Ngành BHXH Việt Nam khẩn trương vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Thời sự, Bảo hiểm xã hội | 09:00:00 07/09/2021

TNV - Với quyết tâm chung tay cùng đất nước phòng, chống dịch COVID-19, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã và đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp để đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh nhất.

Đưa chính sách hỗ trợ đến người lao động, doanh nghiệp

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Số liệu thống kế cho thấy, trong năm 2020, tổng số DN thành lập mới là 134.941, giảm 2,3% so với năm 2019, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng 13,9% với 101.719 DN.

 

Đặc biệt, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta khiến các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, số DN rút khỏi thị trường tiếp tục tăng với 79.673 DN, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 11.300 DN rút lui khỏi thị trường. Cạnh đó là số DN chờ làm thủ tục giải thể với 28.038 DN, tăng 28,6% so với cùng kỳ.

Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này khiến người lao động phải ngừng việc, giãn việc, đời sống vô cùng khó khăn.

Vì vậy, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong phạm vi trách nhiệm của mình, ngành BHXH Việt Nam đã khẩn trương vào cuộc, với một loạt các biện pháp được đưa ra để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ thiết thực đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, cơ quan này đã thành lập ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP để chỉ đạo thống nhất triển khai trong toàn ngành, điều hành việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong và ngoài ngành.

Khẩn trương, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy trình, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận; tổ chức cuộc họp trực tuyến trong toàn ngành từ Trung ương đến BHXH cấp huyện để quán triệt triển khai thực hiện.

BHXH Việt Nam cũng tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP thực hiện phân công lãnh đạo, cán bộ, nhân viên chủ động liên hệ với các DN gặp khó khăn do dịch COVID-19 để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ; tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn; đảm bảo khi nhận được hồ sơ đầy đủ thì thực hiện giải quyết trong thời gian không quá 1 ngày làm việc.

Ngoài ra, còn thành lập đoàn công tác do lãnh đạo BHXH Việt Nam làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch COVID-19 tại Hà Nội và 19 tỉnh, TP khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội…

“Ngành BHXH Việt Nam xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết. Nghị quyết 68 đã quy định rõ trách nhiệm là rút ngắn thời gian, “ưu tiên chính sách dễ thì làm trước để đến được đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, đặc biệt không đề nghị DN và người lao động bổ sung hồ sơ”.

Để kịp thời hỗ trợ người lao động và DN nhanh nhất, BHXH Việt Nam đã triển khai 6 dịch vụ công và giải quyết trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam (dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn).

Cụ thể gồm các thủ tục: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ DN đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ DN vay vốn để trả lương; giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nhờ đó, việc xác thực hồ sơ chỉ thực hiện tối đa trong 1 ngày. Có những nơi, từ lúc nhận hồ sơ đến lúc trả hồ sơ chỉ trong vòng nửa giờ.

 

Nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng 

Ngay sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH các cấp đã nhanh chóng vào cuộc. Đơn cử, tại TP HCM, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, BHXH đã điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ, kể cả làm việc ngoài giờ hành chính để đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Tại Hà Nội, BHXH TP đã thành lập tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ. Trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, BHXH TP Hà Nội yêu cầu BHXH các quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm thời gian tối đa để người  lao động, người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ kịp thời.

Hay tại Long An, dù gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lan rộng, nhưng BHXH tỉnh vẫn nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ.

“Các danh sách đề nghị của DN và người lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển qua cơ quan BHXH, chúng tôi xác nhận ngay trong 1 ngày làm việc. BHXH tỉnh cũng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính; đa dạng hình thức nộp hồ sơ; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin… để nhanh chóng giải quyết hồ sơ”, ông Lê Thành Liếp, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Long An thông tin.

Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của toàn ngành BHXH Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, chỉ trong thời gian chưa lâu, cơ quan BHXH đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,2 triệu người lao động với số tiền được điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo thống kê, tính đến ngày 12/8, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 238 đơn vị với 41.425 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 292,3 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 274.610 lao động của 15.179 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 60/63 tỉnh, TP.

Trong đó, có 178.280 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 15.230 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 170 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm; 34.345 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc.

32.140 lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); 14.445 lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định, công tác hỗ trợ DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời. “Từ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị đến nỗ lực của từng cán bộ, viên chức trong những ngày giãn cách, đã cho thấy được tinh thần đoàn kết, chung tay cùng đất nước phòng, chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Thế Mạnh nói.

Dự báo dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị, BHXH địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, DN gặp khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ, trong đó nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng VssID để hỗ trợ người dân và người lao động…

PV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam