Chè Thái Nguyên cơ hội ra thị trường thế giới

Thời sự, Xã hội | 10:10:00 03/11/2022

Tháng 4/2022, một tin vui đến với tỉnh Thái Nguyên nói chung và ngành chè Thái Nguyên nói riêng: Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được các cơ quan sở hữu trí tuệ của 03 quốc gia (Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc) cấp văn bằng bảo hộ.

Đây là kết quả sau hơn 03 năm nỗ lực hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ của các sở, ngành chức năng của tỉnh. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 06 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mô hình sản xuất chè hữu cơ của HTX chè Thủy Thuật (xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên)

Việc chè Thái Nguyên được bảo hộ tại những thị trường lớn đã khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện rất thuận lợi để đưa sản phẩm trà chất lượng cao của Thái Nguyên đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế “Đệ nhất danh Trà”. Tuy nhiên đó cũng là thách thức lớn với ngành chè, bởi những thị trường nói trên nổi tiếng khắt khe với những yêu cầu đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Là nông sản có lợi thế đặc biệt và nổi tiếng của tỉnh, chè Thái Nguyên dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng chè. So với thời điểm cách đây 4 năm, khi chè Thái Nguyên mới được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở ba quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, chè Thái Nguyên đã có bước tiến dài về chất lượng cũng như giá trị thương hiệu. Việc sản xuất, chế biến chè đã dần cập đến những yêu cầu đòi hỏi của thị trường thế giới.

Theo thống kê, tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện có là 22.444 ha, diện tích chè cho sản phẩm là 20.564 ha; trong đó có 6.813 ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn chiếm 34,5% tổng diện tích chè cho sản phẩm. Hiện đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; có 13 công ty, doanh nghiệp, 27 hợp tác xã, 114 hộ sản xuất kinh doanh đăng ký sử dụng nhãn hiệu; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Đó là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao và giải pháp cụ thể. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó cây chè được xác định là cây trồng chủ lực. Tỉnh Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của cây chè trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, phát triển sản phẩm đa dạng, an toàn, chất lượng kết hợp với việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên được đặc biệt quan tâm.

Ngành Nông nghiệp xác định ba nhiệm vụ trụ cột chính cần thực hiện là: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn và nông nghiệp hữu cơ; quản lý chất lượng gắn với chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa; phát triển thương mại điện tử cho nông sản, từ đó hình thành chuỗi nông sản khép kín từ khâu sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ đặc biệt trong sản xuất chè được thực hiện như: Hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để sản xuất an toàn, hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn bà con cách canh tác để nâng cao chất lượng, giá trị.

 Vùng nguyên liệu của HTX chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên

Với sự giúp đỡ của các ngành chức năng, nhiều vùng trồng chè đã và đang áp dụng việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Bà Hoàng Thị Tân, Giám HTX Tâm Trà Thái, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) cho hay: Những người sản xuất chè hiện nay đã ý thức được việc sản xuất an toàn; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, sử dụng vật tư có nguồn gốc sinh học an toàn được phép lưu hành tại Việt nam để chăm bón cho cây chè. HTX Tâm Trà Thái là một trong 17 đơn vị của tỉnh tham gia chương trình gắn mã vùng trồng, tại vùng trồng đã được định vị trên hệ thống GPS toàn cầu để theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Con đường đưa chè Thái Nguyên ra thế giới còn nhiều gian nan, còn nhiều việc cần làm để tiệm cận tới tiêu chuẩn khắt khe mà khách hàng yêu cầu. Nhưng có thể nói, đến thời điểm hiện tại, chè Thái Nguyên đã tự tin để bước ra “sân chơi” thế giới.

Thu Hà
thainguyen.gov.vn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam