Chính phủ hành động quyết đoán, linh hoạt, củng cố niềm tin vững chắc và ‘kháng thể’ mạnh cho nhân dân

Lý luận trẻ | 08:42:00 26/07/2021

huyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh, điểm xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ thời gian qua là kiên định lập trường “mục tiêu kép”, nhưng linh hoạt và quyết đoán trong chỉ đạo thực tiễn, lắng nghe các ý kiến nhiều chiều để có các quyết sách mạnh và đúng đắn.

TS Trần Đình Thiên khẳng định: Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, song đánh giá một cách công bằng, cách điều hành linh hoạt, quyết đoán và quyết liệt của Chính phủ đang mang lại những kết quả tích cực, củng cố niềm tin vững chắc và “kháng thể” mạnh cho nhân dân.

PGS.TS. Trần Đình Thiên

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ sau kiện toàn, PGS.TS Trần Đình Thiên nhắc lại, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64% là kết quả đáng ghi nhận và rất có ý nghĩa, khiến chúng ta thấy lạc quan hơn.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, theo xu hướng và xét trong tổng thể, quý II nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng 6,61%, cao hơn quý I và cao hơn so cùng kỳ năm 2020 cho thấy rất rõ nền kinh tế đang nỗ lực “vượt khó” và “trụ hạng” tốt.

“Ở khía cạnh mở cửa và hội nhập, tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng rất tích cực. Trong khi kinh tế thế giới “đứt chuỗi” nhưng kinh tế nước ta vẫn đạt được thành tích xuất nhập khẩu như vậy là rất đáng khích lệ.”, PTS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp hàng không, du lịch, vận tải đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Dù vậy, trong khó khăn, trong khu vực “nội” của nền kinh tế cũng xuất hiện những yếu tố tích cực. Trong đó, nông nghiệp là một “vùng sáng” đặc biệt.

“Dường như lúc nào nền kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp đều là chỗ dựa an toàn và là điểm tựa thành công. Nhưng nông nghiệp không chỉ là vùng đệm và bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế. Lĩnh vực này đang vượt lên với nỗ lực ứng dụng công nghệ cao và tiên phong ra thị trường thế giới thành công. Điểm này cần được đúc kết để có cách tiếp cận chính sách, cơ chế tích cực hơn nữa”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chúng ta ấn tượng với tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp công nghệ thông tin. Đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chuyển đổi số, doanh nghiệp số, công nghệ số đã tăng trưởng hơn 20% theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê. Trong khó khăn nhưng phản ứng về chính sách của các doanh nghiệp Việt Nam tích cực, linh hoạt và nhiều triển vọng trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Một điểm quan trọng, xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ là kiên định lập trường “mục tiêu kép” kết hợp với tính linh hoạt và quyết đoán trong chỉ đạo thực tiễn. Cách tiếp cận “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sau Cách mạng Tháng Tám dường như đang được tái hiện.

Vị chuyên gia cũng cho rằng năm nay dịch bệnh không còn như năm 2020 mà tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều, biến thể của virus nguy hiểm hơn, độc lực mạnh hơn, diễn biến phức tạp hơn nhiều. Trong tình huống mới, Chính phủ vẫn kiên định “mục tiêu kép” nhưng phương cách phòng chống dịch đã có sự thay đổi cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Chính phủ đã điều chỉnh, chuyển sang chiến lược ưu tiên nhiều hơn cho vaccine, chứ không chỉ tập trung truy vết hay phong tỏa... Tình thế thay đổi cho thấy quyết sách mạnh và đúng đắn của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung, dồn lực phòng, chống dịch bệnh, dập tắt dịch tại các trung tâm công nghiệp như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, đưa các khu công nghiệp hoạt động trở lại. Hiện tại, dịch bệnh đã và đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã tiếp tục có các chỉ đạo phù hợp với các vùng, các địa phương, đúng với tình thế hiện tại, cân đối được cả nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế cũng như huy động sức mạnh toàn dân.

“Chính phủ lắng nghe ý kiến của nhiều chuyên gia, từ y tế đến xã hội, để có được đánh giá tổng thể, từ đó đưa ra chính sách kịp thời, quyết đoán, hiệu quả”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Không cứng nhắc trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ

Phát triển kinh tế và chống dịch có mối liên hệ rất chặt chẽ. Nếu chúng ta không xử lý tốt nhiệm vụ chống dịch sẽ dẫn tới đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng tới các khu công nghiệp, các thành phố lớn, dẫn đến những hệ lụy về kinh tế-xã hội không mong muốn. Ông Thiên đề xuất, khi thực hiện các biện pháp giãn cách, các địa phương phải hiểu được tinh thần các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện không cứng nhắc và không gây ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp, tới đời sống người dân. Đây cũng là một điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong suốt thời gian qua.

Cách tiếp cận cứng nhắc, hành chính sẽ gây căng thẳng xã hội, gây tâm lý bất an. Phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng nơi, nhưng không có nghĩa là “đóng đinh” vào thành tích riêng của từng địa phương, không vì thành tích riêng của địa phương, đơn vị mình mà gây tổn hại đến sự vận hành chung của nền kinh tế. Phải tính toán, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, chung sức cùng cả nước. Sự uyển chuyển, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành chống dịch sẽ tạo không gian thông thoáng hơn cho hoạt động kinh tế.

Thời gian tới, cùng với các giải pháp phòng chống dịch hiện nay, cần chuyển dần sang trạng thái tự giác chấp hành các quy định phòng dịch của các tổ chức, cá nhân, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, đi lại của người dân.

Đặc biệt, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ rất kịp thời, hỗ trợ cần thiết cho người dân và doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân. Tuy nhiên một mình Chính phủ không làm được mà phải huy động toàn xã hội chung tay vào công tác này.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, cần xem việc nhận định nguy cơ tiềm ẩn và ứng cứu cho kinh tế cũng quan trọng như phòng bị, ứng cứu dịch bệnh. Khu vực doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ kịp thời, hợp lý song không nên cào bằng mà cần tập trung ở những chuỗi cung ứng ưu tiên. Đặc biệt, lúc này các hiệp hội cần nắm được tâm tư, tình hình của các doanh nghiệp để sớm tham mưu, hiến kế với Chính phủ xác định nhóm nào là trọng tâm để hỗ trợ hiệu quả. Cần tăng cường bảo vệ các vùng kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm, những ngành kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Bối cảnh COVID-19 cũng là thời điểm để chớp thời cơ tái cơ cấu nền kinh tế. Nền kinh tế thế giới “hậu COVID” sẽ có định hướng công nghệ cao và kinh tế số rất mạnh. Đó sẽ là những xu hướng quyết định số phận và triển vọng các nền kinh tế và các doanh nghiệp. Các nền kinh tế đang phục hồi khá hiện nay (trong dịch và sau dịch) đều đi theo logic này. Họ không quá chú trọng bảo tồn nền kinh tế cũ bằng cách chỉ tập trung cứu các doanh nghiệp “truyền thống” mà ưu tiên xây dựng các động lực tăng trưởng mới, là khu vực công nghệ cao và kinh tế số. Do vậy, Việt Nam phải ráo riết chuẩn bị năng lực cho công nghệ cao, kinh tế số, dành một phần nguồn lực để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, ưu tiên phát triển nền kinh tế số.

Các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô sau đại dịch COVID-19 cũng cần tập trung vực dậy và tăng tốc phát triển các lĩnh vực mũi nhọn như du lịch, hàng không… để kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong lĩnh vực đầu tư công, kiên quyết cắt giảm những dự án không hiệu quả, chậm tiến độ…

“Có thể thấy rằng “mục tiêu kép” hoàn toàn có thể đạt và giữ được. Chính phủ đã làm được điều đó trong suốt một năm rưỡi cực kỳ khó khăn vừa qua. Chính phủ đang “chắc tay” điều hành công việc, còn niềm tin xã hội được củng cố vững chắc hơn. Tôi vẫn giữ niềm tin rằng, với một Chính phủ hành động quyết liệt và linh hoạt trong điều hành, chúng ta có thể đạt được cả hai mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế”, ông Trần Đình Thiên bày tỏ.

Minh Anh/Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam