CÔNG TY CỔ PHẦN THAN HÀ LẦM: Hiệu quả từ việc xây dựng mỏ xanh, an toàn và hiện đại

Doanh nhân, Xây dựng thương hiệu | 15:23:46 06/11/2018

 TNV - Với mục tiêu hiện đại hóa các mỏ than hầm lò, phấn đấu xây dựng: “Mỏ hiện đại - mỏ xanh, sạch, đẹp - mỏ an toàn - mỏ ít người”. Công ty cổ phần than Hà Lầm là đơn vị điển hình của Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc áp dụng KHKT, cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất, từng bước giải quyết một cách căn cơ bài toàn về an toàn lao động, môi trường, năng suất, chất lượng và nâng cao đời sống cho công nhân, đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.

Sử dụng công nghệ khai thác than hầm lò hiện đại nhất

Theo đó, ngay từ năm 2007, Công ty cổ phần than Hà Lầm đã triển khai công nghệ khai thác lò chợ sử dụng giá khung GK/1600/1.6/2.4/HT; năm 2010, sử dụng giá thuỷ lực di động liên kết bằng xích ZH1800/16/24ZL tại các lò chợ có công suất từ 190.000 - 200.000 tấn/năm. Trong công tác đào lò, công ty đã áp dụng các thiết bị CGH như máy đào lò Combai, máy khoan cần, máy xúc đá,…góp phần tăng năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao mức độ an toàn. Ngoài ra, công ty đã phối hợp với Viện KHCN Mỏ áp dụng thành công công nghệ chống vì neo chất dẻo cốt thép tại các đường lò đá, làm giảm chi phí trong đào chống lò, nâng cao được tốc độ đào lò.

Quản đốc Bùi Thanh Đoàn (mũ trắng) chỉ đạo sản xuất tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm. Ảnh: P. Hưng.

Công tác vận tải, vận chuyển và các thiết bị bốc xúc trong lò và ngoài mặt bằng cũng đều được cơ giới hoá, đầu tư đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu vận tải khi CGH khai thác. Hệ thống monoray chở người và vật liệu vận chuyển đến tận nơi làm việc đã cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Đặc biệt, trong năm 2015, Công ty đã đầu tư đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm có công nghệ khai thác hiện đại với tổng số 73 bộ giàn chống thủy lực gồm giàn chống trung gian ZF 4400/16/28 và giàn chống quá độ ZFG 4800/18/28, 1 máy khấu MG 150/375-W, hệ thống máng cào SGZ 630/264. Lò chợ hoạt động hiệu quả, năng suất bình quân đạt từ 15 - 20 tấn/công, tăng gấp 2,71 lần so với lò chợ sử dụng công nghệ giá thủy lực liên kết xích.

Thợ lò bậc 6/6 Hoàng Anh Đỗ điều khiển dàn chống cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm. Ảnh: P. Hưng.

Tháng 11/2016, Công ty tiếp tục đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn than/năm vào hoạt động, với năng suất khai thác đạt trung bình từ 32 – 35 tấn/công (so với công nghệ cũ từ 8 - 12 tấn/công), tăng gấp 3 – 4 lần so với trước. Đây là 02 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ cho sản lượng khai thác than lớn nhất, có vai trò quyết định để Công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là 02 lò chợ sử dụng công nghệ khai thác than hầm lò hiện đại nhất của ngành Than.

Trạm xử lý nước thải hầm lò công suất lớn, được kiểm soát và điều kiển tự động

Từ tháng 8 năm 2017, Trạm xử lý nước thải hầm lò công suất 4.000m3/giờ gồm các thiết bị, công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến (Đức, Ý,…) được Công ty đưa vào hoạt động ổn định, xử lý toàn bộ nước thải hầm lò ở dưới mức -50 của mỏ. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống được giám sát và điều kiển tự động qua hệ thống máy tính điều khiển tập trung; việc cấp hóa chất (sữa vôi, hóa chất kéo tụ, trợ keo tụ) cũng được vận hành tự động, đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng nước trong quá trình xử lý, chất lượng nước sau xử lý luôn đạt QCVN 40:2011/BTNMT.

Trạm kết hợp hai phương pháp chính: Xử lý hoá lý và xử lý ôxi hóa Mn. Nước thải mỏ được bơm từ hầm bơm -300 về bể điều hòa kết hợp lắng sơ bộ, nhằm ổn định nồng độ chất ô nhiễm trước khi vào hệ thống xử lý chính.

Bể lắng lamen, van xả bùn và ép vắt khô bùn trước khi thải ra môi trường. Ảnh: P. Quỳnh.

Tại bể điều hòa, nước thải được trộn lẫn với hóa chất trung hòa Ca(OH)2 để nâng pH lên từ 5-:-6, được theo dõi bởi thiết bị đo pH tự động lắp ở trên bể; rồi 06 bơm chìm lưu lượng Q = 675 m3/giờ, bơm lên ngăn sục khí và phản ứng trung hòa kết hợp lắng lamen. Tại đây, nước thải được sục khí và cấp dung dịch sữa vôi nhằm xử lý kim loại Fe, xử lý pH đạt tiêu chuẩn cho phép.

Ở ngăn khuấy, nước thải được trộn với hóa chất keo tụ để liên kết các hạt rắn lơ lửng có trong nước thải lại nhằm loại bỏ độ màu, kim loại nặng, các chất lơ lửng, sau đó hỗn hợp bùn nước được đưa sang bể lắng lamen. Tại bể lắng lamen, nước dâng lên qua hệ thống tấm lắng nghiêng, nước sạch được thu qua máng thu nước chảy sang bể lọc Mangan (Mn); bùn dưới tác dụng của trọng lực lắng ở đáy bể và được xả bỏ định kỳ bằng các van điều khiển thủy lực về bể chứa.

Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải hầm lò được kiểm soát và điều kiển tự động qua hệ thống máy tính điều khiển tập trung, các số liệu được theo dõi và giám sát tự động. Ảnh: P. Quỳnh.

 

Nước sạch chảy qua máng với các chỉ số kỹ thuật an toàn, một phần chảy về bể tập trung nước phục vụ sục rửa bể Mn và thải ra môi trường, một phần chảy về bể cứu hỏa dung tích 500 mđể tái sử dụng phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong của Công ty ngày một lớn mà nguồn nước tự nhiên không đáp ứng đủ, góp phần quan trọng giảm thiểu những tác động từ khai thác than đến môi trường sinh hoạt của cộng đồng.

Theo ông Liêu Hồng Minh (Quyền Trưởng phòng Đầu tư xây dựng mỏ): Đến năm 2023, lượng nước thải hầm lò sẽ có lưu lượng max: 3.227 m3/giờ. Do vậy, việc xây dựng Trạm xử lý nước thải công suất 4.000 m3/giờ vừa đảm bảo xử lý triệt để nước thải hầm lò, vừa kết nối đồng bộ với hệ thống hầm bơm hiện có và đón đầu việc tăng lưu lượng nước thải mỏ trong các năm tiếp theo.

Trung tâm điều hành sản xuất tập trung đa tính năng

Công trình Trung tâm điều hành sản xuất tập trung của Công ty cổ phần than Hà Lầm đi vào hoạt động từ ngày 3/2/2018, với tổng mức đầu tư hơn 39,7 tỷ đồng. Công trình được triển khai lắp đặt nhiều hạng mục quan trọng như: Hệ thống truyền hình công nghiệp, tường chiếu màn hình lớn cho phép cán bộ điều hành thực hiện việc giám sát bằng hình ảnh trên mặt bằng và dưới hầm lò thông qua hệ thống camera cố định; hệ thống giám sát điện năng có chức năng thu thập các tín hiệu đo lường từ những thiết bị đo đếm điện năng để truyền về phòng giám sát trung tâm xử lý.

Trung tâm điều hành sản xuất tập trung trên mặt bằng và dưới hầm lò thông qua hệ thống camera. Ảnh: P. Quỳnh.

Ngoài ra, còn lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc cung cấp tuyên truyền các thông tin điều hành sản xuất, phổ biến các kiến thức an toàn, văn hóa, xã hội đến các phân xưởng; mạng lưới giám sát điều khiển, tích hợp giám sát tập trung; giám sát nhân lực trên mặt bằng…

Trưởng Trung tâm điều hành sản xuất tập trung Nguyễn Văn Bắc cho biết, nhờ có hệ thống giám sát bằng camera và liên lạc di động đến mọi vị trí sản xuất, nên việc đôn đốc, điều hành các hoạt động sản xuất trong và ngoài lò được diễn ra trực tiếp, không còn phải đợi chờ cử người vào lò chỉ đạo, do vậy đã khắc phục tình trạng gián đoạn sản xuất, giảm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả sản xuất, kịp thời ứng phó với các sự cố đảm bảo an toàn cho người lao động.

Đặc biệt, việc đưa Trung tâm điều hành sản xuất tập trung vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ dự án khai thác phần dưới -50 với đa tính năng, tích hợp thông tin trong và ngoài lò qua hệ thống cáp quang lên màn hình chiếu lớn. Đồng thời, giúp Công ty cổ phần than Hà Lầm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất hiệu quả.

Số lượng thợ mỏ có thu nhập cao lớn nhất Tập đoàn

Những năm gần đây, do điều kiện khai thác than ngày một đi xa và xuống sâu, nguồn tài nguyên không còn nhiều như trước, nguồn nhân lực trong dây chuyền sản xuất chính đôi lúc còn thiếu, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh của ngành Than gặp nhiều khó khăn, bởi sụt giảm về sản lượng, cạnh tranh gay gắt về giá bán và nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạn chế, đã tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của những người thợ mỏ.

Trong ngôi nhà 2 tầng mới xây xong năm 2016, trị giá gần 900 triệu đồng của công nhân tiêu biểu Hoàng Anh Đỗ (áo xanh). Được biết, năm 2016 và 2017, Anh Đỗ đều đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; đồng thời còn là tổ trưởng giàu kinh nghiệm với sáng kiến trải lưới thép B40 trên nóc lò để giữ than không tụt đổ, giữ ổn định cho nóc và gương lò. Ảnh: P. Quỳnh.

Để nâng cao năng suất, giảm giá thành để cạnh tranh, đảm bảo an toàn và nâng cao thu nhập cho người lao động, Công ty cổ phần than Hà Lầm đã tiên phong trong việc thay đổi phương thức sản xuất, đưa cơ giới hóa và các thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại vào vận chuyển, đào lò và khai thác than.

Nhờ vậy, kết quả sản xuất kinh doanh mấy năm gần đây Công ty luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức sản lượng, doanh thu khai thác than; công tác an toàn lao động được chú trọng, nâng cao rõ nét; đời sống việc làm của công nhân ổn định và được cải thiện – khẳng định chủ trương đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, gắn với bảo đảm an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường là hướng đi đúng đắn của Công ty.

Nhờ được vận hành lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm, từ năm 2016 đến nay thợ lò Bùi Văn Nhất luôn đạt thu nhập trên 300 triệu/năm, tạo điều kiện cho gia đình anh mua đất, xây cất nhà cửa khang trang (trị giá hơn 2 tỷ đồng) và tích lũy để con cái học hành. Ảnh: P. Quỳnh.

Năm 2016, toàn tập đoàn than có 46 công nhân có thu nhập trên 300 triệu/năm trở lên thì Công ty có 16 người; năm 2017, Công ty có 70 thợ mỏ có thu nhập trên 300 triệu/năm trở lên trong tổng số 124 thợ mỏ toàn tập đoàn (trong đó, có 12 thợ lò lần thứ 2 liên tục thu nhập trên 300 triệu đồng, 5 thợ lò thu nhập trên 400 triệu đồng, còn lại 53 thợ lò lần đầu tiên thu nhập “cán đích” 300 triệu đồng/năm). Cả hai năm (2016 và 2017) TKV tổ chức tôn vinh khen thưởng thợ lò thu nhập cao thì cả hai lần Công ty cổ phần than Hà Lầm đều đứng ngôi vị thứ nhất.

Theo quản đốc Công trường cơ giới hóa khai thác 2 Bùi Thanh Đoàn – Đơn vị trực tiếp vận hành lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm - Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm và lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm có nhiều ưu điểm vượt trội: An toàn hơn trong khai thác, cải thiện rõ rệt điều kiện làm việc cho người lao động và nâng cao năng suất, chất lượng than khai thác. Cụ thể: Do giàn chịu tải trọng rất lớn về áp lực nóc lò (áp dụng cho thu hồi than nóc); phần nóc kín khít không có không gian hở nhờ các tấm chắn cạnh có cơ cấu ben thủy lực (đơn vị bổ sung phần trải lưới thép B40 để hạn chế phần lở gương, tăng thêm tính an toàn cho người và thiết bị); nhờ trọng lượng của máy cào trước liên kết với thanh đẩy máng của giàn chống, kết hợp với thủy lực của giàn được tự động điều khiển qua cụm điều khiển cầm tay, nên công tác an toàn được đảm bảo hơn. Bởi mọi vận hành trong lò chợ đều cơ giới hóa, nên không cần sử dụng vật liệu, công nhân không phải mang vác như trước, cũng hạn chế đáng kể nguy cơ mất an toàn trong khai thác. Ngoài ra, nhờ không gian lò rộng rãi, thông thoáng, nên lưu lượng gió nhiều, công nhân thoải mái thao tác hơn, sức lao động được giải phóng rất nhiều so với công nghệ thủ công. Đặc biệt, đã thay thế hoàn toàn khâu khoan nổ mìn (khi không có đá) và tải than thủ công bằng dùng máy khấu để phá vỡ than gương và vận tải than, càng làm cho công tác an toàn được cải thiện. Đối với vỉa có chiều dày hơn 10m tỷ lệ thu hồi than đạt 90 - 95% , tổn thất than ít, trong khi lò chợ thủ công tỷ lệ thu hồi than đạt 75 -80%  (có thể phải chia thành 2 lớp để khấu rất tốn kém). Thêm một ưu điểm nổi bật nữa là: Gần như công nhân không phải làm các thao tác thủ công trong công đoạn vào, cắt khấu gương, vận tải than gương, đẩy máng, di giàn chống sang các luồng mới, thu hồi than…Do tất cả các công việc trên đều được người thợ mỏ điều khiển bằng tay qua các bảng, các cụm van điều khiển.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam