Chương trình OCOP là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở huyện Trạm Tấu

Du lịch, Du lịch đất việt | 10:58:00 29/04/2023

TNV - Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Trạm Tấu (Yên Bái) xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. 

 Thật diệu kỳ, khi vừa ăn sáng vừa ngắm dòng sông mây tại Homestay Đồi Chè

Các sản phẩm OCOP đều phát triển ổn định, tác động tích cực đến kinh tế khu vực nông thôn 

Theo đó,từ năm 2020 đến năm 2022 toàn huyện có 06 chủ thể với 10 sản phẩm được đánh giá phân hạng và xếp loại đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao. Hiện các sản phẩm OCOP của huyện đã có mặt trong các cửa hàng lớn trong tỉnh cũng như ở một số hội chợ tại Thủ đô và nhiều tỉnh lân cận, góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến với rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Nhờ tham gia Chương trình OCOP, nên hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện đều phát triển tương đối ổn định về số lượng hàng hóa sản xuất bán ra thị trường như: Sản phẩm Chè Shan tuyết Phình Hồ của công ty cổ phần Minh Thành mỗi năm sản xuất và tiêu thụ trên 20 tấn chè khô; tinh dầu xả Trạm Tấu của HTX Hương Chanh trung bình mỗi năm sản xuất và tiêu thụ từ 2-2,5 tấn. Ngoài ra các sản phẩm khác đa số sản xuất theo thời vụ đều tăng đều tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước.

Một góc khung cảnh thiên nhiên huyện Trạm Tấu nhìn từ Homestay Đồi Chè

Bên cạnh những kết quả về sản phẩm, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cụ thể là: Với cách tiếp cận tổng thể, Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường. Qua đó, đã hình thành được các chuỗi giá trị OCOP, mô hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp, nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Chè Shan Phình Hồ, khoai sọ Trạm Tấu…

Mặt khác, Chương trình OCOP cũng khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các chủ thể OCOP trên nhiều khía cạnh, như: Tư duy về phát triển kinh tế để tiếp cận với thị trường, chú trọng yếu tố về chất lượng, tiêu chuẩn/quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; phát triển sản phẩm về mẫu mã, bao bì gắn với sự tiện lợi, theo yêu cầu thị trường; nâng cao vai trò của chủ thể với cộng đồng trong tạo công ăn việc làm, bảo vệ các giá trị văn hóa, đặc sản địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái; từng bước hình thành sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu phát triển đa giá trị: kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường.

Đặc biệt, Chương trình OCOP còn là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, hướng đến hỗ trợ phát triển các chủ thể kinh tế nông thôn gắn với phát triển các sản phẩm địa phương theo hướng phát huy nội lực (sản phẩm, trí tuệ sáng tạo, kỹ năng, văn hóa truyền thống…) nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đưa Chương trình OCOP thành Chương trình kinh tế nông nghiệp quan trọng

Theo ông Nguyễn Thành Hưng (Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu), năm 2023 này huyện tiếp tục đưa Chương trình OCOP trở thành Chương trình kinh tế nông nghiệp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; đồng thời, phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và an toàn... cung ứng cho phát triển dịch vụ, thương mại của huyện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực như: Chè Shan tuyết Phình Hồ, khoai sọ nương Trạm Tấu vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

 Chè shan tuyết Phình Hồ - sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Trạm Tấu

 Được biết trong năm 2023, huyện Trạm Tấu dự kiến phát triển mới 02 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đó là: Du lịch cộng đồng Homestay Đồi Chè và Gạo Tẻ đỏ Trạm Tấu. Đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng trong giai đoạn 2019-2021, đánh giá lại 06 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh hết hạn trong năm 2023, gồm: Chè Shan tuyết Phình Hồ, Gạo Nếp 87, Khoai sọ nương Trạm Tấu, Măng ớt Trạm Tấu, Du lịch suối khoáng nóng Cường Hải Trạm Tấu, Tinh dầu xả Trạm Tấu.

Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, cụ thể: 100% sản phẩm OCOP của huyện đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên và các sản phẩm OCOP phát triển mới trong năm 2023 đảm bảo đủ điều kiện được đưa lên các sàn thương mại điện từ Voso.vn, Postmart.vn và các sàn thương mại điện tử uy tín để quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể số hóa các hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng các sản phâm OCOP năm 2023 như: Hồ sơ đăng ký sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh, các hồ sơ khác có liên quan. 100% các sản phẩm OCOP được xác thực số, sử dụng bộ công cụ công nghệ xác thực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng.

Về giải pháp thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các phòng ban liên quan và các xã, thị trấn rà soát các sản phẩm là tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP; đôn đốc, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Chương trình đăng ký sản phẩm OCOP, lựa chọn các sản phẩm có khả năng đạt 3 sao trở lên, đăng ký ý tưởng sản phẩm, triển khai phương án kinh doanh; phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đủ tính chất pháp nhân đảm bảo yêu cầu ; thông báo, hướng dẫn các chủ thể tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do các cấp tổ chức.

Bà con người Mông xã Phình Hồ tự hào về các sản phẩm làm ra từ cây chè cổ thụ của mình

Đề cập đến khó khăn trong quá trình thực hiện, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Trên thực tế một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn mới thành lập, trang thiết bị, hồ sơ sản phẩm còn thiếu nhiều, kinh phí còn hạn hẹp, do đó để thực hiện dự thi sản phẩm OCOP là rất khó khăn, cần có đơn vị tư vấn hỗ trợ xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP và kinh phí hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Vì vậy, huyện kiến nghị tỉnh và Trung ương: Hỗ trợ kinh phí thuê đơn vị tư vấn giúp các chủ thể thực hiện chương trình OCOP; hỗ trợ các sản phẩm OCOP đã được phân xếp hạng về bao bì, túi đựng sản phẩm; đào tạo cho các chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác về quản lý, kinh doanh; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giới thiệu về chương trình mỗi xã một sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Phạm Quỳnh

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam