Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở nước ta: Những thách thức từ xu thế thời đại

Việc làm | 08:05:00 31/05/2023

TNV - Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) - tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021- làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021). Số này bao gồm cả ở khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động.

Sập giàn giáo – TNLĐ thường hay xảy ra trên các công trình xây dựng (Ảnh: NLĐ)Sập giàn giáo – TNLĐ thường hay xảy ra trên các công trình xây dựng (Ảnh: NLĐ)

Tổn thất về kinh tế và tinh thần

Trong đó, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người 720 vụ, giảm 29 vụ, tương ứng 3,87% so với năm 2021; số người chết vì TNLĐ 754 người, giảm 32 người; số người bị thương nặng 1.647 người, tăng 162 người.

Thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2022 gồm: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 14.117 tỷ đồng (tăng khoảng 10.163 tỷ đồng so với năm 2021). Thiệt hại về tài sản trên 268 tỷ đồng (tăng khoảng 250 tỷ đồng so với năm 2021); tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là trên 143.468 ngày (tăng khoảng 27.091 ngày so với năm 2021).

Ngoài những tổn thất về kinh tế, còn có sự đau khổ không thể bù đắp về tinh thần của NLĐ từ hậu quả của những vụ TNLĐ. Đây là bi kịch đối với người bị nạn và gia đình họ mà rất đáng tiếc vì phần lớn những vụ TNLĐ có thể ngăn ngừa được.

Nguy cơ mất ATVSLĐ, căng thẳng trong công việc và các bệnh nghề nghiệp là mối quan tâm ngày càng tăng của NLĐ, những điều này càng thể hiện rõ trong điều kiện việc làm liên tục biến đổi hiện nay.

21,4% nữ công nhân dệt may mắc bệnh xương khớp (Ảnh: NLĐ)21,4% nữ công nhân dệt may mắc bệnh xương khớp (Ảnh: NLĐ)

Những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chỉ ra những thay đổi về môi trường, quan hệ lao động ảnh hưởng đến tình hình ATVSLĐ và bệnh nghề nghiệp trong tương lai gần.

Tiến bộ công nghệ: Công nghệ tiến bộ nhanh chóng ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong thế giới công việc. Số hóa, robot, công nghệ nano, ... đã cách mạng hóa nơi làm việc nhưng đồng thời cũng tạo ra những mối lo mới về ATVSLĐ. Ví dụ: Số hóa giúp cho việc giám sát công nhân tốt hơn để giảm phơi nhiễm nguy hiểm nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền riêng tư của NLĐ.

Nhân khẩu và giới: Lực lượng lao động toàn cầu luôn thay đổi liên tục. Ở một số khu vực, lực lượng lao động trẻ rất dồi dào trong khi ở những khu vực khác, dân số lại đang già đi. Vấn đề giới trong thị trường lao động tồn tại ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Phụ nữ ngày nay được tạo điều kiện tốt hơn trong công việc nhưng vẫn có sự phân biệt khá rõ về giới. Bên cạnh đó có những nguy cơ bệnh nghề nghiệp riêng của nữ giới, ví dụ như chứng rối loạn cơ xương khớp đang khá phổ biến hiện nay.

Nguy cơ từ sự phát triển: Biến đổi khí hậu do con người gây ra là một trong những nguyên nhân chính làm thay đổi thế giới việc làm. Ô nhiễm không khí từ ngành khai thác than không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thợ mỏ mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của NLĐ ở những ngành công nghiệp phụ trợ, cũng như trong các khu dân cư lân cận. Sự gia tăng của công nghệ “xanh” giúp làm giảm ô nhiễm không khí, nhưng lại cũng có thể phát sinh những rủi ro mới như tiếp xúc với hóa chất trong lĩnh vực tái chế...

Thay đổi trong quan hệ và tổ chức lao động: Xu thế toàn cầu hóa đã dẫn đến ngày càng có nhiều công nhân phải làm việc quá giờ và trong các hình thức làm việc phi tiêu chuẩn. Sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay đã làm mờ ranh giới giữa nhà và nơi làm việc. Điều này một mặt giảm căng thẳng và chi phí đi lại, làm tăng tính tự lập; mặt khác lại làm giảm mối quan hệ cộng đồng nơi làm việc, có phần tạo ra áp lực tâm lý, gây mất cân bằng giữa cuộc sống công việc và cuộc sống gia đình của NLĐ.

Tổ chức Công đoàn luôn quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ. Ảnh CĐHNTổ chức Công đoàn luôn quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ (Ảnh: CĐHN)

Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác bảo đảm ATVSLĐ

Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, thế giới việc làm đang biến đổi nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội công việc đồng thời cũng xuất hiện những mối nguy hiểm khó lường. Gần như không thể dự đoán chính xác những công nghệ nào sẽ tồn tại trong tương lai, ảnh hưởng của công nghệ tới đời sống, việc làm cũng như tác động tích cực hay tiêu cực đến tình hình ATVSLĐ và BNN. Vì vậy đội ngũ công nhân lao động nên xác định rõ mục tiêu học tập suốt đời và liên tục phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Tổ chức Công đoàn cần xác định lấy con người làm trung tâm, từ đó đầu tư vào khả năng sáng tạo của NLĐ, tạo điều kiện cho NLĐ tiếp thu và cập nhật kỹ năng và hỗ trợ trong những thay đổi về công việc và đờì sống. Công tác tuyên truyền giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ thường xuyên có thể giúp NLĐ và người sử dụng lao động thích ứng đối với các nguy cơ về an toàn và sức khỏe trong tình hình mới, giúp cải thiện về điều kiện an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc.

Thiết thực thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến công tác đảm bảo ATVSLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch “Công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu TNLĐ và BNN”.

Theo đó Công đoàn các cấp sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Công đoàn đối với công tác ATVSLĐ; đưa công tác này vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm và cả nhiệm kỳ; phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ chỉ tiêu giảm TNLĐ, BNN.

Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp ưu tiên quan tâm đến các lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ cao, các địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, đông công nhân lao động để làm tốt công tác ATVSLĐ; thường xuyên tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng làm công tác ATVSLĐ ở tất cả các cấp công đoàn với nội dung, phương thức ngày càng đổi mới, hiệu quả; chú trọng cập nhật những điểm mới, những mô hình và kinh nghiệm cụ thể, sát thực.

Quan tâm chăm lo cho môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn của NLĐ. Ảnh: LĐCĐ.Quan tâm chăm lo cho môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn của NLĐ. Ảnh: LĐCĐ.

Cùng với đó, Công đoàn đổi mới hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền; Trong đó, chú trọng tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế công việc của NLĐ; giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ. Ngoài ra, Công đoàn các cấp cần hướng dẫn, phổ biến đến công đoàn cơ sở về mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho NLĐ tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ tại nơi làm việc và đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp.

Các cấp Công đoàn cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ cán bộ công đoàn, NLĐ trong công tác ATVSLĐ; Xây dựng chuyên mục phổ biến mô hình, kinh nghiệm làm tốt công tác ATVSLĐ; thông tin để chia sẻ và rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống công đoàn, NLĐ, người sử dụng lao động về các vụ TNLĐ.

Hằng năm, Công đoàn tổ chức hội thi an toàn, vệ sinh viên giỏi các cấp, tiến tới tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi toàn quốc với định kỳ 5 năm/lần; có các hình thức khen thưởng xứng đáng.

Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách đối với công tác bảo đảm an toàn và sức khỏe cho NLĐ tại nơi làm việc. Tổ chức Công đoàn với chức năng, nhiệm vụ và sứ mạng của mình cần thể hiện rõ vai trò trong công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, người sử dụng lao động và NLĐ; có những giải pháp đồng bộ, sáng tạo để tạo ra một tương lai an toàn và môi trường làm việc lành mạnh cho NLĐ.

Ths. Ngô Cẩm Bình (Trường Đại học Công đoàn)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam