Lục Yên: Cựu chiến binh thôn Bưa thay đổi cách làm ăn cũ vươn lên thoát nghèo

Thời sự, Xã hội | 11:00:00 06/03/2023

TNV - Hơn 10 năm trước, ở tuổi gần 50 cựu chiến binh Nông Đức Ái ở thôn Bứa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái mới chợt nhận ra chỉ có thay đổi cách làm cũ, mạnh dạn đầu tư lớn hơn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mới có cơ hội thoát nghèo, cải thiện đời sống.

 Ông Nông Đức Ái (đội mũ) - người cựu chiến binh, thương binh vừa hăng hái hiến đất làm đường vừa có diện tích trồng cam cho nguồn thu ổn định thuộc tốp khá của thôn, của xã.

Chỉ có thay đổi cách làm ăn cũ mới có cơ hội thoát nghèo

Trong một dịp cuối năm 2022về xã Mường Lai – điển hình về phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn của huyện Lục Yên, tôi được Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Huấn đưa tới thôn Bưa thăm ông Ái – người cựu chiến binh, thương binh vừa hăng hái hiến đất làm đường vừa có diện tích trồng cam cho nguồn thu ổn định thuộc tốp khá của thôn, của xã.

Ông Nông Đức Ái, người dân tộc Tày, chuẩn bị bước sang tuổi 60. Tuy mái đầu đã bạc quá nửa, nhưng tác phong của người thương binh hạng 4/4 trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1985 vẫn còn rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Ông phăm phăm đi trước, hết đưa chúng tôi đến thăm vườn cành sành nằm cách nhà non cây số lại về vườn cam vinh nằm gần nhà.

Ông Ái kể chuyện trồng cam và thoát nghèo

Theo lời ông kể, trước đây vườn cam vinh là ruộng cấy một vụ khô cằn chỉ cho thu tối đa 70kg thóc mỗi sào, còn đồi cam sành thì trồng sắn chỉ đủ chăn nuôi quanh quẩn mấy con lợn gà, sau chuyển sang trồng keo 6 – 7 năm mới được thu hơn triệu bạc chẳng giải quyết được việc gì lớn cho cuộc sống gia đình. Do vậy hoàn cảnh kinh tế gia đình luôn rơi vào thiếu đói, bấp bênh.

Ông nhớ lại, cách nay hơn 10 năm trước, ở tuổi gần 50 ông mới chợt nhận ra chỉ có thay đổi cách làm cũ, mạnh dạn đầu tư lớn hơn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mới có cơ hội thoát nghèo, cải thiện đời sống.

Khi nghĩ đã chín, năm 2012 ông mạnh dạn trồng vài sào cỏ ở ruộng một vụ lúa và vayvốn ngân hàng chính sách xã hội đầu tư nuôi bò, thỏ, dê. Chỉ mấy năm sau, ông đã có đàn bò từ 2 con lên 9 con, dê dăm con lên 30 con và hàng trăm con thỏ.Nhờ đó ông đã có tiền để đưa vợ 4 lần về Hà Nội mổ và xây cất lại nhà cửa rộng rãi, chắc chắn hơn. Cũng từ năm đó (2015) gia đình ông thoát khỏi diện hộ nghèo.

Năm 2015, thêm một lần nữa ông táo bạo chuyển đổi toàn bộ hơn 01 mẫu đất lúa một vụ khô cằn còn lại và 8 sào đất đang trồng keo sang trồng cam. Bởi ông thấy nhiều địa phương khác lân cận bà con trồng cam cho thu nhập tốt hơn vàhơn nữa ông muốn tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi bò, dê, thỏ vào trồng trọt cho khỏi lãng phí.

Chuyển đất một vụ, đất trồng keo kém hiệu quả sang trồng cam

Nhìn vườn cam xanh tươi đang cho thu hái quả chứa đựng bao mồ hôi công sức của cả gia đình ông suốt gần chục năm vừa qua, tôi hỏi chuyện ông đầu tư có hết nhiều lắm không? Ông cười thật thà nói, giống cam sành thì đi Tuyên Quang cách nhà 40km xin chiết mang về; các công việc như chặt keo, làm đất, trồng và chăm sóc camđều do gia đình tự làm lấy cả, không phải mất tiền thuê mướn nên chi phí ban đầu chỉ hết khoảng 6 triệu đồng thôi, gồm: mua 130 gốc cam vinh, phân bón và thuốc phòng bệnh.

Thấy cây cam phát triển tốt, từ năm 2016 ông giảm dần chăn nuôi và quyết định dừng hẳn công việc chăn nuôi bò, dê, thỏ vào năm 2017 để tập trung vào việc trồng cam và chăm dăm sào lúa 2 vụ. Như hiểu được thắc mắc của tôi, ông Ái chia sẻ: “Chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế khá tốt, nhưng vất vả lắm! Tuổi thì cao dần, sức khỏe yếu đi, các con đi làm ăn xa và lập gia đình ở riêng, công nợ còn không đáng bao nhiêu, đời sống cũng tạm ổn rồi, nên tôi dừng chăn nuôi thôi”.

Người thương binh thôn Bứa (trái) và tác giả tại đều có chung niềm vui khi tận mắt thấy những cây cam trĩu quả

Quan sát thấy một số gốc cam có hiện tượng vàng lá, chết khô và nhiều hộ trong thôn đang rục rịch chuyển sang trồng quế, tôi ướm hỏi ông có ý định phá cam đi không đấy? Ông Ái khẳng định, sẽ trồng dặm những cây bị hỏng và tiếp tục duy trì trồng cam chăm sóc bằng phân bón hữu cơ như trước đây, chứ không chạy theo năng suất, theo phong trào và ông tin rằng ngoài được quả để ăn, làm đẹp thêm cảnh sắc làng quê thì chắc chắn cây cam vẫn cho thu nhập cao hơn trồng sắn, trồng keo và cấy lúa một vụ.

Được biết, từ năm 2018 đến nay năm nào 2 vườn cam của ông cũng cho thu được 6 – 10 tấn quả, sau khi ăn uống cho la vẫn còn thu được 50 – 70 triệu đồng/năm. Với mức nguồn thu ấy đặt trong bối cảnh của một hộ gia đình nông thôn miền núi, bị thương và tuổi đã cao, sức đã giảm nhưng bên cạnh đó vẫn cấy lúa đảm bảo lương thực ăn quanh năm, nuôi cá, nuôi gà vịt để cải thiện sinh hoạt hàng ngày, thì mức thu nhập trên của gia đình ông thuộc diện ổn định, khá hơn so với rất nhiều các hộ trong thôn, xã và xứng đáng là tấm gương sáng để nhiều hộ nông dân trong vùng noi theo học hỏi.

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam