Yên Bái phấn đấu đưa lên sàn thương mại điện tử 100% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

Thời sự, Xã hội | 10:33:00 26/05/2022

TNV - Với mục đích hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ chức hợp tác (sau đây gọi chung là hộ SXNN) đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản trong thời gian cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn và Voso.vn.

Cán bộ ngành Bưu điện tỉnh Yên Bái xuống cơ sở hỗ trợ bà con đưa sản phẩm Cam Lục Yên lên sàn thương mại điện tử

Thiết lập 10.000 tài khoản hoạt động trên sàn TMĐT

Theo đó, Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp,nông thôn trên địa bàn tỉnh, do UBND tỉnh Yên Bái ban hành tháng 4/2022 cho biết:100% hộ SXNN lên sàn TMĐT đều được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn TMĐT; đồng thời, thiết lập 10.000 tài khoản hoạt động trên sàn TMĐT, gồm tài khoản mua và bán có một trong các hoạt động: Đăng bán sản phẩm, tìm kiếm sản phẩm, trao đổi thông tin, giao dịch mua bán nhằm thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn.

Ngoài ra, tham gia sàn TMĐT và nền tảng số, các hộ SXNN sẽ được cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, thức ăn, phân bón,... Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng lựa chọn đưa lên các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ SXNN.

Để triển khai Kế hoạch trên, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu việc lựa chọn các hộ SXNN có các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, hữu cơ, xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh để đưa lên sàn TMĐT nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT.

Hướng dẫn các hộ SXNN đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm Chè Suối Giàng lên sàn TMĐT.

Cùng với đó là hướng dẫn, đào tạo các hộ SXNN về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT và đăng ký, sử dụng thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch; hướng dẫn về quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận sản phẩm khi tham gia các sàn TMĐT.

Mặt khác, hỗ trợ hộ SXNN quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT và các kênh phân phối của Bưu điện tỉnh Yên Bái, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái; Cung cấp thông tin các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn TMĐT.

Đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng

Tỉnh Yên Bái giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp triển khai Kế hoạch. Định kỳ ngày 25 hằng tháng, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh.Từ năm 2023, căn cứ kết quả triển khai thực hiện, chủ động xây dựng Kế hoạch để tiếp tục hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì tổng hợp, chuẩn hoá danh sách các hộ SXNN trên địa bàn tỉnh (trên cơ sở danh sách của các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp), gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh Yên Bái, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái thực hiện việc số hóa dữ liệu hộ SXNN lên sàn TMĐT, hoàn thành trong tháng 4/2022.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh để thực hiện việc hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT, đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch.Phối hợp với các sàn TMĐT xây dựng quy trình chuẩn (quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói) để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đáp ứng chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.

Về phía Sở Công Thương, có nhiệm vụ cung cấp thông tin về dự báo thị trường đối với các sản phấm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ trì, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến các tỉnh, thành phố trên cả nước; tìm kiếm nguồn tiêu thụ ổn định cho nông sản của tỉnh.Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp, hỗ trợ Bưu điện tỉnh Yên Bái, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái giới thiệu các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh trên sàn TMĐT.

Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Thu thập, xây dựng danh sách, chuẩn hóa thông tin hộ SXNN tại địa phương gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trước ngày 15/4/2022.Phối hợp với Bưu điện tỉnh Yên Bái, Bưu chính Viettel Yên Bái hướng dẫn, vận động hộ SXNN đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho hộ SXNN; hỗ trợ kết nối hộ SXNN với sàn TMĐT để hướng dẫn tham gia giao dịch trên sàn TMĐT.

Ngoài ra, cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; thông tin, hỗ trợ xác nhận khung giá thu mua sản phẩm nông sản ổn định; xác nhận chủng loại và phẩm cấp sản phẩm nông sản cho các sàn TMĐTử.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

Đối với Tỉnh đoàn Yên Bái: Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên về mục đích, ý nghĩa của chương trình hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.Phối hợp chỉ đạo, các cơ sở Đoàn chủ động, đoàn viên thanh niên tích cực tham gia và là nòng cốt trong các hoạt động hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT thông qua việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên môi trường số cho các hộ SXNN; xây dựng mô hình đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giỏi.

Hỗ trợ hộ sản xuất cá sấy hồ Thác Bà giới thiệu sản phẩm lên sàn TMĐT

Hội Nông dân tỉnh và Liên minh hợp tác xã tỉnh thì tuyên truyền, phổ biến, vận động các hội viên, các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia kế hoạch; tổ chức đào tạo, tập huấn các kỹ năng số và kỹ năng kinh doanh trên môi trường số, hỗ trợ tạo gian hàng trên các sàn TMĐT cho hội viên.Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch…

Về phía Bưu điện tỉnh Yên Bái và Bưu chính Viettel Yên Bái, Kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ: Đảm bảo về nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ đáp ứng năng lực vận hành của sàn TMĐT phục vụ các hộ SXNN tham gia giao dịch trên sàn TMĐT. Thực hiện việc sốhóa dữ liệu thông tin hộ SXNN.Xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ SXNN đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT bằng nhiều hình thức khác nhau.Đào tạo, hướng dẫn các hộ SXNN về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT.

Đồng thời, Bưu điện tỉnh Yên Bái và Bưu chính Viettel Yên Bái còn có nhiệm vụ:Xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận cho hộ SXNN trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; thống nhất cách thức đóng gói, bảo quản, giao - nhận, bán hàng.Triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên sàn TMĐT để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy của khách hàngkhi mua sản phẩm nông sản của tỉnh.Nghiên cứu phương án, xây dựng mô hình vận hành sàn TMĐT theo thương mại số, triển khai mô hình sàn trong sàn cho phép phục vụ các cụm dân cư, xã, huyện hoặc các cộng đồng, tập khách hàng riêng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nông nghiệp, nông thôn và tối ưu hóa khả năng vận hành của sàn TMĐT – UBND tỉnh nhấn mạnh./.

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam