Tự hào những chặng đường phát triển của Đảng bộ huyện Văn Chấn

Thời sự, Xã hội | 10:05:00 30/09/2022

TNV - Sáng ngày 30/9/2022, Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) long trọng tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập (30/9/1947 - 30/9/2022). Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Đảng bộ huyện và mở ra thời kỳ mới trên con đường phát triển đi lên của huyện Văn Chấn.

 Bí thư Huyện ủy Mai Mộng Tuân ôn lại chặng đường 75 năm phát triển của Đảng bộ huyện Văn Chấn.

Nhân dịp này, Bí thư Huyện ủy Mai Mộng Tuân tự hào điểm lại những dấu mốc đánh dấu chặng đường phát triển của phong trào cánh mạng huyện Văn Chấn từ khi có Đảng cho đến khi cả nước giành được chính quyền về tay nhân dân năm 1945; đặc biệt là giai đoạn kể từ khi huyện Văn Chấn kết nạp những đảng viên đầu tiên và tiến tới thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn cho đến nay.

Khẳng định bước phát triển mới về chất của phong trào cách mạng trên địa bàn

Theo đó, chỉ một năm sau khi cách mạng tháng Tám thành công, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp vi phạm các hiệp định đã ký, trở lại Đông Dương, đàn áp cách mạng và chính quyền non trẻ của chúng ta. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi tất yếu huyện Văn Chấn phải có tổ chức Đảng vững mạnh để trực tiếp lãnh đạo nhân dân, xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết sẵn sàng đối phó với ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra.

Do vậy tháng 4/1946, đồng chí Lê Văn Kim và đồng chí Đặng Văn Tám là 02 đảng viên đầu tiên của Văn Chấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là hạt nhân để ngày 16/01/1947 Tỉnh uỷ Yên Bái quyết định thành lập Chi bộ cán bộ huyện Văn Chấn, trực thuộc Tỉnh uỷ - tổ chức Đảng đầu tiên của Văn Chấn.

Đảng viên Vũ Thị Lợi (áo màu cam) ở thôn Thiên Bữu, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn là gương sản xuất kinh doanh giỏi làm giàu từ trồng cam

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ cách mạng trên địa bàn huyện, ngày 20/4/1947, Tỉnh uỷ quyết định thành lập Huyện uỷ Văn Chấn lâm thời, gồm 5 đồng chí, đồng chí Lê Văn Kim được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy, nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ: Một là: lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Hai là: xây dựng lực lượng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng, tạo tiền đề để thành lập Đảng bộ huyện.

Với nhiệm vụ đó, sau nửa năm hoạt động phong trào cách mạng địa phương sự gia tăng cả về số và chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng; ngày 30/9/1947, Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra Nghị quyết số 889 chính thức thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn, gồm có 47 đảng viên, đồng chí Lê Văn Kim được chỉ định làm Bí thư Huyện uỷ.

“Sự ra đời của Huyện uỷ Văn Chấn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự trưởng thành của tổ chức cơ sở đảng ở Văn Chấn và khẳng định bước phát triển mới về chất của phong trào cách mạng trên địa bàn, đây thực sự là mốc son trong những trang sử vàng của Đảng bộ huyện” – Bí thư Huyện ủy Văn Chấn khẳng định.

Lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới

Cũng theo Bí thư Mai Mộng Tuân, sau khi thành lập, Huyện ủy Văn Chấn đã đảm nhận vai trò lãnh đạo trực tiếp đối với phong trào cách mạng của huyện; phân công cán bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Trong điều kiện vô cùng cấp bách và khó khăn, Huyện uỷ Văn Chấn đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, củng cố và chuẩn bị lực lượng từ huyện đến cơ sở, chỉ đạo củng cố các tổ chức ở cơ sở như: Uỷ ban hành chính kháng chiến, xã đội, các đội dân quân du kích, các đoàn thể cứu quốc, chỉ đạo đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương “vườn không, nhà trống”. Bên cạnh đó, Đảng bộ đã động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa chiến đấu vừa tham gia phục vụ chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Chấn đã lập nhiều chiến công, góp phần quan trọng trong giải phóng Nghĩa Lộ ngày 18 tháng 10 năm 1952, vào Chiến thắng Tây Bắc; đồng thời, tích cực tham gia mở đường qua Đèo Lũng Lô huyền thoại, đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở miền Bắc.

Vùng sản xuất chuyên canh chè.

Hòa bình lập lại, bên cạnh việc tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đảng viên “Bốn tốt”, chi bộ “Bốn tốt”, thường xuyên thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Huyện uỷ Văn Chấn đã lãnh đạo nhân dân khắc phục những hậu quả của chiến tranh, xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân để lại, củng cố chính quyền nhân dân, tăng gia phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa mới, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện cho miền Nam ruột thịt. Với chủ trương đó, toàn huyện đã dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi, thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, các cụ phụ lão có phong trào “Ba giỏi”, nhiều cánh đồng 5 tấn đã xuất hiện, các hợp tác xã, các tổ đổi công ra đời, đặc biệt nông trường quốc doanh đầu tiên được thành lập tại huyện Văn Chấn vào năm 1959.

Cùng với đó huyện đã xây dựng được hàng trăm trận địa chiến đấu, trong đó có 36 trận địa pháo phòng không, đánh trả nhiều lần máy bay địch xâm phạm vùng trời Tổ quốc. Đặc biệt, ngày 31/5/1966, 05 chiến sĩ dân quân thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh với súng trường đã bắn rơi máy bay  F 105 của đế quốc Mỹ, với thành tích đó quân và dân huyện Văn Chấn vinh dự được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa chúc mừng.

Nhấn mạnh những đóng góp hy sinh của huyện Văn Chấn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Tuân cho biết: Đã có hơn 10 nghìn thanh niên Văn Chấn đã xung phong tòng quân, lên đường đánh giặc, gần 4 nghìn dân công phục vụ chiến đấu. Nhân dân huyện nhà đã đóng góp hơn 20 vạn tấn lương thực, thực phẩm; 767 người con ưu tú của Văn Chấn đã hy sinh tại các chiến trường, 342 thương binh, hàng trăm bệnh binh.

Ba ba gai được chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm

Với những thành tích, đóng góp to lớn trong công cuộc giành độc lập, tự do cho Tổ quốc - nhân dân, lực lượng vũ trang xã Cát Thịnh, xã Đại Lịch, xã Thượng Bằng La và liệt sĩ tuổi thiếu niên Hoàng Văn Thọ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 40 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, năm 2000 Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực  nhân dân cho Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Văn Chấn.

Giành được nhiều thành tựu quan trọng và kết quả toàn diện

Phát biểu tại lễ Gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập, Bí thư Mai Mộng Tuân vui mừng cho biết, sau ngày đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao bản lĩnh, đoàn kết, khắc phục khó khăn để lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, vững bước đi lên, giành được nhiều thành tựu quan trọng và kết quả toàn diện.

Trong đó, nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản. Đến nay, huyện đã hình thành phát huy hiệu quả bền vững các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha; cánh đồng chuyên canh lúa nếp Tú Lệ 100 ha; vùng cây ăn quả có múi 2.000 ha (sản lượng 10.000 tấn/năm); vùng quế 8.400 ha (sản lượng vỏ tươi trên 7.500 tấn/năm); vùng chè nguyên liệu 4.950 ha, sản lượng chè búp tươi 54.000 tấn/năm, trong đó 400 ha chè cổ thụ Shan tuyết Suối Giàng...

Vùng sản xuất gạo nếp đặc sản xã Tú Lệ

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được chú trọng, đã xây dựng được các chuỗi sản phẩm: Cam, chè, cây dược liệu; xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo nếp Tú Lệ, ba ba gai Văn Chấn, nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn. Đặc biệt, đã có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận sản phẩm OCOP vươn ra thị trường nhiều địa phương trong nước và quốc tế.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới,  01 xã đạt nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại bình quân đạt 13 tiêu chí. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, cơ bản 100% đường đến trung tâm xã được cứng hóa mặt đường; kinh tế có bước phát triển khá, đời sống vật chất tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao.

Công nghiệp có bước phát triển mạnh, ngày càng đa dạng lĩnh vực, ngành nghề,  tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm trên 40% cơ cấu kinh tế của huyện, từ chỗ chỉ có vài 3 doanh nghiệp những năm bao cấp, đến nay toàn huyện có 190 doanh nghiệp đang hoạt động, đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 6.000 lao động tại địa phương, đóng góp 75% tổng thu cân đối ngân sách.

Khu nghỉ dưỡng LeChamp Tú Lệ

Thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng từng bước được nâng lên; du lịch có bước phát triển mạnh, hình thành được một số sản phẩm tiêu biểu, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với Văn Chấn như Hội thi giã cốn Tú Lệ, Không gian văn hóa trà Suối Giàng,...

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến khá rõ nét. Công tác giáo dục và đào tạo có bước phát triển, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, có 32 trường học đạt chuẩn quốc gia; giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chăm lo; đào tạo nghề đạt kết quả quan trọng. Người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh thường xuyên được đảm bảo và tăng cường.

Sản phẩm OCOP Trà táo mèo Shan Thịnh

Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, Bí thư Mai Mộng Tuân phấn khởi nói: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, từ tổ chức Đảng đầu tiên năm 1946 với 03 đảng viên, đến nay, Đảng bộ đã có trên 7.500 đảng viên, 52 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, 349 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ đảng. Ghi nhận những thành tựu, kết quả đã đạt được trong 75 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang huyện Văn Chấn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân Chương Độc Lập Hạng 3, Huân chương Lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý./.

Công trình sửa chữa, mở mới 4,2 km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất tại thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô. Đây là công trình chào mừng 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện do Đoàn Thanh niên huyện thực hiện.    

Một số chương trình, công trình chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn (30/9/1947-30/9/2022):

1. Công trình sửa chữa, mở mới 4,2 km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất tại thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô.

2. Thành lập 3 tổ tự quản về an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường tại thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Suối Giàng, thị trấn Nông trường Trần Phú.

3. Khánh thành 2 km đường thắp sáng đường quê tại xã Bình Thuận.

4. Công trình cầu Trần Phú, thị trấn Nông trường Trần Phú: Tổng mức đầu tư 19.000 triệu đồng. Thời gian thi công: 2020-2021. Quy mô: Cầu có chiều dài 66m, rộng 7m.

5. Công trình cầu Công trình cầu BTCT Chiềng Pằn, xã Gia Hội: Tổng mức đầu tư 3.500 triệu đồng. Thời gian thi công: 2020-2021. Quy mô: Chiều rộng 3,25m; chiều dài 53,49m.

6. Đường Chợ xã Đại Lịch: Tổng mức đầu tư 1.500 triệu đồng. Thời gian thi công: 5/2021-8/2021. Quy mô: Đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp B (Theo TCVN 10380:2014).

7. Đường thôn Nước Nóng và thôn Phạ Dưới, Xã Tú Lệ: Tổng mức đầu tư 600 triệu đồng. Thời gian thi công: 2021. Quy mô: Đường cấp B-GTNT, tổng chiều dài tuyến 605m, bề rộng nền 4m; mặt đường 3m, kết cấu BTXM, chiều dày 18cm.

  Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam