Một nghĩa cử cao đẹp trong kỳ nghỉ lễ trọng đại
Thông tin được TS.BS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng Đơn vị Ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy – xúc động chia sẻ: "Giữa lúc cả nước nghỉ lễ mừng đại thắng mùa xuân, chúng tôi nhận được thông tin từ một gia đình bệnh nhân chết não có mong muốn hiến tặng toàn bộ mô tạng của người thân đã mất. Nghĩa cử này thật sự thiêng liêng và cao cả, đặc biệt diễn ra đúng vào dịp lễ kỷ niệm thống nhất đất nước. Đây chính là một ‘món quà’ vô giá, không chỉ cho y học mà cho cả những người đang tuyệt vọng chờ ghép tạng".

Với vai trò là bệnh viện đa khoa chuyên sâu hạng Đặc biệt duy nhất tại phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn có các kịch bản ứng phó khẩn cấp, đặc biệt trong dịp lễ. Ngay khi tiếp nhận thông tin hiến tạng, bệnh viện lập tức khởi động quy trình hiến - ghép, đồng thời báo cáo cho Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để xác minh, phân phối phù hợp. Trong đêm 2/5 và rạng sáng 3/5, các kíp mổ đã liên tục hoạt động không ngơi nghỉ.
6 bộ phận được tiếp nhận gồm: 1 gan, 2 thận, 2 giác mạc và 1 mảng da lớn. Mỗi bộ phận là một "sợi dây cứu sinh" được chuyển giao cho những người bệnh đang ngày đêm chờ đợi trong đau đớn và khắc khoải.
Lịch trình chính xác đến từng phút
Quá trình tiếp nhận tạng được thực hiện khẩn trương, chính xác từng phút để đảm bảo chất lượng ghép:
19g55: Tiếp nhận gan 20g08: Tiếp nhận thận phải 20g13: Tiếp nhận thận trái 20g46: Tiếp nhận giác mạc phải 21g00: Tiếp nhận giác mạc trái 20g50: Tiếp nhận da.

Ngay sau đó, các ca ghép được khởi động đồng loạt tại các phòng mổ, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa: Ngoại Tiêu hóa, Ngoại Niệu, Mắt, Bỏng – Tạo hình và Hồi sức sau mổ.
Hồi sinh sự sống cho bệnh nhân thận mạn
Chị H.T.K. (50 tuổi, nông dân tại Hậu Giang) phát hiện mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối từ năm 2019, sống nhờ máy chạy thận suốt 5 năm. Bao lần hy vọng từ người thân đều khép lại, chị gần như từ bỏ niềm tin được ghép. Nhưng phép màu đến trong kỳ nghỉ lễ – chị nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Chợ Rẫy báo có tạng hiến phù hợp.
"Lúc đó tôi chỉ biết khóc, vì tưởng đâu cả đời mình chỉ có thể sống lay lắt với máy chạy thận. Tôi và chồng lập tức lên TP.HCM để chuẩn bị mổ. Ca ghép bắt đầu lúc 21g40 và kết thúc khoảng 1g sáng hôm sau", chị xúc động kể. Hiện chị hồi phục tốt, chức năng thận hoạt động ổn định.

Cùng hoàn cảnh là anh N.N.T. (48 tuổi, công nhân tại Đồng Nai), mắc bệnh thận mạn từ 2021, cũng từng phải ngừng công việc vì chạy thận ba buổi mỗi tuần. Vợ chồng anh chạy vạy xét nghiệm, đăng ký danh sách chờ ghép nhưng không mấy hy vọng. "Khi nhận điện thoại từ bác sĩ báo có thận hiến, tôi như người mơ. Khi tỉnh dậy sau ca mổ, nhìn thấy dòng nước tiểu đầu tiên chảy ra – tôi mừng đến run rẩy. Thật sự quá biết ơn người hiến, gia đình họ và đội ngũ bác sĩ", anh nói.
Ghép gan xuyên đêm cho người đàn ông xơ gan giai đoạn cuối
Trong lúc hai ca ghép thận được thực hiện ở các phòng mổ chuyên biệt, ca ghép gan – một trong những kỹ thuật phức tạp nhất – cũng được tiến hành khẩn trương. Bệnh nhân nam, 62 tuổi, ngụ Sóc Trăng, bị xơ gan do viêm gan B nhiều năm qua. Bệnh nhân từng điều trị nội khoa nhưng tình trạng không cải thiện, men gan tăng liên tục và có dấu hiệu suy gan.
Ca ghép được thực hiện xuyên đêm. Khi trời vừa hửng sáng, lá gan mới đã ổn định vị trí và bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực. Hiện ông đã tự thở, có phản xạ tốt và được ăn qua đường miệng – một tín hiệu rất tích cực sau ghép gan.
Ánh sáng trở lại với hai đôi mắt mờ
Câu chuyện của hai nữ bệnh nhân được ghép giác mạc cũng khiến nhiều người xúc động.
T.H.M. (21 tuổi, Kiên Giang), bị loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh. Từ bé M. đã không nhìn rõ, đến năm 16 tuổi thì mắt mờ gần như hoàn toàn. "Học tới lớp 6 là em nghỉ vì không nhìn thấy bảng, không tự làm được gì, mọi thứ đều nhờ mẹ. Khi biết được ghép giác mạc, em mừng lắm. Em sẽ cố sống tốt để xứng đáng với món quà này.".

N.T.T.H. (46 tuổi, TP.HCM), bị loạn dưỡng giác mạc ở cả hai mắt. Nhà nghèo, chị phải một mình chăm con nhỏ 2 tuổi với đôi mắt gần như mù lòa. "Có lần đút cháo cho con mà đút vào mũi. Nhìn con khóc, tôi chỉ biết tự trách mình. Lúc được mở băng mắt sau ghép, tôi khóc vì lần đầu sau 10 năm nhìn thấy rõ mặt con mình."
Hai ca ghép giác mạc được thực hiện song song tại khoa Mắt, trong điều kiện vô trùng tuyệt đối. Sau ghép, thị lực của cả hai bệnh nhân đang cải thiện từng ngày.
Ca ghép da cứu sống bệnh nhân bỏng nặng
Nữ bệnh nhân 62 tuổi đến từ Bình Định nhập viện vào tháng 3/2025 vì bỏng lửa nặng, tổn thương 48% diện tích cơ thể, trong đó 38% độ III – nặng nhất. Trải qua 7 lần mổ cắt lọc hoại tử, bệnh nhân vẫn còn vùng da lớn chưa được phủ kín, nguy cơ nhiễm trùng cao.

Tấm da hiến từ người chết não đã trở thành "chiếc áo mới" che phủ vùng bỏng, giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử. Lần thay băng đầu tiên sau ghép cho thấy da bám tốt, không có dấu hiệu thải ghép – một thành công ngoài mong đợi với một trường hợp cực kỳ phức tạp.
Nỗ lực không ngừng nghỉ vì sự sống người bệnh
Đằng sau 6 ca ghép thành công ấy là hàng trăm giờ làm việc liên tục của các ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ. Họ không có một ngày nghỉ trong kỳ lễ, không ngủ trọn một giấc giữa đêm để giành giật sự sống cho người bệnh.
"Chúng tôi không chỉ ghép tạng, chúng tôi ghép hy vọng, trao cơ hội, và làm cầu nối cho một nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa. Thành công của 6 ca ghép là sự tri ân thiết thực nhất với người hiến – những người đã ra đi nhưng để lại một phần cơ thể cho sự sống khác tiếp tục", TS.BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.
Một dấu mốc đáng nhớ giữa dịp đại lễ 30/4
Sự kiện tiếp nhận và ghép thành công 6 tạng hiến chỉ trong vòng 24 giờ không chỉ là một kỳ tích y khoa mà còn là một điểm sáng nhân văn trong dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc. Đó là minh chứng sinh động cho năng lực tổ chức, phối hợp và trình độ chuyên môn cao của Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi không ngừng nỗ lực để làm tròn sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đây cũng là một lời nhắc nhở đẹp đẽ rằng: trong khi đất nước kỷ niệm ngày thống nhất, vẫn còn những con người thầm lặng góp phần viết tiếp những trang sử nhân đạo – bằng hành động, bằng chuyên môn, và bằng cả trái tim.
Tấn Tài