Chiến tranh Nga - Ukraine chuyển đổi mạnh không gian hậu Xô viết sau 100 ngày

Thời sự, Thế giới | 09:07:00 03/06/2022

Nga và Ukraine đều từng thuộc Liên Xô. Cuộc chiến tranh hiện nay giữa 2 nước đang có tác động mạnh lên khu vực từng là Liên Xô trước đây, làm chuyển hóa các mối quan hệ giữa các nước trong không gian hậu Xô viết cũng như xã hội, chính trị của từng nước.

Cuộc chiến tranh hiện vẫn diễn ra ở Ukraine đang chia rẽ khu vực Liên Xô cũ, khiến nơi này nghèo hơn và bất ổn hơn. Cuộc chiến này có khả năng đang chuyển đổi các nước hậu Xô viết theo 3 hướng sau đây:

Ảnh minh họa về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, đứng đầu mỗi bên là Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky. Nguồn: AP.

1- Thay đổi địa chính trị

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang thay đổi địa chính trị của khu vực. Các nước Baltic, gồm Estonia, Latvia, và Litva, đã là thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU). Nay khi chiến sự Ukraine đã bước sang tháng thứ 4, họ củng cố thêm quan điểm bài Nga và gia tăng bản sắc dân tộc.

Gruzia và Moldova quan tâm hơn đến việc gia nhập đầy đủ các tổ chức phương Tây nhưng cũng đi dây cẩn thận để tránh khiêu khích Nga. Còn Belarus là đồng minh mạnh nhất của Nga, nước này hỗ trợ Nga rất nhiều trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine.

Các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô như Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đều gần như lặng thinh về cuộc chiến đó. Họ không ủng hộ cuộc chiến nhưng cũng không phản đối mạnh mẽ Tổng thống Putin. Họ bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu lên án Nga.

Các nước này không công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine. Nhưng họ cũng không gửi cho ông Putin binh lính và thiết bị quân sự. Thực tế, không có tổng thống nào của khu vực này đến dự cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II.

Các nước từng thuộc Liên Xô thành thạo trong việc cân bằng giữa phương Tây và Nga, họ cũng không ủng hộ hay lẩn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và đôi lúc cảnh giác với vai trò quân sự của khối NATO ở Đông Âu. Chiến tranh càng kéo dài thì một số nước càng đối mặt với áp lực chọn bên.

2- Các quốc gia bị nghèo đi

Các nước hậu Xô viết đang trở nên nghèo hơn. Chiến tranh gây hại cho các nền kinh tế có sự kết nối trong khu vực. Ukraine đã mất tới 45% GDP của mình. Thương mại ngừng lại, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, và các cảng của Ukraine ở Biển Đen bị phong tỏa.

Quá trình sản xuất nông nghiệp tại Ukraine bị ảnh hưởng mạnh do chiến tranh.

Trong khi ấy, các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp chống đỡ không chỉ gây tổn thương cho nước Nga và người Nga. Trong khu vực Xô viết cũ, lạm phát gia tăng, chi phí cho lương thực và nhiên liệu tăng vọt.

Những nước phụ thuộc nhất vào Nga, như Tajikistan và Kyrgyzstan, có thể chịu thiệt hại nặng do tình trạng suy giảm kiều hối của công dân các nước này làm việc ở Nga gửi về quê.

Các dự án cơ sở hạ tầng khu vực thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường, như các tuyến đường sắt, hiện tạm ngưng. Dễ hiểu là điều này sẽ có tác động tiêu cực lên thương mại, du lịch và đầu tư.

3- Tâm lý bất mãn gia tăng

Chiến tranh đang thúc đẩy các thay đổi xã hội và chính trị. Những người biểu tình ở Gruzia và Kazakhstan đang kêu gọi chính phủ của mình phải lựa chọn quan điểm thân Ukraine hơn nữa.

Trong khu vực này, các tổ chức xã hội dân sự đã tập hợp lực lượng để gửi viện trợ nhân đạo. Các tình nguyện viên và lính đánh thuê từ Gruzia và các nơi khác đã sang Ukraine tham chiến.

Lượng lớn người tị nạn Ukraine đã di tản sang Moldova, Belarus và Gruzia. Một bộ phận nhỏ hơn người Nga rời bỏ Nga sang Gruzia, Tajikistan và nơi khác do họ phản đối chiến tranh, do tác động của lệnh trừng phạt của phương Tây, và do các yếu tố khác.

Hậu quả đối với nước Nga

Các thay đổi đối với vai trò của nước Nga trong khu vực phụ thuộc vào thời điểm và cách thức cuộc chiến này kết thúc, các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Các sự kiện hiện nay cho thấy một số xu hướng như sau:

Thứ nhất, nền kinh tế Nga ít nhiều bị ảnh hưởng do cuộc chiến và sẽ được tái định hướng sang phía Đông. Ảnh hưởng của Nga ở biên giới phía Tây sẽ giảm đi so với trước. Giấc mơ của Tổng thống Putin về xây dựng một tổ chức kinh tế khu vực (Liên minh Kinh tế Á-Âu) sẽ khó trụ vững nếu khối này không tạo ra được tăng trưởng.

Các nước nào đối mặt với các thách thức kinh tế và xã hội, đồng thời phụ thuộc vào thương mại Nga và các tuyến đường trung chuyển, có thể duy trì quan hệ với Nga. Các quốc gia Trung Á sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách đa vector, nói cách khác là các mối quan hệ cân bằng và thực dụng, với cả các nước châu Âu và châu Á.

Nga sẽ nhìn xa hơn về phía Đông, sang Trung Quốc và Ấn Độ, để tìm kiếm thị trường và các đối tác thương mại nhằm bán năng lượng. Về dài hạn, một nước Nga bị suy yếu sau xung đột, bị phương Tây cô lập, có thể sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc hơn nữa.

Ngoài ra, Nga sẽ tập trung vào các liên kết chính trị khu vực phi phương Tây. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải bao gồm Nga, 4 quốc gia Trung Á, Trung Quốc, Ấn Độ, và Pakistan. Iran cũng đang xin gia nhập tổ chức này.

Các nước nói trên đều tỏ ra lưỡng lự khi chịu sức ép phải chỉ trích Nga trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Họ ủng hộ trật tự đa cực – một bối cảnh địa chính trị có một số cường quốc tự cân bằng lấy nhau, và chỉ trích chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, phản đối tiêu chuẩn kép.

Trung Quốc muốn ổn định để phát triển kinh tế và nói chung tránh các tranh cãi. Tuy nhiên, họ không muốn phải chứng kiến Nga sụp đổ. Ấn Độ thì phụ thuộc vào vũ khí, dầu khí giảm giá và phân bón do Nga cung cấp.

Vị thế quân sự của Nga trong không gian hậu Xô viết

Nga vẫn sẽ là bên bảo đảm an ninh cho khu vực này. Các điểm yếu quân sự của Nga đã bộc lộ trong cuộc chiến Ukraine vừa qua nhưng binh sĩ Nga vẫn đóng tại những nơi mà xung đột tạm thời bị đóng băng như Moldova và Gruzia – các nước này đều bày tỏ khát khao được theo đuổi các lý tưởng phương Tây.

Bên cạnh đó, Nga còn duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở Armenia và Azerbaijan.

Về phía Đông, Nga duy trì căn cứ ở Tajjikistan và Kyrgyzstan, gần đất nước Afghanistan do Taliban kiểm soát và đang bị nạn đói hoành hành sau khi Mỹ rút quân khỏi đây.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) là một cơ chế mà Nga có thể tận dụng để gây ảnh hưởng trong khu vực. Một tháng trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu, chính phủ Kazakhstan đã kêu gọi CSTO giúp sức để kiểm soát tình trạng biểu tình bạo động ở nước này. Và CSTO đã can thiệp hiệu quả./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: The Conversation

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam