Phát huy vai trò của Cựu Chiến binh tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong hoạt động báo chí

Lý luận trẻ | 15:15:00 27/01/2023

TNV - Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí phản ánh khách quan, trung thực các vấn đề, sự kiện, tập thể và các nhân vật điển hình; tham gia đấu tranh bài trừ cái xấu, lạc hậu; nâng đỡ, bảo vệ nhân tố mới, tiến bộ, lan tỏa những các giá trị: Chân, Thiện, Mỹ trong đời sống xã hội; tuyên truyền, cổ vũ, hướng dẫn con người hành động vì lợi ích chung…

Hội Cựu chiến binh huyện Bắc Quang tham gia xây dựng Nông thôn mới tại xã Việt Hồng, tỉnh Hà Giang.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá, báo chí có vai trò to lớn và đặc biệt quan trọng. Thể hiện nổi bật một số vấn đề sau:

Một là, báo chí phát hiện, tạo dư luận xã hội trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái trong Đảng. Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các tổ chức đảng, cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra. 

Từ nhiều năm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí luôn coi báo chí là cơ quan đồng hành trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có liên quan xác minh, điều tra, làm rõ những thông tin về tham nhũng, tiêu cực do báo chí nêu ra để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm túc. 

Hai là, báo chí phản biện chống “nhóm lợi ích”, thao túng chính sách, kiến nghị với Đảng nhiều giải pháp quan trọng, thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái.

Không chỉ cung cấp thông tin để làm rõ các vụ việc tham nhũng, hoạt động của các cơ quan báo chí trong nhiều năm qua đã tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, phân tích, nhìn nhận sâu thực trạng tham nhũng, nguyên nhân và kiến giải các biện pháp phòng, chống tham nhũng; chống lợi ích nhóm; chống thao túng xây dựng chính sách; chống suy thoái…

Ba là, báo chí đấu tranh chống lợi dụng tham nhũng, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, nhà nước:

Trong thời gian qua, lợi dụng tình hình tham nhũng, các thế lực thù địch, những thành phần bất đồng chính kiến, suy thoái về chính trị đã có những luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Đảng và nhà nước. Báo chí đã tích cực phản biện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái.

Bốn là, báo chí cũng luôn chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá của cán bộ, đảng viên. Kịp thời động viên, cổ vũ những tấm gương, những nhân tố mới tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái. Đồng thời báo chí cũng làm tốt chức năng phản biện trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp về phòng, chống tham nhũng. Nhờ đó mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thêm một lượng thông tin lớn, quan trọng, hữu ích để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái. 

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai quyết liệt, bài bản, mang lại hiệu quả rõ rệt, được dư luận xã hội đồng tình, nhân dân ghi nhận. Nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Một trong những nguyên nhân cơ bản giúp đến thành công đó là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí. 

Trong đội ngũ những người làm báo tâm huyết với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hiện nay có hàng trăm hội viên Hội Cựu chiến binh là nhà báo, hoặc cộng tác viên các cơ quan báo chí trên cả nước đang tích cực, dồn hết tâm sức cho nhiệm vụ khó khăn, phức tạp này. Nhiều cựu chiến binh tuy tuổi cao nhưng thường xuyên trăn trở với sự sống còn của Đảng. Họ vừa lên tiếng lên án mạnh mẽ lợi ích nhóm, sân sau, lên án các hành vi kết bè, kết cánh, đục nước béo cò của cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Họ là tác giả của nhiều tác phẩm báo chí có giá trị. Vừa góp phần tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa chống tham nhũng, suy thoái trong Đảng, trong bộ máy nhà nước… Tiêu biểu như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, thiếu tướng Hoàng Kiền, thượng tá Hoàng Xuân Lương… Những bài viết của họ không chỉ đăng trên báo chí mà còn được lan truyền trên mạng xã hội, có sức ảnh hưởng mạnh đối với công chúng. Và còn nhiều cựu chiến binh khác gắn  bó với nghề báo đã tâm huyết, tập trung chỉ đạo hoặc trực tiếp sáng tạo các tác phẩm báo chí chống tham nhũng, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá có tác động lan tỏa mạnh và có hiệu ứng xã hội cao. 

Đặc biệt có nhiều cựu chiến binh là những cây viết chính luận sắc bén, đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm báo chí có giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiêu biểu nhất là những nhà báo cựu chiến binh luôn luôn đau đáu với thời cuộc, các tác phẩm của họ không chỉ làm sâu sắc thêm đường lối, nghị quyết của Đảng, mà còn cập nhật thực tiễn, phân tích, lý giải, chỉ ra những bất cập trong xây dựng và thực thi pháp luật chính sách, kiến nghị nhiều giải pháp trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng. Đáng kể tên ở đây là: Đại tá Nhà báo Nguyễn Hoà Văn, nguyên phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng kiêm Tổng Biên tập báo Biên phòng. Sau khi rời quân ngũ, ông đã sáng tạo hàng chục tác phẩm có báo chí có chất lượng cao về chủ đề nói trên. Thu hút lượng bạn đọc rất lớn. Trong đó có 4 loạt bài được vinh danh tại Giải báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng và Giải Báo chí toàn quốc về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đó là các tác phẩm: “Chống được “chạy” sẽ thành công”; “Binh pháp chống giặc nội xâm”; “Hoá giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn”; “Thời cuộc và lòng yêu nước”… 

Cựu chiến binh Nhà báo Nguyễn Văn Bắc, nguyên Trưởng ban Xây dựng Đảng báo Nhân Dân, đã có hàng loạt tác phẩm chính luận kiến giải nhiều vấn đề về xây dựng Đảng. Trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc, như loạt bài: “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh” đã được vinh danh Giải A tại Giải Báo chí quốc gia và Giải Búa liềm Vàng năm 2017. 

Đại tá Nhà báo Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân đã có nhiều tác phẩm đi sâu phản ánh chủ đề về xây dựng Đảng. Có những tác phẩm đã được vinh danh như loạt bài: “Phát huy vai trò của các nhà báo - chiến sỹ trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, tác phẩm đoạt giải A trong cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. 

Và nhiều cựu chiến binh nhà báo khác đã góp phần tạo ra sức “công phá” của báo chí, có ảnh hưởng tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có thể nói trong 5 năm qua đã có hàng chục ngàn tác phẩm báo chí đã phơi bày, bóc trần hành vi tham nhũng, những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên; cũng như bóc trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; kiến giải những vấn đề về xây dựng Đảng và cuộc chiến chống giặc nội xâm, trong đó có một phần không nhỏ có sự tham gia tích cực của những nhà báo là cựu chiến binh.

                                                      Phạm Trường Sơn

Hội CCB, Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam