Phát triển du lịch sinh thái – giải pháp mới để quản lý rừng bền vững ở huyện Trạm Tấu

Du lịch | 15:21:00 12/05/2023

TNV - Theo phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2021-2030 của Ủy ban nhân nhân tỉnh Yên Bái, thì cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái là chủ trương, giải pháp mới vừa góp phần ổn định sinh kế, nâng cao đời sống người dân sống gần rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu; vừa nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong quản lý bảo vệ rừng, hướng tới mục tiêu nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 63% vào năm 2030

Bình minh và biển mây trên đỉnh Tà Chì Nhù

Không làm ảnh hưởng tới mục đích phòng hộ, bảo tồn, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng

Ông Đào Công Trình (Giám đốcBan quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu) cho biết, hiện tổng diện tích đất được giao quản lý là 51.301,61 ha nằm trên địa bàn của 11 xã và 1 thị trấn trong toàn huyện; trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 41.334,24 ha, bao gồm: Rừng tự nhiên 31.277,76 ha, trữ lượng 1.963.179,7 m3; rừng trồng 9.651,97 ha, trữ lượng 871.159,7 m3.

Tà Chì Nhù mùa hoa nở

Thực hiện chủ trương cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu đang xây dựng Đề án du lịch đối với diện tích rừng được giao quản lý, trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp và người dân địa phương đầu tư xây dựng mô hình khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch tổng thể của vùng và các quy định pháp luật hiện hành, kết hợp với bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái rừng. Diện tích dự kiến thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí là 6.815,98 ha. 

Mỏm rùa trên đỉnh Tà Xùa

Tuy nhiên, ông Trình cũng lưu ý việc cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí tại các khu vực, địa điểm phù hợp nhưng không làm ảnh hưởng tới mục đích phòng hộ, bảo tồn, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng – đây cũng chính là yêu cầu bắt buộc được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái nêu rõ trong Quyết định phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Trình, Trạm Tấu là huyện vùng cao nằm ở độ cao trung bình từ 800 m so với mực nước biển, có nhiều tiểu vùng khí hậu phong phú đa dạng như nhiệt đới, á nhiệt đới... thích hợp với nhiều loại cây trồng nhất là cây đặc sản, cây dược liệu, cây lâm nghiệp nghiệp gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, cũng là nơi có nguồn gen đa dạng, nguồn gen đặc hữu của dãy Hoàng Liên Sơn cùng với quỹ đất lâm nghiệp còn rất lớn, chiếm 96,97% tổng diện tích tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất lâm nghiệp và cung ứng dịch vụ môi trường rừng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp và du lịch sinh thái phát triển.

Được biết, hiện Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu chỉ mới cung cấp 02 loại hình dịch vụ dịch vụ môi trường rừng cho 6 nhà máy thủy điện đang hoạt động (Nậm Tăng, Noong Phai, Hát Lừu, Nậm Tung, Trạm Tấu và Pá Hu) và nhà máy nước sạch Trạm Tấu. Với tính đa dạng sinh học cao, sự phong phú từ hệ sinh thái đến các loài động, thực vật quý hiếm. Cộng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú từ các thác nước đã tạo nên các điểm tham quan hấp dẫn cho du khách - đây là một trong những lợi thế để bảo vệ và phát triển rừng, phát huy tối đa dịch vụ hệ sinh thái rừng nhằm mang lại giá trị kinh tế khi cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái.

Rừng rêu cổ thụ ở Tà Xùa

Do vậy, để phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có của diện tích đất, rừng được giao Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu tiếp tục cung ứng các dịch vụ môi trường rừng cho nhà máy thủy điện và nhà máy nước sinh hoạt, cung cấp dịch vụ mở rộng thêm cho nuôi cá nước lạnh, đồng thời khai thác triệt để lợi thế về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, sự phong phú về đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng để phát triển du lịch sinh thái; tạo nguồn thu phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm áp lực ngân sách nhà nước. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch sinh thái dưới hình thức tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng.

Nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng kết hợp với bảo tồn bền vững hệ sinh thái tự nhiên, nâng cao giá trị của rừng

“ Trong thời gian tới nếu không triển khai được phương án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái thì tất cả chỉ dừng lại ở mức tiềm năng. Để có thể triển khai được dịch vụ này, Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu cần phải có cơ chế, chính sách phối hợp với các tổ chức cá nhân để sao cho khai thác một cách bền vững, có hiệu quả nguồn tài nguyên này. Đó là Đề án du lịch sinh thái, để xây dựng được cần có vốn đầu tư.” – Giám đốc Trình trăn trở bày tỏ mong muốn.

Tà Xùa vào mùa hoa đỗ quyên

Ông Trình cũng lo lắng, nếu đề án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái áp tuân theo quy định tại Điều 32 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng “do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng”, thì rất bất cập dẫn đến việc không thu được (nếu doanh nghiệp lỗ) hoặc thu quá thấp từ cho thuê môi trường rừng so với các dịch vụ khác.

Theo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt ngày 29/12/2022, trong đó Trạm Tấu với sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch mạo hiểm leo núi. Ngoài ra có các sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, giải trí theo hướng du lịch bền vững, gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, gắn với nông nghiệp.

Đồi thông Eo gió – luôn thu hút đông đảo thanh niên về thăm quan, dã ngoại

Bao gồm các loại hình du lịch sau: Leo núi kết hợp săn mây, trekking, backpacking, cắm trại, đi bộ đường dài, đi bộ băng rừng, leo núi bằng dây, tham quan thám hiểm bằng đường mòn, tắm nước khoáng nóng, văn hóa và kiến trúc, lễ hội của người Mông, Dao... Du lịch thiên nhiên: Tham quan, dã ngoại, khám phá các hệ sinh thái rừng và thể thao mạo hiểm với chủ đề chính là “Du lịch mây và gió”; trong đó, xác định du lịch thể thao mạo hiểm leo núi, chinh phục đỉnh cao Tà Xùa, Tà Chì Nhù là loại hình du lịch đặc thù chính,…

Cũng theo ông Trình, trong lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu có 05 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cho thuê môi trường rừng với diện tích dự kiến 6.815,98 ha, bao gồm: Đồi thông Eo gió tại xã Hát Lừu, Bản Công và thị trấn Trạm Tấu; Thác nước Háng Đề Chơ ở xã Tà Xi Láng, Làng Nhì; Leo núi mạo hiểm đỉnh Tà Chì Nhù (xã Xà Hồ, Túc Đán); Leo núi mạo hiểm Mỏm rùa (xã Bản Công); Nghỉ dưỡng tại Mù Cao (xã Bản Mù); Cho thuê môi trường rừng trồng dược liệu dưới tán rừng (các xã Bản Công, Bản Mù, Làng Nhì, Tà Xi Láng, Túc Đán).

Hòa mình cùng bản nhạc nước và núi non hùng vĩ của núi rừng Trạm Tấu

Ông Trình tin tưởng kỳ vọng, Phương án Quản lý rừng bền vững do UBND tỉnh phê duyệt khi thực hiện giúp đơn vị quản lý sử dụng hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, bảo tồn và phát triển vốn rừng hiện có. Đồng thời, việc cho thuê môi trường rừng sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phát triển một quần thể du lịch sinh thái cao cấp kết hợp với bảo tồn bền vững hệ sinh thái tự nhiên, nâng cao giá trị của rừng.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam