Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

Thời sự, Chính trị | 14:38:00 06/10/2022

TNV - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hệ thống tư tưởng của Người được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những tư tưởng đó hình thành và được lịch sử kiểm nghiệm, minh chứng một cách sinh động. Để có được hệ thống những tư tưởng, cùng những giá trị thực tiễn đó là quá trình Người phải bôn ba hơn ba mươi năm qua các châu lục nhằm tìm kiếm con đường cứu nước cho dân tộc mình. Trong chặng đường gian lao ấy, Hồ Chí Minh học tập, nghiên cứu, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng, phát triển một cách sáng tạo vào thực tiễn, đưa lịch sử cách mạng Việt Nam bước sang trang mới, lập lên những thắng lợi vĩ đại.

Trong suốt những năm tháng hoạt động sôi nổi, gian khổ, dũng cảm, Hồ Chí Minh đã tích cực nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạnh Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, xác định đúng đắn con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Dưới chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam chịu cảnh áp bức, bóc lột nặng nề, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than. Không chịu khuất phục trước cảnh nước mất nhà tan và cũng không đi theo những vết xe đổ của các bậc tiền bối. Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đi nhiều nước, làm nhiều nghề khác nhau, vừa nghiên cứu, vừa học tập một cách độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Trải qua cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu lý luận và nhất là qua thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú đã làm giàu văn hóa, mở rộng tầm nhìn và nâng cao trí tuệ của Hồ Chí Minh. Người đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc và con người không chỉ là nhu cầu cấp thiết của dân tộc Việt Nam mà là đòi hỏi của các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Với nhãn quan chính trị nhạy bén, nhận rõ tính chất thời đại mới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga và xu thế phát triển của nhân loại, đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản và là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Tư tưởng đó thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử xã hội Việt Nam: “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”.

Thứ hai, vận dụng và giải quyết sáng tạo vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Cuộc hành trình qua nhiều nước vào những năm đầu thế kỷ XX giúp Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, phải có được quan hệ hợp tác giúp đỡ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa. Ngay từ năm 1921, Người khẳng định, thực dân, đế quốc là kẻ thù của nhân dân thuộc địa và cũng là kẻ thù của nhân dân lao động chính quốc. Bởi vậy, để chống lại kẻ thù chung, để giải phóng thân phận nô lệ và bị bóc lột, đòi hỏi sự đoàn kết liên minh chặt chẽ nhân dân lao động ở thuộc địa và chính quốc. Ðiểm mới và sâu sắc trong tư tưởng của Người là: Bọn đế quốc không chỉ áp bức bóc lột nhân dân các nước thuộc địa, mà còn thống trị nhân dân lao động và giai cấp vô sản chính quốc. Người đã ví chủ nghĩa đế quốc giống như “con đỉa hai vòi”. Người đã sớm nhìn thấy mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Người nhận thấy không những cách mạng vô sản ảnh hưởng đến cách mạng thuộc địa mà cách mạng thuộc địa cũng tác động đến cách mạng vô sản. Người còn đưa ra dự báo hết sức khoa học đó là cách mạng thuộc địa có thể thắng lợi trước: “Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải thực hiện liên minh chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở thuộc địa với giai cấp vô sản ở chính quốc.... Do đó, cách mạng thuộc địa không chỉ trông chờ vào kết quả của cách mạng vô sản ở chính quốc, hơn nữa cần phải chủ động và có thể giành thắng lợi trước, và bằng thắng lợi của mình sẽ góp phần vào sự nghiệp cách mạng ở chính quốc”. Dự báo đó đã trở thành định hướng, kim chỉ nam và được hiện thực hóa ở cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về thành lập chính đảng giai cấp vô sản.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh sớm nhận thức được vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, về sự cần thiết phải có Đảng Cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Vào những năm 20 thế kỷ XX, trong một số bài viết về V.I.Lênin, về Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản theo học thuyết Mác - Lênin ở các nước thuộc địa. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người nêu rõ: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Người khẳng định vấn đề có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng là: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Song, theo Người, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”, nhưng không được giáo điều, rập khuôn máy móc, mà phải hiểu bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết này để vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia, dân tộc, phải đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Trong điều kiện Việt Nam và các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng, tính chất Đảng Cộng sản không chỉ ở thành phần xuất thân từ công nhân hết thảy, mà là ý thức tư tưởng chính trị và theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa lạc hậu như Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sáng tạo trong việc kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp để thành lập Đảng Cộng sản. Nhân tố dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, nhân tố giai cấp là chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân.

Thứ tư, vận dụng và phát triển sáng tạo tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản.

Tiếp thu tinh thần nổi tiếng của C.Mác: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” và sau này được V.I.Lênin bổ sung: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình tìm đường cứu nước và hoạt động chính trị, Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều nước trên thế giới. Người đã chứng kiến cảnh cùng cực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời thấy rõ cảnh sống xa hoa của bọn tư sản. Thực tế sinh động đã giúp Người đồng cảm và nhận thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác. Người đi tới kết luận: “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Kết luận này cho thấy nhận thức của Người về ý thức dân tộc và ý thức giai cấp đã từ tầm nhìn quốc gia tới tầm nhìn quốc tế. Kết luận trên cũng là sự khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người lao khổ, cần lao trên thế giới, luôn gắn liền lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.

Như vậy, thông qua quá trình hoạt động tích cực không biết mệt mỏi, Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một hệ thống tư tưởng và thực tiễn hết sức sâu sắc, không chỉ góp phần to lớn quyết định vào những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chiến lược chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thiếu tá, ThS: Lê Thế Phong

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam