còn được tự chủ trong sản xuất, kinh doanh để không bị giải thể, đổ vỡ như bao hợp tác xã khác.

Quyết định mang tính lịch sử của “thuyền trưởng” Nguyễn Thị Nghĩa thời điểm đó, đã khai sinh ra Saigon Co.op, một mô hình kinh tế tập thể năng động, hiện đại, tiêu biểu của cả nước và thế giới như ngày nay. 

Co.opmart - Thương hiệu siêu thị thuần Việt

Theo chiều dài phát triển của nền kinh tế đất nước, Saigon Co.op đã có cơ hội tiếp cận với các hợp tác xã tiên tiến ở châu Âu, châu Á; từ đó, trong đội ngũ lãnh đạo đơn vị đã hình thành nên khao khát xây dựng nên một hệ thống siêu thị thuần Việt nhưng cũng văn minh, hiện đại không thua kém bạn bè quốc tế.

 Ngày 15-4-2021, Tổchức kỷ lục Việt Nam đã công bố Co.opmart là hệ thống siêu thị
thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam.

Sau thời gian nghiên cứu, khảo sát tình hình, học tập ở nước ngoài, kết hợp với việc tích lũy đủ nguồn vốn cần thiết, ngày 09-02-1996, Co.opmart Cống Quỳnh đi vào hoạt động dưới sự giúp đỡ của các phong trào hợp tác xã quốc tế.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của Saigon Co.op, người sáng lập ra hệ thống Co.opmart cho biết, với bản chất chịu thương chịu khó riêng có của những con người hợp tác xã, thời điểm khai trương Co.opmart Cống Quỳnh vẫn chưa có các concept, quy trình cụ thể, chủ yếu do mọi người tự suy nghĩ và tự làm nên. Đội ngũ ban giám đốc thời điểm đó cũng chưa ai có kinh nghiệm điều hành siêu thị có quy mô lớn như vậy. Chương trình khách hàng thân thiết lúc bấy giờ cũng phải theo dõi hoàn toàn bằng thủ công, chưa có chương trình điện toán hỗ trợ như ngày nay.

“Trong giai đoạn đầu mới khai trương, các anh em siêu thị làm xuyên suốt từ sang đến tối liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng ai cũng rất hăng hái. Tôi còn nhớ ngày 30 Tết, đến gần 22 giờ đêm mà siêu thị vẫn đông khách, chủ yếu là các chị em mua gánh bán bưng, hay các chú chạy xích lô, muốn tranh thủ những khoảnh khắc cuối năm để mua sắm những vật dụng cần thiết cho ngày Tết, nên chúng tôi không nỡ đóng cửa. Đây cũng là triết lý kinh doanh nhân văn của hệ thống Co.opmart vẫn đang được tiếp tục duy trì đến ngày hôm nay là càng cận Tết, chúng tôi càng thực hiện giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ bà con lao động nghèo được vui đón Tết”, bà Nguyễn Thị Nghĩa bồi hồi nhớ lại. 

Khát khao vươn lên

Xuất phát từ Co.opmart Cống Quỳnh với “3 Không” (Không quy trình, Không công nghệ và Không có nền tảng kinh nghiệm) nhưng với sứ mệnh được xác định phải “Góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển ngành bán lẻ Việt Nam”, sau 25 năm, Saigon Co.op đã không ngừng nghiên cứu, học tập, cải tiến chất lượng dịch vụ; đồng thời, quyết liệt tìm kiếm mặt bằng ở các tỉnh, thành trong cả nước để phát triển mô hình Co.opmart và nhiều thương hiệu bán lẻ khác.

 Thường trực Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Saigon Co.op
phát động thi đua trong Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh và công tác xây dựng Đảng năm 2020.

Tính đến nay, Saigon Co.op có tổng cộng 842 điểm bán, hoạt động tại 44/63 tỉnh thành trên cả nước, gồm có: 113 Co.opmart, 09 Co.opmart SCA, 05 Co.opXtra (chuyển đổi SCA Crescent Mall sang mô hình Co.opXtra), 393 Co.opFood, 137 Co.opSmile, 42 Cheers, 04 Sense City, 04 Finelife, 133 Cửa hàng Co.op, 01 Co.op HomeShopping và 01 Cửa hàng Bến Thành.

Đặc biệt, vừa qua, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã công bố Co.opmart là hệ thống siêu thị thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam trên cơ sở đây là thương hiệu siêu thị Việt duy nhất tồn tại và phát triển ổn định liên tục trong 25 năm từ 1996 đến nay. Đây không chỉ là một vinh dự lớn lao của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động Saigon Co.op các thời kỳ mà còn là niềm tự hào Đảng bộ và chính quyền Thành phố.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op sẽ tổ chức 25 sự kiện lớn nhằm kỷ niệm sinh nhật hệ thống Co.opmart lần thứ 25, mở đầu là sự kiện giảm giá 2.500 nhu yếu phẩm, gồm có đầy đủ các ngành hàng thực phẩm, hóa phẩm, dụng cụ nhà bếp, may mặc để tri ân khách hàng.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động hợp tác quốc tế, trong các năm gần đây, Saigon Co.op đã đại diện Việt Nam đăng cai tổ chức hội thảo Hợp tác xã Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) với chủ đề xoay quanh công tác quản lý các mô hình hợp tác xã tiêu dùng trong khu vực, với hàng trăm lượt đại biểu đến từ Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Malaysia, Myanmar, Sri Lanka, Philippines, Hàn Quốc. Ngoài ra, Saigon Co.op đã liên kết với hợp tác xã FairFrice, tập đoàn Mapletree của Singapore để cho ra đời thương hiệu Đại siêu thị Co.opXtra (tại 4 quận trung tâm thành phố) và Trung tâm thương mại SC VivoCity (tại phường Tân Phong, quận 7). 

Vì cộng đồng xã hội

Giá trị cốt lõi của Saigon Co.op được xác định ở những ngày đầu thành lập là “Mọi hoạt động luôn hướng về cộng đồng xã hội”. Đây cũng là một nét văn hóa riêng có của đơn vị hợp tác xã so với các mô hình kinh tế khác. Trong suốt thời gian qua, Saigon Co.op luôn trích lợi nhuận để chăm lo cho cộng đồng, xã hội.

Riêng trong năm 2020, mặc dù tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng Saigon Co.op vẫn tiếp tục đóng góp gần 6 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện và chăm lo cho các đối tượng chính sách như: xây nhà tình nghĩa, tình thương, thăm tặng quà cho gia đình chính sách, tham gia chương trình “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ Quốc”; ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; đóng góp cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiều chương trình thiện nguyện khác. 

Giữ vững bản chất hợp tác xã

Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước đứng trước những thời cơ, thuận lợi, đan xen nhiều khó khăn, thách thức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, tập thể ban lãnh đạo đơn vị luôn kiên định việc giữ bằng được bản chất của tổ chức kinh tế tập thể, tích cực tham gia vận động, hỗ trợ phát triển phong trào hợp tác xã trong nước và quốc tế; tiên phong trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước về công tác bình ổn thị trường; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tham gia xây dựng nông thôn mới; góp phần định hướng tiêu dùng, kết nối lưu thông theo các xu thế tiêu dùng thông minh, tiêu dùng và sản xuất xanh, góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Bà Phan Thị Thắng, bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Nguyễn Anh Đức trao Cờ
cho các đơn vị dẫn đầu Cụm thi đua của Saigon Co.op năm 2020.

“Các thành viên trong mái nhà thân yêu Saigon Co.op luôn gắn kết với nhau bằng “chất keo” thiêng liêng của hợp tác xã, bằng sự chân thành, bởi niềm tin, ý chí, tâm huyết, luôn thương yêu, dìu dắt nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

 “Niềm tin của người dân đối với chất lượng hàng hóa tại hệ thống Co.opmart nói riêng và Saigon Co.op nói chung là rất quan trọng. Người dân đến Co.opmart không chỉ là để thực hiện giao dịch mua bán bình thường, mà họ còn có nhu cầu được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Điều này, cũng không nằm ngoài triết lý của phong trào hợp tác xã “Một người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; bởi lẽ, từng nhân viên luôn tậm tâm chăm sóc tốt những khách hàng đến tham quan và mua sắm tại siêu thị, thì từng khách hàng sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho thương hiệu Saigon Co.op bằng sự yêu thương, gắn bó như những người thân trong một gia đình”, bà Nguyễn Thị Nghĩa nhắn nhủ.

Là Nhà bán lẻ tiêu dùng hàng đầu Việt Nam nhiều năm liền, trong TOP 200 hợp tác xã tiêu biểu toàn thế giới, ngoài những nỗ lực của tập thể gần 20.000 cán bộ, đảng viên, người lao động, chắc hẳn, không thể thiếu vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op luôn được thuận lợi và không chệch quỹ đạo của một đơn vị kinh tế tập thể.

Vừa qua, ngày 09-3-2020, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; mới đây, ngày 12-3-2021, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ký Quyết định số 340/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2030; điều này cho thấy, mô hình kinh tế tập thể, mà tiêu biểu là Saigon Co.op có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập toàn diện hiện nay.

Lê Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam