Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

Lý luận trẻ | 11:50:00 04/05/2023

TNV - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn khẳng định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” và với Người cái quý nhất trên đời là độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân.

Chính Người đã ra đi tìm đường cứu nước, quyết định đưa cách mạng Việt Nam theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo những lý luận của chủ nghĩa hình thành hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong đó, cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường bạo lực là một bộ phận trong tư tưởng của Người nói chung. Tài sản quý giá ấy chính là cơ sở quan trọng để Đảng ta nghiên cứu, xác định đường lối đấu tranh, sử dụng sức mạnh chính trị, quân sự không chỉ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà hôm nay vẫn tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa của nước ta.

1. Miền Nam luôn trong trái tim Người

Xuất phát từ việc hiểu rõ âm mưu chia rẽ để dễ bề cai trị của thực dân, ngay từ những ngày đầu huấn luyện cán bộ trẻ Người đã chọn cán bộ của cả ba miền để chuẩn bị cho việc thành lập một đảng sau đó là hợp nhất ba tổ chức Đảng thành một Đảng duy nhất với tên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Rồi những ngày tháng đất nước bị chia cắt, Người luôn đau đáu “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực, chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Và với Người, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là quyết tâm không gì lay chuyển. Vì vậy trong bản Di chúc Người đã truyền niềm tin cho chúng ta niềm tin mãnh liệt vào ngày Bắc - Nam sum họp: “Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Từ đó toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 thắng lợi, cả nước cùng tiến lên xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác hằng mong ước.

2. Muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng bạo lực

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc cần được tiến hành dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, “Trước hết phải có đảng cách mệnh”, phải làm cách mạng triệt để, làm cách mạng đến nơi, phải phối hợp các phong trào cách mạng của tất cả các nước. Đặc biệt, quá trình nghiên cứu các cuộc chiến tranh, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của người dân các nước thuộc địa, Người đi đến quyết định muốn giải phóng mình, các dân tộc bị áp bức không có con đường nào khác là con đường cách mạng bạo lực: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp, của dân tộc, cần sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền” (1).

3. Muốn giải phóng dân tộc phải tạo sức mạnh tổng hợp

Theo Người, để tránh tổn thất mức thấp nhất, đảm bảo đã đánh phải “chắc thắng” thì các cuộc khởi nghĩa phải có sự chuẩn bị kỹ càng, muốn tiến tới Tổng khởi nghĩa thì mở đầu là tiến hành khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương. Vì vậy, ngay khi về nước Người đã cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng căn cứ địa, đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng các tổ chức chính trị của quần chúng, lập ra các đội du kích vũ trang, thành lập đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau đó là sự chủ động đón thời cơ, chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành được chính quyền trong cả nước.

Người nói: “muốn có đội quân vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện cầm súng thì mới thắng được”(2). Như thế là sử dụng bạo lực cách mạng không đơn thuần chỉ là sử dụng lực lượng quân sự và đấu tranh quân sự mà phải gắn liền với lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị của quần chúng. 

4. Thực hiện cách mạng bạo lực tiến công từng phần sau đó mở đường cho tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Đảng (01/1959) đã vạch rõ: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang.

Thực hiện Nghị quyết, Phong trào “Đồng khởi” ở tỉnh Bến Tre ngay sau đó đã nổ ra trên quy mô lớn, lan nhanh ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ khiến địch rơi vào tình thế bị động lúng túng, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên.

Theo Người, lực lượng tiến hành cuộc cách mạng này là toàn dân Việt Nam bao gồm mọi tầng lớp, mọi tổ chức chính trị, mọi giai cấp, mọi tôn giáo, dân tộc, mọi lứa tuổi được tập hợp trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần quy tụ, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời, thực hiện cách mạng bạo lực tiến công từng phần quatổng tiến công chiến dịch “Điên Biên Phủ trên không”, chiến dịch Huế - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ…. đã đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán sau đó ký Hiệp định Paris

 Tại Thành phố Sài Gòn – Gia Định cách đây 48 năm, Ban Thường vụ Thành ủy quán triệt sâu sắc tinh thần “20 năm mới có một lần”, dù quân chủ lực chưa vào vẫn phải phát động quần chúng nổi dậy tấn công và khởi nghĩa. Quần chúng nhân dân đã đồng loạt xung trận từ nông dân, trí thức, công nhân; các tổ chức Tổng hội sinh viên Sài Gòn; Đoàn Văn nghệ học sinh, sinh viên; Ban Hoa vận…vận động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở các khu phố. Tuổi trẻ thành phố năm ấy đã bí mật triển khai lực lượng phụ trách 5 điểm khởi nghĩa trọng yếu trong nội thành là: Bàn Cờ - Vườn Chuối, Cầu Kiệu - Phú Nhuận, Khánh Hội - Xóm Chiếu, Cầu Bông - Bà Chiểu, Tân Phú - Tân Hương.

Chiến thắng của mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc và càng khẳng định những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh để viết lên thiên anh hùng ca ấy.

 Kỷ niệm 48 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là dịp để chúng ta tự hào, hiểu sâu sắc hơn về truyền thống, về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như sự hy sinh của thế hệ cha anh đem đến cho chúng ta có được niềm vui sum họp, được sống trong hòa bình hôm nay. Từ đó, không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ, luôn đoàn kết nội bộ đề cùng nhau lan tỏa những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh; sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

__________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, T.15, tr.391, 2011. 2 Vũ Anh, Hồi ký Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960.

 2. Vũ Anh, Hồi ký Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960.

Nguyễn Ngọc - Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Xây dựng

Chu Thị Hiền - Phó trưởng khoa công tác Đoàn – Hội Trường Đoàn Lý Tự Trọng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam