TP.HCM: Sáng ngày 2/8 có 1.997/3.201 ca COVID-19, đã tiêm hơn 6,4 triệu liều vắc xin

Thời sự, Xã hội | 09:05:00 02/08/2021

TNV - Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế sáng 2.8 cho biết có thêm 3.201 ca mắc COVID-19, trong đó riêng TP.HCM là 1.997 ca. Đã có hơn 6,4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm chủng ở nước ta.

Theo Bộ Y tế, tính từ 18h30 ngày 1.8 đến 6h ngày 2.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.201 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 3.198 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.997), Bình Dương (496), Đồng Nai (189); Cần Thơ (119), Tiền Giang (79), Đà Nẵng (76), Vĩnh Long (50), Hà Nội (46), Bình Thuận (46), An Giang (17), Kiên Giang (17), Bình Định (14), Ninh Bình (13), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (10), Nghệ An (8 ), Thanh Hóa (4), Hà Tĩnh (3), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1).

Trong số các ca COVID - 19 vừa được công bố có 976 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Tính đến sáng ngày 2.8, Việt Nam có 157.507 ca nhiễm trong đó có 2.265 ca nhập cảnh và 155.242 ca mắc trong nước.

- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 153.672, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

- Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 43.157 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 432 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Trong ngày 1.8, đã có 209.156 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm là 6.415.219 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều.

TP.HCM: Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành công văn khẩn số 5145/SYT-NVY về triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Thành phố tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường có bệnh lý nền, người nghèo yếu thế, người dân trong khu vực phong toả. UBND quận huyện phường xã lập danh sách tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, phân nhóm theo ưu tiên. 

Qua đó căn cứ số lượng người tiêm, quy mô điểm tiêm, công suất đội tiêm, địa phương sắp xếp lịch tiêm theo ngày giờ cụ thể để đảm bảo yêu cầu giãn cách. Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm y tế nhà nước và tư nhân, tổ chức tại các điểm tiêm cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại khu dân cư. 

Tăng cường các điểm tiêm cố định, mỗi phường xã triển khai từ 3-4 điểm tiêm cố định thay vì 2 điểm như trước đây. Đồng thời tổ chức các điểm tiêm tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân. 

Nhân sự chuyên môn của 1 đội tiêm lưu động như sau: 01 bác sỹ thực hiện khám sàng lọc, 01 điều dưỡng thực hiện tiêm, 01 nhân viên thực hiện kiểm tra thông tin phiếu sàng lọ, hỗ trợ bác sỹ khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm. Bố trí nhân lực làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng, không giới hạn số người tiêm chủng trong mỗi buổi tiêm, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. 

Thời gian tiêm có thể kéo dài sau 18 giời, số lượng tiêm cho một ngày của mỗi đội tiêm chủng có thể hơn 200 người nếu đảm bảo được giãn cách và theo dõi sau tiêm. Để việc nhập liệu thông tin người tiêm chủng nhanh chóng, địa phương hướng dẫn người dân thực hiện phiếu đồng ý tiêm và phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử hoặc bản giấy. 

Dựa trên dự kiến số lượng người tiêm, thời gian tiêm thông báo thời gian cụ thể cho người đi tiêm đảm bảo giãn cách. Tại các khu phong toả, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng. 

Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khoẻ điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Phòng chống dịch Covid-19 bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại

Theo HCDC, qua thực tế, một số bệnh nhân COVID-19 sau khi sử dụng thuốc đông y đã giảm triệu chứng và rút ngắn được thời gian điều trị, kết quả xét nghiệm COVID-19 về âm tính nhanh hơn khoảng 5 ngày so với những bệnh nhân không dùng thuốc y học cổ truyền (YHCT). 

Trên cơ sở này, ngày 1.8, TP.HCM đã triển khai Chương trình “Chung tay phòng chống COVID-19 bằng YHCT kết hợp y học hiện đại”, tổ chức thực hiện việc cung cấp miễn phí các sản phẩm YHCT cho người bệnh tại khu cách ly tập trung các quận huyện, TP Thủ Đức và các bệnh viện dã chiến, thu dung.

“Các sản phẩm YHCT có nguồn gốc dược liệu cho người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sử dụng khi chưa cần nhập viện. Sản phẩm được kế thừa, phát huy những tinh hoa và nhân bản giá trị dân tộc bên cạnh những công nghệ, kỹ thuật hiện đại, việc kết hợp giữa YHCT và y học hiện đại là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam thông tin trên SGGP.

Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao tặng 100.000 phần quà là các sản phẩm YHCT từ được liệu cho người bệnh tại  khu dã chiến các quận huyện và TP Thủ Đức.

Tấn Tài

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam