Nội thất của Mazda3 dễ dùng và ít gây mất tập trung cho người lái nhất

Ô tô - Xe máy, Công nghệ | 22:15:42 08/08/2022

Việc chỉnh điều hòa, chỉnh đèn, cần gạt nước và bật đèn cảnh báo nguy hiểm của Mazda3 đều được đánh giá là dễ dùng, không gây mất tập trung cho người lái.

Màn hình cảm ứng hiện là một trong những trang bị không thể thiếu của ô tô đời mới. Đã qua rồi cái thời người lái phải bấm từng nút, xoay từng núm hay gạt những chiếc cần để điều khiển một tính năng trong xe hơi. Ô tô hiện đại ngày nay có quá nhiều tính năng nên không thể bật/tắt với từng nút bấm.

Có thể nói, Tesla là hãng đã mở đầu cho phong trào thay thế các nút bấm cơ học bằng màn hình cảm ứng. Công ty công nghệ đến từ thung lũng Silicon là nhà sản xuất ô tô đầu tiên dám loại bỏ phần lớn các nút bấm bên trong khoang lái của xe hơi. Trừ nút bấm của đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard) trên trần xe, toàn bộ các tính năng của ô tô Tesla đều được tích hợp vào màn hình trung tâm nằm dọc trên cụm điều khiển như một máy tính bảng cỡ lớn.

Kể từ đó, ngày càng có nhiều hãng xe thử nghiệm các giải pháp liên quan đến màn hình. Tuy nhiên, điều này làm nảy sinh vấn đề là người lái không thể chỉnh các tính năng của xe theo trực giác, tức là chẳng cần nhìn cũng làm được. Thay vào đó, người lái phải nhìn vào màn hình và không thể quan sát đường phía trước. Tìm kiếm các tính năng trên danh mục của màn hình thường khiến người lái mất khá nhiều thời gian và gây xao nhãng một cách nguy hiểm. Điều này đã được chứng minh qua quá trình thử nghiệm 6 chiếc xe của Allgemeiner Deutscher Automobil-Club (ADAC) - câu lạc bộ xe hơi lớn nhất châu Âu.

Kết hợp với trường Đại học Khoa học Ứng dụng Augsburg của Đức, ADAC đã thử nghiệm 6 chiếc xe gồm BMW 1-Series, Mazda3, Mercedes-Benz A-Class, Dacia Duster, Tesla Model 3 và Volkswagen Golf. Trong thử nghiệm này, 6 chiếc ô tô đã được so sánh về nguy cơ gây mất tập trung cho người lái khi sử dụng các tính năng trên xe.

6 chiếc xe tham gia thử nghiệm của ADAC

6 chiếc xe tham gia thử nghiệm của ADAC về nội thất ô tô gây mất tập trung cho người lái

Trong số đó, có 3 mẫu xe được trang bị màn hình cảm ứng là Dacia Duster, Tesla Model 3 và Volkswagen Golf. 2 mẫu xe BMW 1-Series và Mazda3 được trang bị núm xoay chỉnh hệ thống thông tin giải trí. Riêng Mercedes-Benz A-Class được trang bị bàn cảm ứng. Trên thực tế, BMW 1-Series và Mercedes-Benz A-Class có thể chỉnh hệ thống thông tin giải trí qua màn hình cảm ứng nhưng tính năng này không được sử dụng trong thử nghiệm của ADAC.

Có tổng cộng 24 người tham gia vào quá trình lái thử 6 chiếc ô tô kể trên. Người lái sẽ sử dụng nhiều tính năng trên xe trong lúc chạy ở vận tốc dao động từ 40 - 50 km/h. Các thử nghiệm chủ yếu tập trung vào những tác vụ thường sử dụng hàng ngày hoặc liên quan đến an toàn, ví dụ như bật đèn chiếu gần, chỉnh nhiệt độ hoặc điền địa điểm vào hệ thống định vị. Các tác vụ liên quan đến an toàn sẽ chiếm 50% điểm số đánh giá; 30% điểm số thuộc về các tác vụ điều hòa; và 20% là các tác vụ liên quan đến hệ thống thông tin giải trí.

Kết quả, Mazda3 là mẫu xe ít gây mất tập trung cho người lái nhất trong khi Tesla Model 3 xếp ở vị trí cuối bảng. Điều ngạc nhiên là mẫu xe giá rẻ Dacia Duster có điểm số cao hơn Mercedes-Benz A-Class. BMW 1-Series đứng đầu về các tác vụ liên quan đến an toàn nhưng hệ thống thông tin giải trí lại gây thất vọng.

Sau đây là đánh giá cụ thể về 6 mẫu xe kể trên trong quá trình thử nghiệm, xếp theo thứ tự điểm số đánh giá từ cao đến thấp.

1. Mazda3

Hệ thống định vị và thông tin giải trí của Mazda3 được chỉnh qua núm xoay trên cụm điều khiển trung tâm. Trong khi đó, điều hòa lại được chỉnh bằng cách thông thường là dùng các nút bấm và núm xoay riêng nên vừa nhanh vừa dễ dàng. Việc chỉnh đèn, cần gạt nước và bật đèn cảnh báo nguy hiểm của Mazda3 cũng không gây khó khăn cho người dùng vì hãng Mazda đã bố trí lẫy gạt cũng như nút bấm ở những nơi quen thuộc.

Nội thất của Mazda3 được đánh giá là dễ dùng và ít gây mất tập trung cho người lái nhất

Nội thất của Mazda3 dễ dùng và ít gây mất tập trung cho người lái nhất

Tuy nhiên, những người tham gia thử nghiệm lại khó làm quen với việc chỉnh hệ thống định vị và đàm thoại bằng núm xoay. Việc điền địa điểm vào hệ thống định vị hoặc dừng hướng dẫn tuyến đường khiến người lái mất nhiều công sức và đòi hỏi sự tập trung.

2. BMW 1-Series

Tương tự Mazda3, những tính năng không dùng núm xoay trên cụm điều khiển trung tâm của BMW 1-Series đều dễ dùng, từ điều hòa, hệ thống đèn, cần gạt nước đến đèn cảnh báo nguy hiểm. Trong khi đó, hệ thống định vị, tính năng đàm thoại và ngay cả việc mở radio bằng núm xoay này lại khiến người lái mất nhiều thời gian. Ngoài núm xoay, người lái có thể chỉnh các tính năng của xe thông qua màn hình cảm ứng.

Nội thất của BMW 1-Series

Nội thất của BMW 1-Series

3. Volkswagen Golf

Xét về thời gian chỉnh các tính năng an toàn ngắn nhất, Volkswagen Golf đứng đầu trong thử nghiệm của ADAC. Lẫy gạt chỉnh cần gạt nước và nút bật đèn cảnh báo nguy hiểm của xe đều có thiết kế bình thường nên dễ sử dụng. Các nút cảm ứng để chỉnh đèn ở góc mặt táp-lô được đánh giá là dễ hiểu và dễ dùng. Bên cạnh đó là màn hình cảm ứng trung tâm đặt cao, nghiêng về phía người lái và có cấu trúc danh mục dễ hiểu nên việc chỉnh các tác vụ của hệ thống thông tin giải trí cũng không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hệ thống thông tin giải trí của xe đôi khi phản ứng chậm, dẫn đến chỉnh sai.

Nội thất của Volkswagen Golf

Nội thất của Volkswagen Golf

Nếu nói về chỉnh điều hòa, phần lớn được thực hiện qua màn hình cảm ứng, thì Volkswagen Golf là tệ nhất. Việc chỉnh nhiệt độ bằng thanh trượt gây ra một số rắc rối cho người lái. Ngoài ra, thanh trượt này còn không có đèn nền nên vô dụng vào ban đêm.

4. Dacia Duster

Ở phiên bản Prestige, Dacia Duster được trang bị màn hình thông tin giải trí dạng cảm ứng 8 inch với cấu trúc danh mục rõ ràng. Tuy nhiên, màn hình này thiếu tính năng vuốt và cuộn nên vẫn bị đánh giá là khó dùng.

Việc chỉnh điều hòa khá dễ dàng nhờ các nút bấm lớn và đi kèm biểu tượng dễ hiểu. 3 núm xoay bên dưới cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nội thất của Dacia Duster

Nội thất của Dacia Duster

Trong khi đó, bật đèn cảnh báo nguy hiểm và cần gạt nước không gây ra vấn đề gì cho người lái. Thế nhưng, xe mất quá nhiều thời gian để bật đèn chiếu gần và đèn sương mù phía sau vì núm xoay trên lẫy gạt bị vô lăng che khuất.

5. Mercedes-Benz A-Class

Mercedes-Benz A-Class được trang bị bàn cảm ứng để chỉnh hệ thống thông tin giải trí với phương thức hoạt động tương tự máy tính xách tay. Nếu không muốn dùng bàn cảm ứng này, người lái có thể chỉnh trực tiếp trên màn hình cảm ứng của xe. Ngoài ra, Mercedes-Benz A-Class còn có nút chỉnh điều hòa riêng.

Nội thất của Mercedes-Benz A-Class

Nội thất của Mercedes-Benz A-Class

Theo những người tham gia thử nghiệm của ADAC, bàn cảm ứng của Mercedes-Benz A-Class phản ứng nhạy khi xác nhận hoặc chọn một tính năng. Thế nhưng, người lái thường xuyên bị nhầm khi chỉnh hệ thống định vị bằng bàn cảm ứng này, dẫn đến mất tập trung. Việc tìm kiếm kênh radio cũng rất mệt mỏi. Ngoài ra, người lái còn mất nhiều thời gian để chỉnh điều hòa. Nguyên nhân là do bảng điều khiển điều hòa nằm khá xa trên màn hình và đi kèm biểu tượng nhỏ, khó nhìn. Ngay cả việc chỉnh cần gạt nước bằng núm xoay trên lẫy gạt sau vô lăng cũng khiến người lái phải mất thời gian làm quen.

6. Tesla Model 3

Như đã nhắc ở trên, bên trong Tesla Model 3 chỉ có 1 nút bấm duy nhất của đèn cảnh báo nguy hiểm, nằm trên trần xe. Điều này có thể gây nguy cơ mất an toàn cho những người lần đầu hoặc hiếm khi sử dụng xe Tesla.

Sự biến mất của các nút bấm và lẫy gạt để chỉnh đèn pha, đèn sương mù sau hay cần gạt nước khiến người lái mất nhiều thời gian để chỉnh các tính năng này. Điều đó đồng nghĩa với những giây phút xao nhãng đầy nguy hiểm.

Nội thất của Tesla Model 3

Nội thất của Tesla Model 3

Bù lại, nếu xét về việc chỉnh hệ thống thông tin giải trí thì Tesla Model 3 lại đứng đầu trong 6 mẫu xe thử nghiệm nhờ màn hình cỡ lớn và rất nhạy. Việc chỉnh hệ thống định vị, radio và đàm thoại (trừ nhận cuộc gọi) của Tesla Model 3 cũng ít gây xao nhãng cho người lái nhất.

Nút bấm hay màn hình cảm ứng?

Qua nghiên cứu trên, ADAC cho rằng nội thất của ô tô nên kết hợp cả nút bấm và màn hình cảm ứng. Trong đó, nút bấm, lẫy gạt dùng cho những tính năng thường xuyên sử dụng (ví dụ như sưởi ghế, chỉnh điều hòa) và các tính năng liên quan đến an toàn (cần gạt nước, đèn pha) để người lái ít bị mất tập trung.

Thêm vào đó, các nhà sản xuất xe nên tiêu chuẩn hóa những tính năng cơ bản, ví dụ như đặt đèn cảnh báo nguy hiểm ở giữa mặt táp-lô hoặc lẫy gạt chỉnh cần gạt nước nằm bên phải cột vô lăng, để đảm bảo ngay cả những người dùng không quen với xe cũng có thể vận hành một cách an toàn.

Với những tính năng thông tin giải trí (bao gồm đa phương tiện, định vị, liên lạc), màn hình cảm ứng sẽ khiến người dùng ít bị xao nhãng hơn núm xoay hay bàn cảm ứng. Trong khi đó, ra lệnh bằng giọng nói chỉ nên được xem như tính năng hỗ trợ chứ không thể thay thế một hệ thống vận hành dễ hiểu trên xe.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam