Việc làm của thanh niên trong bối cảnh đại dịch Covid – 19: Tác động, thách thức và giải pháp

Lý luận trẻ | 12:26:00 19/08/2021

TNV - Đại dịch COVID-19 bùng phát cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã làm thay đổi xu hướng phương thức làm việc cũng như cơ cấu các ngành nghề trên thị trường lao động. Bài viết tập trung phân tích tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 và ảnh hưởng của xu hướng biến đổi việc làm đến tình hình việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Đồng thời, cũng tập trung đề xuất các kiến nghị giúp lực lượng lao động trẻ vượt qua thử thách trong xu hướng biến đổi việc làm do tác động của đại dịch.

Từ khóa: Thanh niên, việc làm, COVID-19

1. Tác động của đại dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm trong nửa đầu năm 2021

Tác động của đại dịch COVID-19 mang đến một bức tranh ngày càng ảm đạm cho thị trường lao động Việt Nam. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong quý I năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của nước ta là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý IV năm 2020, và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước (Tổng cục thống kê, 2021).

Tính từ đầu quý II năm 2021, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Nền kinh tế cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lực lượng lao động mất việc tăng cao hơn nữa. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong công bố 6 tháng đầu năm đưa ra ngày 6 tháng 7 năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào tháng 4 năm 2021 đã khiến cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm hoặc giảm thu nhập. Trong đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở quý II tăng 87,1 nghìn người so với quý I, ước tính với 1,2 triệu người. So với quý I năm 2021, trong quý II năm 2021 có thêm 3,7 triệu lao động bị tác động tiêu cực bởi bởi Dịch COVID-19. Lao động ở độ tuổi từ 25-54 là nhóm độ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 75% lực lượng lao động bị ảnh hưởng (Tổng cục thống kê, 2021).

Nhóm lao động tại khu vực thành thị lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Tính đến hết quý I năm 2021, số người tham gia lực lượng lao động từ 18-55 tuổi tại khu vực thành thị chiếm 66,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,9% (Tổng cục thống kê, 2021). Xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 41,2%; nông thôn: 48,0%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 35,0%; nông thôn: 47,9%) (Tổng cục thống kê, 2021). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; phản ánh đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Số liệu thống kê trong quý IV năm 2020 cũng cho thấy, có 21,9% lao động tại khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, hơn gấp đôi so với lao động ở nông thôn chỉ với 14,3% lực lượng lao động chịu tác động tiêu cực (Tổng cục thống kê, 2020). Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tại nước ta lần thứ tư, lao động làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tại nông thôn ít chịu tác động xấu của đại dịch nhất, chỉ có với 8,9%. Trong khi đó, con số này trong khu vực công nghiệp và xây dựng chủ yếu ở thành thị chiếm đến 24,6% và trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ 30,6% lực lượng lao động (VnEconmy, 2021).

Các ngành nghề dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam là du lịch, vận tải, logistics và các ngành định hướng xuất khẩu. Khoảng 70-80% doanh nghiệp đã phải giảm phạm vi hoạt động kinh doanh. Chỉ riêng những lĩnh vực này đã chiếm khoảng 15% tổng lao động tại Việt Nam. Lao động trong khu vực dịch vụ nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%. Khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng (Tổng cục thống kê, 2021).

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài làm giảm thiểu hy vọng về khả năng tìm kiếm được việc làm của người lao động khi nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa hoặc co cụm sản xuất. Do vậy, lúc mất việc, thay vì tích cực đi tìm việc làm khác, người lao động lại tin là không thể tìm được việc làm và chấp nhận tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, trở thành lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế. Lực lượng này bị đẩy ra khỏi thị trường lao động và khiến con số người mất việc trong thực tế còn cao hơn nhiều so với thống kê con số 2% tỷ lệ thất nghiệp mà Tổng cục thống kê đưa ra trong quý II năm 2021.

Điều thực sự đáng lo ngại ở đây, theo Tổng cục thống kê (2021), phần lớn nhóm lao động tiềm năng chưa được khai thác này là nhóm lao động trẻ. Có đến 53,2% số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người trẻ dưới 35 tuổi, trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36% trong tổng lực lượng lao động của Việt Nam. Đây là lực lượng lao động được đánh giá có có sức khỏe tốt, dễ đào tạo, có khả năng thích ứng và nắm bắt sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất mới, cũng như có giá trị sử dụng lâu dài.

2. Thách thức cho thanh niên Việt Nam khi tiếp cận hệ thống vị trí việc làm hiện nay dưới tác động của dịch COVID-19 và xu hướng việc làm của thế giới

Thứ nhất, thách thức từ tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Nhưng tác động của đại dịch COVID-19 đến vị trí việc làm của thanh niên Việt Nam được khắc họa rõ nét qua các con số thống kê của các báo cáo cả trong và ngoài nước. Theo thông cáo báo chí của ILO, ngày 18 tháng 8 năm 2020, về giải quyết khủng hoảng việc làm cho thanh niên do đại dịch COVID-19 tại châu Á – Thái Bình Dương, thanh niên là lực lượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 do triển vọng làm việc bị đe dọa và giáo dục bị gián đoạn. Tại Việt Nam, tính đến quý I năm 2021, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (viết gọn là tỷ lệ NEET, từ tiếng Anh là Youth not in employment, education or training) là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên, tăng 51,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên NEET không phân biệt thành thị và nông thôn, cũng như giới tính đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc tìm kiếm việc làm cũng như học tập của thanh niên (Tổng cục thống kê, 2021).

Hình 1: Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo quý I năm 2020 và 2021
Đơn vị: %


Việc không tham gia lực lượng lao động hoặc học tập trong lâu dài đối với những người trẻ có tác động tiêu cực đến khả năng phát triển kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ của họ, tạo ra rào cản đối với khả năng được tuyển dụng trong tương lai, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động cũng như chất lượng của nguồn lao động trẻ sau khi dịch COVID-19 qua đi. Đặc biệt, theo báo cáo của ILO (2020), lao động trẻ trong độ tuổi từ 15-24 sẽ tức thì bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, đồng thời có nguy cơ phải gánh chịu những chi phí kinh tế và xã hội cao hơn trong thời gian dài hơn. Báo cáo cũng lo ngại về “một thế hệ bị phong tỏa” khi đề cập đến nhóm lao động từ 15-24 tuổi, do ảnh hưởng tâm lý vì không được làm việc và học tập trong khủng hoảng kéo dài (ILO,2020).

Thêm vào đó, khi đề cập đến nhóm lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ, việc tạo việc làm càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 vì lý do hạn chế kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Theo số liệu của Tổng cục thống kê (2021), 53,2% số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người trẻ dưới 35 tuổi, trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36%.

Hình 2: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng, quý I năm 2021

Đơn vị: %



Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện và công bố (18/8/2020), Thanh niên tại 13 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề của đại Dịch COVID-19 trong nhiều năm tới. Báo cáo nêu rõ ba tác động tiêu cực của đại dịch đến thanh niên bao gồm: (1) Gián đoạn việc làm dưới hình thức giảm thời gian làm việc và giảm thu nhập, mất việc làm đối với cả lao động làm công ăn lương và lao động tự làm; (2) Gián đoạn trong quá trình giáo dục và đào tạo; (3) Khó khăn trong quá trình chuyển tiếp từ trường học đến việc làm và chuyển đổi giữa các công việc trong thời kỳ suy thoái.

Thứ hai, thách thức từ xu hướng chuyển đổi việc làm mới của thế giới.

Theo nghiên cứu của tổ chức McKinsey được công bố vào tháng 2 năm 2021 đã đưa ra những dự báo về các xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai. Nghiên cứu chỉ ra rằng các xu hướng này sẽ làm mất đi một lượng công việc làm đáng kể khi robot được đưa vào sử dụng trong hầu hết sản xuất và cả nghành dịch vụ để tránh tiếp xúc gần, xu hướng số hóa và làm việc từ xa được tăng tốc để đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Người lao động sẽ chịu nhiều thách thức và nỗ lực để trang bị các kỹ năng công nghệ phục vụ cho công việc của họ sau dịch COVID-19. Những lao động không không thể theo kịp sự phát triển của công nghệ sẽ phải chịu sự đào thải của nền sản xuất và dịch vụ. Cụ thể hơn, nghiên cứu chỉ ra phụ nữ, thanh niên có học vấn thấp và dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng dễ bị mất việc nhất trong thập kỷ tới bởi nền kinh tế cần nhiều lao động có kỹ năng công nghệ cao hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương Việt Nam chỉ ra rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra xu hướng mới về việc làm. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 với với nền kinh tế chia sẽ, sản xuất trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học…, đang giúp chúng ta ứng phó với dịch COVID-19 tốt hơn. Nhờ ứng dụng tốt thành công nghệ, 83% doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức làm việc từ xa, 84% doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số và 50% đẩy mạnh tự động hóa. Đây được xem là những xu hướng việc làm tất yếu của thập kỷ tới.

Tuy nhiên, theo dự báo của ILO (2019), sẽ có đến 70% số việc làm hiện nay tại Việt Nam có xác suất sẽ bị thay thế bởi máy móc và robot trong thập niên tới. Những ngành nghề dễ bị thay thế bao gồm các nghành nghề trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, Bán buôn, bán lẻ, dệt may, điện tử.

Hình 3: Dự báo xác suất bị thay thế bởi máy móc công nghệ trong 10 năm đến

Những ngành nghề trên vốn được xem là thế mạnh truyền thống của lao động Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao trên thị trường lao động. Ví dụ, trong tổng số 49,9 triệu lao động có việc làm trong quý I năm 2021, khu vực công nghiệp chế biến và chế tạo là 16,1 triệu người, chiếm 32,3%. Lao động hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,1 triệu người, chiếm 28,2%. Tổng số, chỉ tính riêng hai khu vực trên đã chiếm 60,5% lượng lao động có việc làm (Tổng cục thống kê, 2021).

Xu hướng việc làm mới đang đẩy lực lượng lao động Việt Nam vào tình huống đầy thử thách khi cả người lao động và hệ thống các ngành đào tạo của chúng ta chưa thể trang bị đủ các kỹ năng cho các xu hướng chuyển đổi việc làm này. Cụ thể, ví dụ về công nghệ AI, hiện nay trải qua gần hai năm dịch COVID-19 bùng phát, công nghệ trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng, chống dịch thông qua các ứng dụng thiết thực. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng Cục Thống kê năm 2020, nhu cầu cho nguồn nhân lực ngành AI tại Việt Nam cần hơn 1 triệu nhân sự. Tuy nhiên, số lượng đáp ứng hiện tại chỉ vào khoảng 10.000 người. Hiện Việt Nam, các trường đại học có khối nghành công nghệ AI bao gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Đại học FPT, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) với tổng chỉ tiêu tuyển sinh vô cùng ít ỏi khi chưa đến 200 sinh viên ra trường mỗi năm.

Cuối cùng, điều đáng lo ngại tiếp theo cho lao động Việt Nam là, theo báo cáo Lao động việc làm Quý II/2020 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, có đến 76% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 5% lao động đã qua dạy nghề ba tháng trở lên, 4% lao động có trình độ trung cấp, 4% lao động có trình độ cao đẳng và 11% lao động có trình độ đại học (ILO, 2020). Trong khi đó, theo Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm cho thấy những người tốt nghiệp trình độ giáo dục đại học thì ít có nguy cơ công việc của họ bị thay thế bởi tự động hóa. Đồng thời, người lao động có trình độ càng thấp càng phải chịu tác động nặng nề hơn từ đại dịch COVID-19 và xu hướng chuyển đổi việc làm của thế giới (ILO, 2020).

3. Một số kiến nghị giải pháp

Đứng trước tác động “kép” của đại dịch COVID-19 và sự tất yếu của quá trình chuyển đổi số trong việc làm, thị trường việc làm đang trải qua một sự thay đổi lớn, mang đến nhiều thử thách hơn cho thanh niên Việt Nam trong việc tiếp cận việc làm trong tương lai. Thực trạng này đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho các nhà làm chính sách để phát triển lực lượng lao động trẻ ứng phó COVID-19 và xu hướng chuyển đổi việc làm chung của thế giới. Trước tình hình đó, cần tập trung vào: (1) Định vị mục tiêu giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; (2) Xây dựng mô hình kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để đảm bảo giảm thiểu chênh lệch kỹ năng người lao động có và kỹ năng doanh nghiệp đang cần; (3) Hỗ trợ các cơ sở giáo dục để thanh niên không bị gián đoạn học tập và mở ra cơ hội học tập mới cho thanh niên trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay.

Định vị mục tiêu giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên cần sự nỗ lực của cả hệ thống giáo dục. Cần phát triển giáo dục và đào tạo đồng bộ từ phổ thông đến đại học. Tăng cường giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống; tăng cường giáo dục hướng nghiệp, thực hiện tốt phân luồng sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) theo mục tiêu quốc gia. Đối với giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hình thức và ngành nghề đào tạo; chú trọng các ngành nghề liên quan đến tự động hóa, nghề kỹ thuật cao, các nghề dịch vụ, các ngành nghề STEM; mở rộng mô hình đào tạo cao đẳng nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS để tiếp nhận tỷ lệ lớn học sinh học nghề. Các trường đại học và học viện đổi mới theo phương thức đào tạo kết hợp: vừa trực tiếp và trực tuyến, tăng cường lớp học đảo ngược để tận dụng ngay công nghệ số trong quá trình đào tạo. Mở nhiều ngành nghề mới liên quan đến STEM và các ngành dịch vụ mới như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ gia đình; hợp tác, liên kết đào tạo với các trường ĐH quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là các ngành nghề STEM; sinh viên tốt nghiệp có thể học thêm nghề để khởi nghiệp.

Theo đề xuất của tổ chức Mc Kinsey (2021), cần xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ lực lượng lao động trẻ vượt qua thử thách của đại dịch và xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp. Đây là hệ sinh thái bao gồm sự phối hợp của các nhà làm chính sách, các nhà giáo dục, và các doanh nghiệp. Theo đó, các nhà làm chính sách cần xây dựng hệ thống chính sách, hành lang pháp lý đảm bảo tăng cường phát triển kỹ năng cơ bản, nền tảng cho người lao động trẻ, tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đảm bảo gia tăng độ tin cậy, tính hiệu lực, hiệu quả đối với chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của người lao động và người sử dụng lao động (các doanh nghiệp), nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, tăng nhanh tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ thông qua đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

Các nhà giáo dục nên kết hợp chặt chẽ với cá doanh nghiệp và cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp mới để áp dụng vào đào tạo cho học viên. Đơn cử, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần chủ động, tăng cường liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đúng yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động trong thời gian giãn cách.

Các doanh nghiệp cần thiết phải trang bị lại kỹ năng cho người lao động hiện tại của mình nhiều kỹ năng tự động hóa hơn, để tránh tình trạng tụt hậu so với công nghệ. Thêm vào đó, các tổ chức cần xây dựng “lộ trình phát triển sự nghiệp”, con đường học tập suốt đời cho người lao động. Sự thăng tiến nghề nghiệp cho người lao động cần dựa vào kỹ năng và năng lực nghề nghiệp theo 2 lộ trình cơ bản (khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG), dưới 3 hình thức chủ yếu (nỗ lực tại nhà trường; nỗ lực tại nơi làm việc và tự thân phát triển) hoặc kết hợp cả ba. Đề xuất đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẻ, toàn diện để thể giúp lao động trẻ thực hiện các chuyển đổi công việc đầy thách thức sắp tới. Thêm vào đó, cần gấp rút triển khai “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa biên soạn. Và xem đây là cơ hội để đào tạo nhân viên không làm mất chi phí cơ hội là thời gian.

Th.S Nguyễn Lê Thanh Huyền
Trường Đại học Lao động – Xã hội cơ sở II TP.HCM

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục thống kê (2021), Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động việc làm quý I năm 2021, Hà Nội.

2. Tổng cục thống kê (2021), Thông báo cáo chí tình hình lao động việc làm quý I/2021, Hà Nội.

3. Tổng cục thống kê (2021), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội.

4. Tổ Chức Lao động Quốc tế (2020), Báo cáo toàn cầu của ILO: Thách thức về việc làm cho thanh niên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hà Nội.

5. Tổ Chức Lao động Quốc tế (2020), Infographic: Lao động và trình độ chuyên môn kỹ thuật tại Việt Nam, Hà Nội.

6. McKinsey Global Institute (2021), The future of work after COVID-19, New York.

7. Hoàng Giang (2021), Từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về trí tuệ nhân tạo, truy cập ngày 06 tháng 08 năm 2021, từ <http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Tung-buoc-dua-Viet-Nam-tro-thanh-diem-sang-ve-tri-tue-nhan-tao/437608.vgp>.

8. Vneconomy (2021), 12,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 thứ 4, Tổng cục Thống kê đề xuất 5 giải pháp, truy cập ngày 06 tháng 08 năm 2021, từ <https://vneconomy.vn/12-8-trieu-nguoi-bi-anh-huong-boi-dot-dich-COVID-19-thu-4-tong-cuc-thong-ke-de-xuat-5-giai-phap.htm>.

9. Bộ công thương Việt Nam (2020), Cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra xu hướng mới về việc làm, truy cập ngày 06 tháng 08 năm 2021, từ <https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/cach-mang-cong-nghiep-4.0-va-dich-benh-COVID-19-da-tao-ra-xu.html>.

10. Hồ Sỹ Anh (2021), Nguy cơ lao động Việt Nam thất nghiệp cao trước làn sóng công nghệ số, truy cập ngày 06 tháng 08 năm 2021, từ <https://thanhnien.vn/giao-duc/nguy-co-lao-dong-viet-nam-that-nghiep-cao-truoc-lan-song-cong-nghe-so-1331491.html>.

11. Mỹ Quyên (2021), Người lao động phải thêm nhiều kỹ năng để có việc làm trong bối cảnh dịch COVID-19, truy cập ngày 06 tháng 08 năm 2021, từ <https://thanhnien.vn/giao duc/nguoi-lao-dong-phai-them-nhieu-ky-nang-de-co-viec-lam-trong-boi-canh-dich-COVID-19-1414833.html>.

12. Khánh Hòa (2021), 25% lao động bị ảnh hưởng việc làm do COVID-19, 10 kỹ năng nên có, truy cập ngày 06 tháng 08 năm 2021, từ <http://laodongxahoi.net/25-lao-dong-bi-anh-huong-viec-lam-do-COVID-19-10-ky-nang-nen-co-1319675.html>.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam