Quảng Ninh: Thu hút 03 dự án nuôi trồng thủy sản biển hiện đại kết hợp dịch vụ, du lịch trải nghiệm

Thời sự, Chính trị | 15:15:00 21/10/2022

TNV - Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 03 dự ánnuôi trồng thủy sản biển công nghiệp hiện đại, trong đó có 02 dự án kết hợp dịch vụ, du lịch trải nghiệmvới tổng trị giá đầu tư 250 tỷ đồng. Hiện các dự án Hiện đang trong quá trình đề xuất, lấy ý kiến thẩm định để triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2022 do UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì (Ảnh dùng để minh họa)

Theo đó, dự án Nuôi trồng thủy sản biển công nghiệp hiện đại kết hợp dịch vụ, du lịch trải nghiệm tại phường Cẩm Đông và phường Cẩm Thủy thành phố Cẩm Phả lớn nhất vớitổng kinh phí đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

Dự án này gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2022 – 2025 có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 118 ha, trong đó mặt đất là 01 ha tại khu vực cảng Vũng Đục và 05 ha mặt nước trước cảng thuộc phường Cẩm Đông; diện tích 112 ha mặt nước tại khu vực biển hòn Tổng Mười phường Cẩm Thủy để nuôi trồng thủy sản biển công nghiệp hiện đại kết hợp dịch vụ, du lịch trải nghiệm.

Giai đoạn 2: Sau năm 2025 dự án được mở rộng thêm 400 ha, nâng tổng diện tích dự án lên 518 ha; trong đó, tại khu vực hòn Tổng Mười phường Cẩm Thủy diện tích khoảng 229 ha và khu vực đảo Ông Cụ phường Cẩm Đông khoảng 171 ha mặt biển để nuôi trồng thuỷ sản kết hợp dịch vụ, du lịch trải nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản (Ảnh dùng để minh họa)

Được biết, giai đoạn 1 có quy mô đầu tư 38 lồng tròn mỗi lồng có đường kính từ 20m – 30m, độ sâu 7m và 250 giàn phao trồng rong biển (mỗi giàn dài 250m bao gồm 100 phao treo), 500 giàn phao nuôi hàu Thái Bình Dương (mỗi giàn dài 250m bao gồm 100 phao treo); sử dụng vật liệu lồng, phao nổi làm bằng HDPE đáp ứng quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi.

Ở giai đoạn này, công suất nuôi khoảng 6.000 tấn/năm; trong đó nhuyễn thể 2.500 tấn, rong biển2.500 tấn và 1.000 tấn cá biển. Dự kiến sản lượng thủy sản nuôi trồng sau khi đầu tư hoàn chỉnh cả giai đoạn 2 đạt 20.000 tấn/năm, trong đó: 7.500 tấn nhuyễn thể; 11.300 tấn rong biển; 500 tấn cá biển; 200 tấn bào ngư, sá sùng, hải sâm; hải sản nuôi khác là 500 tấn.

Kế đến là Dự án Nuôi trồng thủy sản biển hiện đại kết hợp dịch vụ, du lịch trải nghiệm tại Vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với tổng kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh làm việc với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thủy sản (Ảnh dùng để minh họa)

Dự án có quy mô 150 ha, được chia thành 02 phân khu, trong đó phân khu 01 diện tích 100 ha gồm 03 tổ hợp nuôi. Cụ thể: Tổ hợp 1 gồm 2 trại nuôi cá kết hợp nuôi rong biển, mỗi trại nuôi khoảng 16 lồng tròn, xen giữa các lồng nuôi cá là hệ thống lồng nuôi rong biển. Tổ hợp 2 cũng gồm 2 trại nuôi cá kết hợp nuôi rong biển, mỗi trại nuôi khoảng 16 lồng tròn, xen giữa các lồng nuôi cá là hệ thống lồng nuôi rong biển. Tổ hợp 3 là khu vực nuôi hầu Thái Bình Dương với diện tích khoảng 30 ha và số lượng 15 giàn dây treo, tương ứng với 360 dây.

Phân khu 02 có diện tích khoảng 50 ha, được thiết kế thành các khu vực: Văn phòng làm việc; khu bảo tàng văn hóa giáo dục cộng đồng; khu trình diễn công nghệ nuôi của Việt Nam và trên thế giới; khu dịch vụ, du lịch và giới thiệu sản phẩm.

Dự án có công suất nuôi 4.000 tấn/năm, trong đó: sản lượng hầu Thái Bình Dương sản lượng 1.000 tấn, rong biển 2.000 tấn, 1.000 tấn cá biển; hàng năm đón khoảng 10.000 – 12.0000 khách thăm quan, lưu trú và du lịch trải nghiệm.

Kiểm tra mô hình nuôi cá biển tại huyện Vân Đồn (Ảnh dùng để minh họa)

Hiện cả 02 dự án trên đã được Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tiếp nhận hồ sơ dự án và đang thực hiện trình tự theo quy định hiện hành.

Còn lại là dự án Nuôi trồng thủy sản biển công nghiệp tại khu vực biển phía Tây đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn có quy mô diện tích khu vực biển khoảng 166 havà tổng kinh phí đầu tư khoảng 50tỷ đồng. Dự án đặt mục tiêu nuôi trồng khoảng 5.000 tấn Hàu Thái Bình Dương và rong biển mỗi năm. Dự án đã được Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn tiếp nhận hồ sơ và đang thực hiện trình tự theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang triển khai 02 dự án đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản biển có trị giá trên 267 tỷ đồng, gồm vốn Nhà nước trên 130 tỷ đồng còn lại là thu hút vốn doanh nghiệp và nhân dân.Trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị phương án lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành và sản xuất; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại Đầm Hàcũng đang được triển khai theo tiến độ và chuẩn bị công tác bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, cơ bản diện tích đất nuôi trồng thủy sản nội địa đã thống nhất cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-  2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của các địa phương đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt; đối với khu vực biển hiện đang tiếp tục rà soát, cập nhật, tích hợp các khu vực biển quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của các địa phương vào Quy hoạch tỉnh phải đảm bảo rõ tọa độ, vị trí, ranh giới, diện tích.

Đánh giá về những khó khăn, tồn tại, hạn chế hiện nay, trong văn bản gửi Tổng cục Thủy sản vào tháng 8/2022 của tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở sản xuất, nuôi trồng cá biển, nhuyễn thể và rong biển chưa được ban hành.Các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt ở Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ chưa được triển khai thực hiện.

Đặc biệt là chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; chưa kết hợp hài hòa giữa nuôi trồng biển với du lịch biển nhất là du lịch trải nghiệm; chưa có mô hình nuôi biển công nghiệp hiện đại kết hợp du lịch có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại kết hợp với du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, tuy sản lượng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh rất phong phú về chủng loại và dồi dào về sản lượng nhưng toàn tỉnh mới chỉ có 02 cơ sở sơ chế, chế biến hầu (ruốc, hầu sữa), sản lượng mỗi năm khoảng trên 200 tấn hầu tươi; 05 cơ sở xuất khẩu hầu (nguyên con, ruột) sang Trung Quốc (Đài Loan), Lào với sản lượng gần 3.000 tấn, còn lại hầu hết tiêu thụ nội địa qua các thương lái chiếm đến 80%. Các chuỗi liên kết đã được hình thành (Cơ sở cung cấp giống à Cơ sở nuôi à Cơ sở cung cấp giống thu mua sản phẩm đạt kích cỡ thương phẩm) nhưng còn lỏng lẻo, có tính kết nối nhưng không chắc chắn./. 

Kết quả sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của ngành thủy sản Quảng Ninh

Diện tích thủy sản nuôi trồng đạt 32.092 ha (tăng 50,66% so với CK). Sản lượng thủy sản nuôi trồng 7 tháng đầu năm 2022 đạt 48.473 tấn (tăng 31,9% so với CK, đạt 100% KBTT); trong đó: sản lượng tôm đạt 17.033 tấn, nhuyễn thể đạt 18.472 tấn, cá biển đạt 3.890 tấn, 6.683 tấn thủy sản nước ngọt các loại và 2.425 tấn thủy sản nuôi mặn, lợ khác.

Đã thả nuôi khoảng 5.181 triệu con giống các loại; trong đó: 1.790 triệu con tôm giống, 3.100 triệu con giống nhuyễn thể, 52 triệu cá biển giống, 49 triệu giống cá nước ngọt, 190 triệu con giống khác. Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (trong đó có 8 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển; chiếm tỉ lệ 44%) đã sản xuất, ương dưỡng tại chỗ và cung ứng khoảng 2.221 triệu giống thủy sản ra thị trường trong, ngoài tỉnh: giống tôm là 1.820 triệu con, giống cá biển là 7 triệu con, nhuyễn thể là285 triệu con, cá nước ngọt là 39 triệu con và đối tượng nuôi khác là 70 triệu con.

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam