Côn Sơn, Kiếp Bạc nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về tư tưởng nhân nghĩa và bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc

Du lịch, Hồn việt | 10:35:00 17/07/2020

TNV - Đền Kiếp Bạc cùng với 2 ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và Nam Tào được ví như “một cõi thiên bổng giữa hạ giới”. Tại vị trí trang trọng nhất của đền là tượng thờ Đức Thánh Trần đường bệ, uy nghi, qua bao thế kỷ vẫn là biểu tưởng của hào khí Đông A lẫm liệt. Có thể nói mỗi cảnh sắc, hiện vật, dấu tích ở Kiếp Bạc đều gợi nhớ về bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ở triều đại nhà Trần.

Còn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã nuôi dưỡng và ấp ủ cho mình một sự nghiệp nhân nghĩa sáng muôn đời, để rồi sau 10 năm đánh giặc Minh thắng lợi, trong Bình Ngô đại cáo những áng hùng văn thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa và khí phách độc lập của dân tộc đã được Nguyễn  Trãi viết lên truyền lại cho muôn đời hậu thế.

Vùng danh sơn huyền thoại

Côn Sơn, Kiếp Bạc di tích lịch sử đặc biệt của Quốc Gia nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sách Cao Biền di cáoChí Linh phong vật ghi chép rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Định, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình kỳ dạng, long bản, hổ cứ, như muôn quân nghìn tượng chầu về. Đây là vùng đất lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lừng lẫy trong 3 lần quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ 13.

 Toàn cảnh đền Kiếp Bạc.

Côn Sơn, Kiếp Bạc còn là vùng danh sơn huyền thoại với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính gắn liền với thân thế sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, 2 vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán…

Ngoài ra, Côn Sơn, Kiếp Bạc là một trong những khu di tích tiêu biểu kết tinh tư tưởng Tam giáo đồng nguyên: Phật giáo, đạo giáo, nho giáo cùng hòa đồng; mục đích là quy tụ nhân tâm, lấy thân quyền phục vụ cho vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc.

Du khách thập phương về dâng hương chiếm bái. Ảnh: P. Quỳnh

Ở đây văn hóa phật giáo, nho giáo và lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng tất cả đều thẫm đẫm bản sắc văn hóa Việt và để lại dấu ấn qua từng chi tiết kiến trúc trong các bia đá, tượng thờ, hoành phi câu đối. Hiếm có ở đâu có nhiều trí thức và nhà văn hóa lớn như ở Côn Sơn: Trần Nguyên Đán – Quan Đại Tư đồ Phụ Chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư Động để lui nghỉ những năm tháng cuối đời; thời Lê sơ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã gắn bó cả cuộc đời cả sự nghiệp với Côn Sơn; Lê Thánh Tông - vị minh quân và là tao đàn nguyên súy; Thánh thơ Cao Bá Quát đều đã về đây vãng cảnh làm thơ và để lại những thi phẩm có giá trị lưu truyền hậu thế.

Tháng 02 năm 1965, Hồ Chủ Tịch về thăm Côn Sơn. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư Động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun bằng sự trân trọng thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cổ nhân. Cảnh sắc thiên nhiên và con người tạo dựng đã làm cho Côn Sơn thành một đại thắng tích. Ở đây có núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc với rừng thông bát ngát, suối chảy rì rầm, nước hồ trong mát; có bàn cờ tiên, thạch bàn, giếng ngọc, Ngũ Nhạc linh từ…

Miền thắng cảnh làm say đắm hồn người

Cũng bởi Côn Sơn cảnh vật tốt tươi, “sắc ngàn ráng đỏ, rừng gấm cuốn, cỏ lụa giăng”, chùa chiền cổ bích, am pháp thâm nghiên, u tịnh và tao nhã, nước biển non xanh, hữu tình và hòa hợp, thành miền thắng cảnh làm say đắm hồn người; là nơi con người có thể gửi gắm ước nguyện tâm linh, thỏa chí hướng và rung động tâm hồn.

Chùa Côn Sơn.

Nên ở đây, Huyền Quang đã viết kinh, thuyết pháp, làm thơ; Trần Nguyên Đán nghiên cứu Nông Lịch và viết Băng Hồ Ngọc các tập, Nguyễn Phi Khanh viết Thanh Hư Động ký và Nguyễn Trãi đã viết Côn Sơn ca cùng nhiều thi ca xứng là kiệt tác. Và cũng chính tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã nuôi dưỡng và ấp ủ cho mình một sự nghiệp nhân nghĩa sáng muôn đời, để rồi sau 10 năm đánh giặc Minh thắng lợi, trong Bình Ngô đại cáo những áng hùng văn thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa và khí phách độc lập của dân tộc đã được Nguyễn  Trãi viết lên truyền lại cho muôn đời hậu thế:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc, Nam cũng khác”…

… “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo”…

Những năm gần đây, nhân dân Hải Dương cùng sự đồng lòng của đồng bào cả nước đã tu bổ nhiều di tích như đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, đường lên Ngũ Nhạc Linh từ…càng làm cho Côn Sơn thêm giàu giá trị văn hóa, cảnh sắc càng thêm tráng lệ tôn nghiêm, hấp dẫn du khách thập phương.

Địa danh lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lẫy lừng thắng giặc

Kiếp Bạc là địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu giang cách Côn Sơn chừng 5km. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây trời bày, đất dựng, đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng.

Đền thờ Nguyễn Trãi.

Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ I (1258), Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc lập đại bản doanh; xây dựng phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu giang, Bạch Đằng ra biển đông; trong đó, căn cứ Vạn Kiếp là trung tâm chỉ huy. Đây là trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Tháng 6 năm 1285, tại đây Hưng Đạo Vương đã tập hợp 20 vạn quân, hơn một nghìn thuyền chiến đánh trận Vạn Kiếp, tiêu diệt 20 vạn quân Nguyên Mông, kết thúc cuộc kháng chiến thứ II một cách nhanh gọn. Tháng 3 năm 1288, từ căn cứ Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương cùng vua Trần Nhân Tông tổ chức phản công đánh trận quyết chiến, chiến lược Bạch Đằng tiêu diệt 30 vạn quân giặc, kết thúc thắng lợi 3 lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thật oai hùng của dân tộc.

 Hành hương về lễ hội mùa thu đền Kiếp Bạc.

Đất nước thanh bình, không màng tới danh vọng, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Tại đây, Đại Vương đã viết Binh gia diệu lý yếu lược Vạn Kiếp tông bí truyền thư, đúc kết những kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế. Trước khi mất, được vua Trần Anh Tông về thăm bệnh và hỏi kế sách giữ nước, Đại Vương căn dặn: “Khoan thư sức dân làm kế sâu dễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”.

Bởi Đại Vương là danh tiếng bậc nhất “tài mưu lược, anh hùng, một lòng giữ gìn trung nghĩa… lập lên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên”. Ngài đã được triều đình nhà Trần cho lập đền thờ ngay khi còn sống gọi là Sinh Từ và được đích thân Thượng hoàng Trần Thánh Tông soạn văn bia ca ngợi công đức. Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300) Đại Vương mất tại Kiếp Bạc. Triều đình đã tôn phong ngài là Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương. Còn nhân dân Đại Việt tôn ngài là Đức Thánh Trần, xây đền tại Kiếp Bạc để tướng nhớ công lao to lớn đối với non công, đất nước và ngày giỗ Đại Vương trở thành ngày chính hội đền Kiếp Bạc hàng năm.

Nơi giáo dục có hiệu quả cho muôn đời thế hệ mai sau

Đền Kiếp Bạc cùng với 2 ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và Nam Tào được ví như “một cõi thiên bổng giữa hạ giới”. Tại vị trí trang trọng nhất của đền là tượng thờ Đức Thánh Trần đường bệ, uy nghi, qua bao thế kỷ vẫn là biểu tượng của hào khí Đông A lẫm liệt. Có thể nói mỗi cảnh sắc, hiện vật, dấu tích ở Kiếp Bạc đều gợi nhớ về bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ở triều đại nhà Trần.

Tinh khiết hồ sen trong đền Kiếp Bạc.

Hàng năm ở Côn Sơn, Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội truyền thống vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn kỷ niệm ngày viên tịch của đệ tam Thánh Tổ Huyền Quang tôn giả (23 tháng giêng âm lịch) với nhiều nghi lễ như: lễ Mông Sơn thi thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước cùng nhiều trò chơi dân gian như đu tiên, chọi gà, cờ người, đấu vật.

Lễ hội mùa thu đền Kiếp Bạc kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ngày 20 tháng 8 âm lịch) và ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16 tháng 8 âm lịch), với nhiều nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian rất nổi tiếng như: Lễ rước cỗ tiến thánh, lễ Hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, tục Hầu Thánh, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần, cùng nhiều trò chơi dân gian khác như: đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, thổi cơm, thi nhảy phỗng…thu hút hàng vạn du khách và nhân dân thập phương về dâng hương tưởng nhớ.

 Nghi môn Kiếp Bạc – công trình kiến trúc độc đáo. Ảnh: V. Toạn

Theo Ban quản lý Di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, từ năm 2010 trở lại đây, UBND tỉnh Hải Dương đã tôn tạo, trùng tu đền Kiếp Bạc gồm 12 hạng mục công trình: Mở rộng khuôn viên đền, tu bổ đền Chính, Nghi Môn, Tả hữu Thành các, Tả hữu Giải vũ, Tắc môn, Sân đền và Giếng mắt rồng, đường thần đạo. Bài trí lại hệ thống thờ tự trong đền, nhà phương đình, nghi môn ngoại, sân lễ hội, nhà che và trưng bày khảo cổ, hệ thống bảo quản và phòng chống mối, hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống cấp thoát nước và điện chiếu sáng.

Đồng thời, Phục dựng toàn Cửu Phẩm liên hoa chùa Côn Sơn; thi công dự án “Đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 và chùa Côn Sơn (2,5km) và đường từ Quốc lộ 37 về đền Kiếp Bạc (5,1km)”;  xây dựng mới bãi đỗ xe số 3 (diện tích 2ha); đường tránh, đường nội bộ cùng nhiều hạng mục công trình khác…; phục vụ nhân dân và du khách thập phương hành hương về dâng hương, chiêm bái. Ngoài ra, tất cả các lễ hội đều được tổ chức với chủ thể tham gia là nhân dân chủ yếu ở 2 làng Dược Sơn và Vạn Yên – đây là 2 làng có nhiệm vụ thờ phụng Đức Thánh Trần theo phong tục từ xa xưa để lại.

Cảnh đẹp hồ Côn Sơn.

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, với những vấn đề phức tạp đang diễn ra ở biển Đông và một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có xu hướng thiên lệch về lối sống hám danh, thực dụng và ưa bạo lực…Thiết nghĩ, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp cần có nhiều hơn các hoạt động tình nguyện, hoạt động về nguồn tại Côn Sơn, Kiếp Bạc; đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, bình văn thơ về Côn Sơn, Kiếp Bạc gắn liền với tên tuổi sự nghiệp của các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi…

Tái hiện hùng khí Lục Đầu giang hơn 700 năm về trước.

Đặc biệt là tham gia, đảm nhận lễ Hội quân trên sông Lục Đầu hàng năm, làm sống lại tấm lòng trung trinh không màng danh lợi lui về ở ẩn vui vầy chốn sơn lâm, thái ấp, cùng tâm hồn đại nghĩa vì non sông xã tắc và khí phách hừng hực ra quân giết giặc lập công bảo vệ giang sơn đất nước… thì Côn Sơn, Kiếp Bạc đã, đang và sẽ mãi là nơi giáo dục có hiệu quả cho muôn đời thế hệ mai sau về tư tưởng nhân nghĩa và bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc./.

Phạm Quỳnh

(Ảnh do BQL Côn Sơn, Kiếp Bạc cung cấp)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam