Phúc Cầu – Nơi gửi gắm niềm tin cho nhà cổ Bắc bộ

Du lịch, Hồn việt | 09:03:00 27/12/2021

TNV - Người Việt vốn ưa chuộng đồ gỗ, trong đó nhà gỗ mang dấu ấn đặc trưng văn hóa cư trú và kiến trúc của dân tộc. Trong các làng nghề làm nhà gỗ tại đồng bằng Bắc Bộ, làng Phúc Cầu (Chương Mỹ, Hà Nội) nổi tiếng với những nghệ nhân tài hoa chuyên “thổi hồn” cho từng công trình nhà ở, đình, chùa, miếu làm bằng các loại gỗ quý.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35km, làng Phúc Cầu thuộc xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề dựng nhà gỗ và các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như đình, đền, chùa và nghệ mộc dân dụng. Về Phúc Cầu tiếng xẻ gỗ xè xè, tiếng lách cách đục đẽo vang rộn ràng khắp các đường làng, ngõ
xóm. Hình ảnh những nghệ nhân tài hoa say sưa “thổi hồn” trong từng kiện gỗ khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ Làng nghề truyền thống Mộc dân dụng và phục chế nhà cổ Phúc Cầu đã có lịch sử hàng trăm năm, từ những năm đầu của thế kỉ 20 người thợ của làng đã rong ruổi khắp nơi để dựng những ngôi nhà gỗ cho quan lại và địa chủ. Vì vậy, tại làng hiện có những gia đình gắn bó với nghề gỗ cả trăm năm nay, Theo cụ Tạo, nhà gỗ cổ hơn nhau là ở nét chạm trổ trên gỗ. Vì vậy, người thợ phải tỉ mỉ học hỏi từ nhỏ và luôn tâm huyết để khắc họa những hình ảnh thanh cao, đẹp đẽ và đặc biệt “có hồn”.

Phục chế nhà cổ là công việc sáng tạo đầy tỉ mỉ và nhiều công phu. Một ngôi nhà gỗ đẹp phải đảm bảo bền chắc, thẩm mỹ và đảm bảo về phong thủy. Bởi vậy, người thợ phải có tâm và luôn cẩn thận từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm, cách dựng. Việc lựa gỗ tưởng đơn giản, nhưng lại cần nguyên tắc riêng.

Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Văn Sòng (69 tuổi) có 53 năm găn bó với dựng nhà cổ thì chọn gỗ sẽ không dùng gỗ cưa cụt ngọn, hoặc cây bị sét đánh để tránh làm mất lộc của gia chủ. Khi dựng cột nhà tránh chúc ngọn cây xuống dưới và gốc lên trên… Bên cạnh đó, người thợ phải am hiểu các điển tích để có sự kết
hợp các hoa văn một cách hài hòa. Như trong bộ tranh tứ quý, mỗi loại cây lại kết hợp với một con vật riêng: Tùng kết hợp với chim hạc, Trúc kết hợp với chim công, Mai lại phải đi với chim điểu…

Nhờ có nghề truyền thống mà ông cha truyền lại và cái “tâm” mà Làng nghề truyền thống mộc dân dụng và phục chế nhà cổ Phúc Cầu ngày càng phát triển. 

Hiện nay, cả làng có khoảng 20 cơ sở sản xuất lớn, mỗi năm tham gia phục dựng hàng trăm công trình đình, chùa, nhà cổ khắp cả nước. Những công trình tâm linh như đình La Khê, Bia Bà (Hà Đông), Đền Trần (Quảng Ninh), tháp chuông chùa ở Thường Tín… đều có bàn tay của người thợ làng Phúc Cầu. Tiếng lành lan xa, nhiều khách hàng cất công về tận làng mời nghệ nhân dựng nhà cổ. Nhờ vậy mà đời sống của người dân nơi đây ngày càng sung túc.

Tháng 11 năm 2021 được sự quan tâm của UBND thành Phố Hà Nội, Hội nông dân xã Thụy Hương đã tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể “Phục chế nhà cổ và mộc dân dụng Phúc Cầu”. Đây cũng là một niềm tự hào lớn với người làm nghề trong thôn Phúc Cầu và cũng là niềm tự hào về tài sản sở hữu trí tuệ mà các truyền nhân của làng nghề phúc cầu truyền lại cho con cháu mai sau.

Bài và ảnh: Phạm Thúy Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam