Bình Định bố trí 750 tỷ đồng tham gia xây dựng cao tốc hơn 36.000 tỷ nối Pleiku

Thứ ba, 29/04/2025 - 16:01

Tỉnh Bình Định vừa chính thức thông qua kế hoạch bố trí 750 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tham gia đầu tư vào dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, một trong những tuyến giao thông trọng điểm kết nối miền Trung với Tây Nguyên.

 

Bình Định bố trí 750 tỷ đồng tham gia xây dựng cao tốc hơn 36.000 tỷ nối Pleiku- Ảnh 1.

Lộ trình dự kiến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn. 

Ngày 28/4, tại kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa XIII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku. Cụ thể, tỉnh sẽ bố trí 750 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Nguồn vốn này được trích từ danh mục các công trình hạ tầng phục vụ phát triển quỹ đất và khu tái định cư của tỉnh.

Theo hồ sơ dự án, tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có chiều dài khoảng 123-125km, đi qua hai tỉnh Bình Định (40km) và Gia Lai (85km). Điểm đầu tại xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn, Bình Định) và điểm cuối tại xã Ia Kênh (TP. Pleiku, Gia Lai).

Tổng mức đầu tư cho toàn tuyến theo dự kiến ban đầu là hơn 36.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này có thể được điều chỉnh lên hơn 43.500 tỷ đồng khi tính toán đầy đủ yếu tố địa hình, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và biến động giá.

Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời tăng khả năng kết nối quốc tế thông qua cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) với các nước Campuchia, Lào và Thái Lan, đóng vai trò như một trục giao thông Đông – Tây quan trọng trong chiến lược phát triển vùng.

Điểm đáng chú ý là dự án cao tốc này đang được triển khai trong bối cảnh Trung ương và Chính phủ đang xem xét đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 12/4/2025, dự kiến sẽ hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Gia Lai thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Gia Lai, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn (Bình Định).

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đã ký Quyết định 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Trong đó, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên vùng, đặc biệt là tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, được xem là một bước chuẩn bị hạ tầng chiến lược phục vụ mô hình quản trị hai cấp sau sáp nhập.

 

Bảo Minh