Bơm tiền phục hồi kinh tế đừng nhỏ giọt, đợi “gục” rồi mới bơm tiếp

Bất động sản | 07:05:49 30/06/2022

Với những nỗ lực của Chính phủ trong hỗ trợ khôi phục nền kinh tế, bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2022 đã có những tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đâu đó có những lo ngại khiến cho quá trình “bơm máu” vẫn còn chưa thực sự quyết liệt.

PGS.TS. Trần Đình Thiên.

Những bài học “tốc hành”

Nhận định tổng quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn khi nền kinh tế có độ mở cao, lệ thuộc vào nước ngoài rất nhiều như Mỹ, Trung Quốc…

“Chúng ta đang chịu ảnh hưởng từ bên ngoài rất nhiều trong bối cảnh thực lực chưa mạnh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Việt Nam dù có trình độ phát triển thấp, sức cạnh tranh yếu nhưng vẫn có thể trụ vững bởi có khát vọng trỗi dậy mạnh mẽ”, ông Thiên đánh giá.

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể làm gì trước những thách thức đó?

Để trả lời vấn đề này, ông Thiên phân tích, một thế giới toàn cầu hóa với nhiều rủi ro, tai họa trên toàn tuyến như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế - y tế… đang diễn ra mạnh mẽ, và khi những rủi ro, tai họa đó cộng hưởng sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn.

Thế giới đã có một năm rơi xuống -5% GDP toàn cầu. Đây là “cú ngã” mạnh nhất từ trước tới nay. Nhưng thế giới cũng đứng dậy mạnh mẽ ngay sau đó khi chuyển dịch cấu trúc phát triển toàn cầu với thời đại công nghệ mới, hệ thống kinh tế thị trường toàn cầu hiện đại và phát triển.

Không phải chỉ có tăng trưởng giảm đi, lạm phát tăng lên khiến rất khó để trở lại như bình thường.

Do vậy, theo ông, để có thể phát triển kịp với thế giới, Việt Nam phải nắm được những bài học “tốc hành”. Đó chính là bài học về toàn cầu hóa với rủi ro toàn cầu, hỗ trợ lẫn nhau, liên kết để cùng tồn tại. Còn một người nhiễm Covid, thế giới chưa an toàn.

Bài học về “luật chơi” là không nên tự cô lập mình. Bài học về “lợi thế đi sau” là sự tích cực phát triển kinh tế số và công nghệ cao để thoát khỏi rủi ro, tận dụng xu thế thời đại. Bài học chuẩn bị năng lực đón đầu xu thế.

Một thế giới bất thường mang đến nhiều thách thức, rủi ro khó lường và ngoài tầm kiểm soát.

“Việt Nam là một đất nước có nền tảng tốt, có đà phát triển, có khát vọng nên không thể để lãng phí cơ hội”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đứng lên khi thế giới loạng choạng

Theo dự báo từ các tổ chức quốc tế, tăng tưởng GDP 2022-2023 của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên theo thời gian trong khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp khó khăn với nỗi lo lạm phát.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết trong mấy năm qua Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt. Chưa bao giờ Chính phủ Việt Nam có năng lực kiểm soát ổn định vĩ mô và lạm phát tốt như bây giờ. Câu chuyện của chúng ta là tình thế bất thường phải xử sự theo nguyên tắc khác thường.

“Tôi đề nghị việc bơm tiền vẫn phải tiếp tục, những khả năng nào để kéo lạm phát chi phí đẩy xuống phải tung ra hết”, ông Thiên kiến nghị.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng hiện chúng ta vẫn theo tư duy tăng cường sức mạnh ngân sách hơn là củng cố các công cụ tăng trưởng.

Vốn đầu tư công hiện đang giải ngân rất chậm, trong khi vốn tư lại cực kỳ linh hoạt. Một nền kinh tế chỉ tăng trưởng 5% mà vốn tư lại tăng trưởng ghê gớm trong khi cùng một cơ chế.

Điều này đặt ra câu chuyện các dòng vốn quốc gia đang vận động lệch pha, đáng lẽ ra phải thúc vốn công thì lại chậm.

“Tôi cho rằng, thời gian tới, chúng ta không được sợ lạm phát, phải tin vào năng lực quốc gia, phải “bơm máu” cho nền kinh tế. Trong đó, dòng tiền vào bất động sản là vấn đề mấu chốt về mặt vĩ mô, không chỉ cứu ngành bất động sản mà còn tạo động lực cho nền kinh tế.

Tôi vẫn tin rằng phải tiếp tục câu chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tình thần phục hồi và phát triển, không phải rón rén, ngắt quãng, đợi “gục” rồi lại bơm tiếp”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Thiên cho rằng việc "bơm máu" cho nền kinh tế không nên ngắt quãng, nhỏ giọt. 

Cũng theo ông Thiên, Chính phủ hiện đang thực hiện chương trình “Phục hồi và Phát triển”. Trong khi các nước chỉ đang định hướng phục hồi thì Việt Nam lại đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn.

Để có thể thực hiện được mục tiêu này, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ cho rằng chúng ta cần cải cách, thay đổi cơ chế thật quyết liệt.

Sau những thiệt hại, những điểm yếu điểm kém trong cách quản lý điều hành đã lộ dần, có thể kể đến là sự chậm chạp trong quá trình giải ngân đầu tư công. Việc đầu tư công càng chậm thì nền kinh tế đất nước càng “chảy máu”.

“Chúng ta phải nhân cơ hội thế giới đang loạng choạng mà đứng lên nhanh hơn, vững vàng hơn. Không chỉ có khát vọng mà còn phải có tầm nhìn”, ông Thiên phát biểu.

Theo ông Thiên, hai năm vừa rồi, Việt Nam trụ hạng rất tốt, nhưng vẫn có hai bài học cần rút ra.

Thứ nhất là Chính phủ phải có bản lĩnh, phải biết lựa chọn các chính sách linh hoạt, không nên thay đổi quá nhiều mà cũng không nên duy trì một chính sách cứng nhắc mãi.

Vậy nên việc điều hành cần có bản lĩnh và năng lực, “Dĩ bất biến – ứng vạn biến”, cần linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt hành động.

Thứ hai là phải chống dịch không được gây đứt chuỗi kinh tế. Cần duy trì dòng tiền, dòng lao động và dòng hàng hóa, không để đứt gẫy chuỗi nền kinh tế thị trường.

Hiện tại, kinh tế Việt Nam có hai khu vực chính: FDI và Nội địa. Trong khi FDI phục hồi tốt hơn thì nền kinh tế nội địa lại chững lại cần được hỗ trợ nhiều hơn.

“Những nguy cơ của việc phục hồi kinh tế không cần bằng là rất lớn, sức ảnh hưởng rộng và thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của việc phục hồi không cân bằng đó”, ông Thiên cảnh báo.

Tâm An

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam