Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” - biểu tượng cao đẹp hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc

Du lịch, Hồn việt | 20:03:00 16/12/2020

TNV - Tối ngày 12/12 vừa qua, tỉnh Thái Bình đã long trọng khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”. Cùng với công trình Đền thờ Bác Hồ nằm trên đỉnh đồi cao và uy nghiêm, được thiết kế theo ý tưởng đình làng với mái cong truyền thống và mang hơi thở của thời đại mới, Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình bên dòng sông Trà Lý, là biểu tượng cao đẹp hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lưu giữ trường tồn những tình cảm Bác Hồ dành cho nông dân

Được biết, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, được sự nhất trí của Trung ương, công trình Đền thờ Bác Hồ được khởi công xây dựng ngày 25/8/2014 và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được triển khai xây dựng từ tháng 10/2018 đến nay đã hoàn thành.

Công trình Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình thuộc phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình. Đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo ý tưởng đình làng với mái cong truyền thống của Đồng bằng sông Hồng, đồng thời mang hơi thở của thời đại mới. Trên diện tích 3.500 m2, Đền tọa lạc trên đỉnh đồi cao, uy nghiêm và tạo được nhiều lớp kiến trúc hài hòa bên dòng sông Trà Lý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và lãnh đạo Đảng, Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhấn nút khánh thành công trình Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”. Ảnh: TTXVN

Từ xa Đền thờ Bác như một bông hoa sen đang nở. Các cánh sen là các đao mái của công trình vươn dần lên cao. Bậc cấp, lan can, sân bằng đá xanh với hoa văn trang trí mềm mại. Lối lên Đền thờ với 3 đoạn cách điệu dáng rồng, thể hiện sự uy nghiêm. Hương án, bàn thờ, hoành phi, câu đối, đại tự, cửa võng... được làm bằng gỗ vàng tâm, sơn son thếp bạc phủ hoàng kim theo truyền thống Việt Nam. Đền thờ Bác Hồ  mang phong cách Á Đông, gần gũi, trang nghiêm, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là công trình tâm linh để Nhân dân, nhất là bà con nông dân cả nước, du khách gần xa có dịp bày tỏ lòng biết ơn, niềm thành kính, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị cha già dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò to lớn của nông dân đối với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Người khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.

Chiêm ngưỡng Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”, chúng ta như được gặp Bác trong bộ quần áo giản dị, nụ cười đôn hậu - hình ảnh người cha 5 lần về với Thái Bình, về thăm những người nông dân, thăm những cánh đồng. Xung quanh Bác là các cụ già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em... đang hướng về Bác, thể hiện sự kính yêu vô bờ bến. Bằng tất cả các đường nét hài hòa và tinh tế, tượng đài đã thể hiện đậm nét và sinh động những tình cảm mà lúc sinh thời, Bác dành cho giai cấp nông dân và mỗi người nông dân đối với Bác

Xung quanh tượng đài là các mảng phù điêu thể hiện phong cảnh làng quê Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của nông dân Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của những người nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là hình ảnh làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước... những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình. Làng quê văn minh, đổi mới, đời sống người nông dân sung túc, ấm no luôn là ước nguyện của Người.

Khu vực trung tâm Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”. Ảnh Giang Chinh

Công trình có bố cục đẹp, độc đáo, tỷ lệ tương xứng đồng đều, mang tính mỹ thuật cao. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam không chỉ là công trình văn hóa ý nghĩa, là điểm đến hấp dẫn của Nhân dân cả nước, du khách nước ngoài để tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây còn là công trình có giá trị lịch sử, lưu giữ trường tồn những tình cảm Bác Hồ dành cho nông dân Thái Bình, cũng như nông dân cả nước.

Công trình Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” là biểu tượng cao đẹp hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau; thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình. 

Niềm tự hào được 5 lần đón Bác về thăm

Vinh dự là tỉnh được 5 lần đón Bác về thăm. Mỗi lần Bác về thăm lại mở ra một chặng đường lịch sử mới, tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng của tỉnh Thái Bình đổi thay và phát triển đi lên.

Lần thứ nhất: Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công,  Người căn dặn lãnh đạo tỉnh: Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết các thân hào, thân sỹ, trước hết phải lo giải quyết nạn đói cho Nhân dân và nhanh chóng khắc phục đoạn đê mới bị vỡ. Sau đó, Người đến thăm đoạn đê Đìa thuộc huyện Hưng Nhân. Trước đông đảo đồng bào Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và nhắc nhở: nhiệm vụ trước mắt là phải đắp lại đê và cứu đói.

 Phía sau Tượng đài là Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trên quả đồi cao, uy nghiêm nằm giữa công viên Hoàng Diệu. Ảnh. Giang Chinh

Lần thứ hai: Ngày 28 tháng 4 năm 1946, biết tin Nhân dân Thái Bình chỉ trong ba tháng đã khắc phục được hậu quả hai quãng đê bị vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện với hơn 5 vạn cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Người khen ngợi thành tích tăng gia sản xuất của Nhân dân và kêu gọi mọi người phải đoàn kết, ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Sau đó, Bác đến thăm quãng đê vỡ đã được hàn gắn. Người xem xét rất kỹ đoạn đê và nhắc phải đảm  bảo đầm đất kỹ hơn.

Thấu hiểu những hy sinh, mất mát của nông dân nên ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế khóa bất công của thực dân Pháp, giảm tô 25% và chia ruộng đất của thực dân, phong kiến cho nông dân. Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư cho các điền chủ nông gia Việt Nam: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Lần thứ ba: Ngày 26 tháng 10 năm 1958. Bác tới dự Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Thái Bình và đã có buổi nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân Thái Bình các cấp xã, huyện, tỉnh. Người đánh giá cao những thành tích mà quân dân Thái Bình đã đạt được và nhắc nhở một số điểm cần khắc phục như vấn đề tiết kiệm, chủ quan, tự mãn. Cuối cùng, Người kết luận “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”.

Lần thứ tư: Ngày 26 tháng 3 năm 1962, được biết Thái Bình có phong trào lấn biển, khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Bác đến thăm hợp tác xã Nam Cường, xã điển hình đi đầu trong công tác lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác, Người khen ngợi thành tích ngăn biển, khai phá đất hoang và tặng Huy hiệu cho 4 cán bộ, xã viên có thành tích xuất sắc trong xã.

Người đến thăm Hội nghị phát động phong trào sản xuất trong nông nghiệp toàn tỉnh, gặp gỡ các đại biểu đang họp tại xã Đông Lâm (Tiền Hải). Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi Nhân dân Thái Bình có nhiều cố gắng trong tăng vụ, vỡ hoang, làm thuỷ lợi, phân bón. Thay mặt Trung ương, Người giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên phải xây dựng Thái Bình thành một trong những tỉnh khá nhất về mọi mặt. Người đã tặng Huy hiệu cho 14 chiến sỹ thi đua về lao động sản xuất trong toàn tỉnh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số gia đình xã viên của xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải), thăm một đơn vị bộ đội đóng quân tại địa phương.

Toàn cảnh Tượng đài và Đền thờ Bác Hồ nhìn từ trên cao. Ảnh.Giang Chinh.

Lần thứ năm: Chiều ngày 31 tháng 12 năm 1966, được tin Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, trong hoàn cảnh thời chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình lần thứ năm. Người làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại nơi sơ tán (thôn Đại Đồng, xã Tân Hoà, huyện Thư Trì), nghỉ một đêm tại đây. Sáng 01 tháng 01 năm 1967, trong một buổi nói chuyện với trên 100 cán bộ đại biểu đại diện cho bốn vạn đảng viên và trên một triệu đồng bào cùng một số xã viên của hợp tác xã Tân Phong và Hiệp Hoà huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư); Người nói nhiều về sản xuất nông nghiệp; cuối cùng Người kết luận: “Thái Bình có tiến bộ nhiều, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Đánh giá công lao của người nông dân, tại Hội nghị Đảng lần thứ 3, khóa II, Người khẳng định: “Nông dân là tối đại đa số trong Nhân dân nước ta là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến”.

Ngoài những vinh dự trên, Nhân dân và Đảng bộ Thái Bình còn nhận được muôn vàn tình thương yêu và sự chăm sóc của Bác. Trong nhiều năm theo dõi Báo “Thái Bình tiến lên”, Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người tốt việc tốt; khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi. Bác hai lần gửi Thư khen Hợp tác xã Tân Phong, Đông Bình cách chăn nuôi trâu, bò giỏi; khen ngợi Hợp tác xã Hiệp Hoà trồng cây giỏi, khen đội Thuỷ lợi Quang Trung làm thuỷ lợi giỏi. Bác gửi Tỉnh uỷ ba tấm ảnh có chữ ký của Người làm phần thưởng. Đầu năm 1969, cả Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được vào thăm và chụp ảnh với Bác.

Thái Bình còn là quê hương, cái nôi của cách mạng: Thời kỳ chống Thực dân phong kiến, nông dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 01 tháng 5 năm 1930. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 -1931; là một trong sáu cuộc biểu tình lớn nhất của Nhân dân cả nước lúc bấy giờ hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chống lại sự tàn bạo của thực dân Pháp. Phong trào cách mạng Thái Bình đã góp phần quan trọng vào cao trào cách mạng chung trên quy mô cả nước mà đỉnh cao là phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, tháng 9 năm 1930.

Tháng 01/1953, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của giai cấp nông dân đối với sự nghiệp cách mạng: "Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc". Do vậy, việc mang lại quyền lợi ruộng đất cho nông dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định là một trong hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng phải bồi dưỡng để nông dân phát huy được vai trò, sức mạnh của mình.

Trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã làm tốt hai nhiệm vụ “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”; hàng vạn con em Thái Bình nô nức lên đường tòng quân đánh giặc, nông dân Thái Bình thi đua sản xuất, tạo ra “cánh đồng 5 tấn” đầu tiên của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thái Bình luôn đi đầu trong phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà.

Biết ơn Bác, Đảng bộ và Nhân dân Thái Bình hôm nay càng ra sức học tập, lao động và làm theo lời Bác dạy. Trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, người dân Thái Bình và đông đảo con em xa quê hương lại hăng hái hiến đất làm đường, tự nguyện ủng hộ ngày công lao động, kinh phí, vật liệu... để xây dựng quê hương. Đến nay toàn tỉnh đã có 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 05 xã đã được thẩm định đạt 11/11 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2019 và đang hoàn thiện hồ sơ trình công nhận; 07/07 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt 43 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, đời sống của Nhân dân được cải thiện lên trông thấy.

Với tình cảm của Bác dành cho giai cấp nông dân Việt Nam nói chung, Đảng bộ, Nhân dân Thái Bình nói riêng, đặc biệt là những thành tựu to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thái Bình đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với sự phát triển của giai cấp nông dân, vì vậy, việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân tại Thái Bình là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thái Bình, thể hiện được tình cảm của Bác Hồ dành cho người dân Thái Bình, cũng như tình cảm, lòng kính yêu và sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ kính yêu./.  

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam