Cây quế Văn Yên - Cây trồng chủ lực mang về nguồn thu hơn 700 tỷ đồng mỗi năm

Thời sự, Xã hội | 06:15:00 08/12/2021

TNV - Không chỉ là địa phương dẫn đầu tỉnh Yên Bái về diện tích trồng quế mà huyện Văn Yên còn dẫn đầu tỉnh về sản lượng khai thác, chế biến và tiêu thụ từ quế. Với diện tích trên 50.000 ha, tổng sản lượng vỏ quế khai thác hàng năm đạt trên 6.500 tấn, lá quế trung bình 65.000 tấn/năm, gỗ quế đạt 50.800 m3/năm, chế biến trưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn/năm đã mang về cho bà con trong huyện doanh thu mỗi năm trên 700 tỷ đồng. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực gắn bó, nuôi sống và giúp hàng nghìn hộ nông dân của huyện vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.

Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ dân địa phương

Theo đó, cây quế được phân bố ở tất cả các xã,thị trấn trên địa bàn toàn huyện, trong đó diện tích quế trồng tập trung là 25.357 ha đã được xác lập chỉ dẫn địa lý và cho sản phẩm nằm ở 8 xã khu vực hữu ngạn sông Hồng, bao gồm các xã: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn và Mỏ Vàng.

Trà quế, tinh dầu quế và các sản phẩm quế Văn Yên được người tiêu dung Thủ đô hân hoan đón nhận tại BigC Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: P. Quỳnh

Ngoài ra, toàn huyện còn có trên 4.000 ha diện tích cây quế hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ. Đây là vùng nguyên liệu của Công ty Hương gia vị Sơn Hà (2.500 ha), Công ty Olam Việt Nam (1.071 ha), Công ty Vicimex (500 ha) – những doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm quế đang hoạt động có hiệu quả cao tại huyện.

Được biết, hàng năm diện tích quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác của toàn huyện đạt từ 1.800- 2.000 ha/năm (năm 2020 đạt 2.509 ha), trong đó chủ yếu là trồng lại sau khai thác.

Để chủ động cây trồng mới hàng năm, hiện trên địa bàn huyện có trên 200 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống quế; trong đó có 03 HTX sản xuất, kinh doanh giống quế, còn lại là sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Hàng năm gieo ươm trên 50 triệu cây giống quế cung ứng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh thăm cơ sở thu mua chế biến quế

Với tổng sản lượng vỏ quế khai thác hàng năm đạt trên 6.500 tấn, sản xuất lá quế trung bình 65.000 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt 50.800 m3/năm cộng thêm hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế (bào, gọt, thái, quế kẹp số 3, quế khâu, quế chẻ v.v.) sản phẩm vỏ quế trên địa bàn và 11 nhà máy sản xuất chưng cất tinh dầu quế cho sản lượng dầu đạt 300 tấn/năm đã mang lại thu nhập cho bà con toàn huyện hơn 700 tỷ đồng mỗi năm, riêng năm 2020 là 741 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gỗ quế được dùng phổ biến trên thị trường để làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn, ván bóc, ván thanh, làm cây chống cốt pha trong xây dựng... Do vậy, trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ gỗ quế trên thị trường khá cao. Toàn huyện có 9 Hợp tác xã và trên 100 cơ sở chế biến gỗ quế đạt sản lượng 50.800 m3/năm, mở ra hướng phát triển mới nhiều tiềm năng cho người dân trồng và chế biến gỗ quế của huyện.

Đáng chú ý, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế, tinh dầu, gỗ quế rất đa dạng và phong phú với trên 20 loại như hộp quà quế, túi thơm, tinh dầu treo xe, lọ tăm, lọ hoa, lọ trà, đèn ngủ, tranh quế, ấm chén quế, điếu quế... cũng như các sản phẩm chế biến tiểu thủ công nghiệp từ quế như trà quế, hương nhang quế, nước lau sàn, rửa chén từ quế... đã nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hướng tới sự khác biệt, an toàn của khách hàng.

Vườn ươm quế giống tại thị trấn Mậu A đảm bảo đủ cung ứng cây giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh

Đến nay, các sản phẩm từ quế của huyện đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Băng La Đét, Ai Cập, Du Bai, Sing Ga Po, Mỹ, Anh, Hà Lan, Nga .v.v.

Theo thông tin từ Ủy ban nhân huyện Văn Yên, có trên 25.000 hộ dân (bằng 80% số hộ trong toàn huyện) trồng quế và coi cây quế là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ nhiều năm nay, cây quế đã góp phần quan trọng giúp hàng nghìn hộ bà con nông dân huyện Văn Yên nhất là các gia đình nông thôn vùng sâu, vùng xa của huyện cải thiện thu nhập rõ rệt, thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Một minh chứng tiêu biểu cho điều đó là tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện (xét theo tiêu chí cũ) năm 2017 là 7.678 hộ = 22,89%, nhưng đến năm 2022 chỉ còn 865 hộ = 2,34%. Chỉ trong 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm gần 10 lần – một kết quả thật đáng ngưỡng mộ.

Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc quế

8 sản phẩm từ quế được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, năm nào huyện Văn Yên cũng tổ chức Lễ hội quế gắn với quảng bá sản phẩm quế đến khách hàng, du khách trong và ngoài huyện, từng bước nâng cao giá trị cho cây quế. Đặc biệt, UBND huyện đã phối hợp với tổ chức phát triển Hà Lan thực hiện dự án “Gia vị cuộc sống” nhằm thúc đẩy liên kết thị trường trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế, theo đó đã có 24 nhóm hộ ở 12 xã với 1.152 hộ tham gia được thành lập.

Bà con xã Viễn Sơn phấn khởi chăm sóc bảo vệ đồi quế - cây trồng chủ lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo và làm giàu

Đến nay, huyện Văn Yên đã có 8 sản phẩm từ quế được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, và hiện đang xây dựng sản phẩm quế hữu cơ đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Trên địa bàn huyện hiện có 2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh với rất nhiều sản phẩm về quế.

Năm 2010, huyện Văn Yên đã hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên cho 8 xã vùng quế, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận; và Chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Thái Lan công nhận. Năm 2020 huyện đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quế trên địa bàn và đã được công nhận. Đồng thời, huyện đang triển khai xây dựng đề án bảo tồn cây quế giống và diện tích quế tập trung với 90 cây quế trội làm giống và 14,5 ha quế tập trung phục vụ du lịch sinh thái.

Cũng theo UBND huyện Văn Yên, cây quế là cây trồng có từ lâu đời gắn liền với truyền thống, tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, nhất là dân tộc Dao đỏ. Đây là cây trồng đa lợi ích, giá trị kinh tế cao, hiện nay nhu cầu thị trường các sản phẩm quế tương đối ổn định. Cây quế đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu và đã trở thành cây trồng chủ lực trong ngành nông nghiệp của huyện.

Niềm vui mùa thu hoạch quế

Do xác định cây quế là cây trồng chủ lực, nên huyện Văn Yên đặt mục tiêu phát triển diện tích cây quế đến năm 2025 đạt từ 60.000 ha trở lên, trong đó vùng trồng quế tập trung trên 25.000 ha tập trung tại các xã vùng chỉ dẫn địa lý của cây quế Văn Yên. Đồng thời, phát triển sản xuất quế theo hướng bền vững tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Văn Yên vào các thị trường phát triển như châu âu, Mỹ, Nhật Bản.

Với lợi thế có vùng nguyên liệu lớn dẫn đầu cả nước, giao thông thuận tiện, và chính sách ưu tiên gắn trồng quế với phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây quế, huyện Văn Yên đang chú trọng mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vao đầu tư chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp trong đó có sản phẩm quế, theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của quế./.

Bài: Phạm Quỳnh

Ảnh: Tùng Lâm

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam