Người mua nhà đứng trước nỗi lo “đến kỳ thanh toán”

Ô tô - Xe máy, Bất động sản | 08:33:00 03/08/2021

Áp lực từ chi phí sinh hoạt không giảm trong khi lương bổng, thu nhập tụt dốc đang khiến kỳ thanh toán trở thành nổi sợ gây kiệt quệ cho nhiều người mua nhà hiện tại.

Thất nghiệp tạm thời, mất đi nguồn thu nhập thường xuyên trong khi nhiều khoản chi như tiền điện, tiền nước, tiền trọ, lãi vay ngân hàng đội lên đang khiến vợ chồng anh Quyền lâm vào thế khó.

Được biết, cuối năm 2019, vợ chồng anh Quyền (tạm trú Thoại Ngọc Hầu, Tân Phú) quyết định mua căn hộ chung cư 54 m2 tại TP. Thủ Đức với giá gần 1,6 tỷ đồng. Do anh Quyền làm nghề buôn bán tự do, vợ là giáo viên mầm non tại 1 trường tư thục nên thu nhập không dư dả bao nhiêu. Với số tiền tiết kiệm ít ỏi, vợ chồng anh phải vay ngân hàng 800 triệu đồng trong 15 năm, lãi suất 10,5% mỗi năm và hàng tháng phải trả cả gốc lẫn lãi gần 12 triệu đồng. Nếu như trước đây, với thu nhập đều đặn, chi tiêu tằn tiện, gói ghém anh vẫn đủ trả tiền nhà. Dịch bệnh khiến việc buôn bán đóng cửa, vợ anh thì nghỉ ở nhà không lương hơn 2 tháng nay. Tình hình chung ai cũng khổ, nhưng vợ chồng anh còn phải chịu thêm nỗi lo khi vừa phải xoay xở để chi tiêu hàng ngày, vừa lo tiền trả ngân hàng cho khoản vay mua nhà trước đó. Điều anh sợ nhất là giờ đây không biết xoay đâu ra tiền khi mà kỳ thanh toán đã quá hạn, tin nhắn nhắc nhở liên tục gửi về.

Ảnh hưởng thu nhập khiến nhiều người mua nhà không xoay xở nổi tài chính thanh toán cho chủ đầu tư, ngân hàng khi kỳ trả lãi đến. Ảnh minh họa

Cùng nỗi lo trên, chị Thục Uyên, một nhân viên y tế làm việc tại quận 10 cho hay, bản thân chị và gia đình cũng đang mất ăn mất ngủ vì xoay xở kiếm tiền thanh toán cho căn hộ sắp cất nóc mua hồi năm ngoái. Được biết căn chung cư này có giá 1,7 tỷ đồng, dự kiến quý 1/2022 sẽ hoàn tất và bàn giao nhà. Theo tiến độ thì khoảng 2 tháng chị sẽ phải đóng hơn 80 triệu đồng cho chủ đầu tư. Nếu như trước kia, khoản tiền này còn trong khả năng chi trả thì hiện giờ số tiền này đã vượt quá khả năng của chị.  “Lương điều dưỡng của tôi không đáng là bao, thu nhập chính đến từ ông xã làm bên truyền thông. Trải qua 2 năm dịch bệnh, công ty làm ăn khó khăn, thời gian rồi lương chồng lại bị cắt giảm phân nửa. Nguồn thu nhập khác đến từ các dự án bên ngoài cũng bị gián đoạn khiến tài chính gia đình chật vật. Mình đã trễ hạn thanh toán một kỳ, nếu thêm một kỳ nữa sẽ bị chủ đầu tư thu hồi nhà, còn phải đóng tiền phạt và các loại phí khác”, chị Uyên lo lắng.

Dù đã cân đo đong đếm kỹ càng, nhiều lần cầm lên đặt xuống mới quyết định mua nhà, nhưng dịch Covid-19 bất ngờ ập đến làm nhiều người mua nhà rơi vào cảnh lao đao khi mọi dự tính không bằng trời tính. Mong mỏi lớn nhất của nhiều người mua nhà lúc này là được ngân hàng, chủ đầu tư hỗ trợ về việc giảm lãi suất, giãn nợ để vượt qua thời kỳ dịch bệnh.

Trong báo cáo mới đây của Hội môi giới BĐS Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thu nhập của người dân trên tổng thể bị sụt giảm. Ngay từ đầu quý 2/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng đã gây ảnh hưởng lớn cho cả nền kinh tế và thị trường BĐS. Ghi nhận từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trên địa bàn TP.HCM, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi vay, nhưng đối tượng ưu tiên dường như chỉ là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, còn các khách hàng cá nhân vay để mua nhà được giảm khá ít, chỉ từ 0,5-1%/năm.

Các chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay được đánh giá vẫn chưa thể giúp ích nhiều cho người mua nhà. Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân tại TP.HCM cho biết, việc giảm mạnh lãi suất cho vay không dễ, bởi bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, và việc này phải có sự đồng thuận của cổ đông. Đối với nhóm khách hàng vay mua nhà còn khó tính đến chuyện giảm lãi vay hay hoãn nợ hơn, vì đây không phải đối tượng cho vay ưu tiên trước đó. Đối với trường hợp mua nhà tại các dự án có sự phối hợp cho vay giữa ngân hàng và chủ đầu tư thì có thể xem xét, nhưng việc này cần có sự đồng hành của các chủ đầu tư và áp dụng thống nhất với toàn bộ đối tượng vay.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam dự báo, sức hấp thụ của thị trường nhà ở trong năm nay sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước.

Cũng theo ông Khương, mỗi người mua hay nhà đầu tư đề có những kỳ vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau. Nhưng trong giai đoạn này, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định xuống tiền.

Phương Uyên

Người mua nhà không còn nuôi kỳ vọng bất động sản giảm giá

Người mua BĐS chật vật tìm nhà giữa cơn “bão giá”

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam