Chiến Lê- ngọn lửa đam mê và chiều sâu của một người thực sự sống cùng âm thanh

Thứ hai, 26/05/2025 - 15:05

Khi công nghệ phát triển, một cuộc tranh luận cũng dần nảy sinh – plugin hay analog, đâu mới là con đường đúng đắn? Người chọn phần mềm nói về sự linh hoạt, hiệu quả; người yêu phần cứng lại nhấn mạnh độ sâu và “chất” đặc trưng không thể sao chép. Cả hai bên đều có lý, nhưng dường như trong lúc tranh cãi, chúng ta đang quên mất một điều quan trọng nhất: âm nhạc là cảm xúc, và người làm nhạc – dù dùng gì – vẫn luôn là trái tim của mọi sản phẩm họ làm.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có dịp gặp gỡ anh Chiến Lê – một cái tên quen thuộc trong giới thu âm và mix master tại Việt Nam.

Chiến Lê- ngọn lửa đam mê và chiều sâu của một người thực sự sống cùng âm thanh - Ảnh 1.

Với gần 17 năm kinh nghiệm, anh đã có cơ hội cộng tác cùng rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam và tham gia sản xuất hàng loạt sản phẩm âm nhạc từng góp mặt trong top trending, sở hữu hàng trăm triệu lượt nghe trên các nền tảng thậm chí có những ca khúc trở thành hit quốc dân một thời. Dù rất kín tiếng về bản thân, nhưng cách anh nói chuyện về âm nhạc và cảm xúc đã cho thấy rõ ngọn lửa đam mê và chiều sâu của một người thực sự sống cùng âm thanh là như thế nào.

PV: Theo anh, âm nhạc Việt Nam hiện nay đang chuyển mình như thế nào về mặt sản xuất ?

Chiến Lê: Âm nhạc Việt đang phát triển rất nhanh, không chỉ ở chất lượng bài hát mà cả ở khâu sản xuất. Tai nghe của khán giả ngày càng có gu hơn, đồng nghĩa với việc người làm nhạc cũng phải tinh tế hơn, cập nhật hơn. Sự chuyển mình này cũng đi kèm với làn sóng công nghệ phát triển – có người làm nhạc hoàn toàn trên máy tính, có người trung thành với analog.

Chiến Lê- ngọn lửa đam mê và chiều sâu của một người thực sự sống cùng âm thanh - Ảnh 2.

 PV: Vậy công nghệ đã thay đổi cách người ta làm nhạc như thế nào, theo anh?

Chiến Lê: Công nghệ giúp âm nhạc đến gần mọi người hơn. Ngày xưa để có một bản thu chỉn chu là chuyện rất xa xỉ chưa nói đến việc phát hành. Nhưng giờ một bạn trẻ ở nơi xa xôi vẫn có thể làm ra bài hát viral chỉ với một chiếc laptop, vài thiết bị và phần mềm cơ bản. Nhưng chính vì công nghệ phát triển quá nhanh, nên những tranh luận về cách làm, về thiết bị — như câu chuyện plugin hay analog đã và đang được rất nhiều người quan tâm đến.

PV: Theo anh, plugin có thể thay thế hoàn toàn analog không?

Chiến Lê: Có những công đoạn plugin không thể cũng như không nhất thiết phải "thay thế" analog. Chúng là hai thế giới song song, mỗi bên có ưu và nhược điểm riêng. Quan trọng không phải là công cụ nào "tốt hơn", mà là bạn có dùng đúng cách và truyền tải được cảm xúc của tác phẩm qua nó hay không.

Chiến Lê- ngọn lửa đam mê và chiều sâu của một người thực sự sống cùng âm thanh - Ảnh 3.

PV: Với kinh nghiệm của mình, anh đã bao giờ dùng cả analog lẫn plugin trong cùng một dự án chưa?

Chiến Lê: Tất nhiên là mình vẫn hằng ngày sử dụng song song cả hai. Với mình, plugin là sự tiện lợi, linh hoạt; còn analog là chiều sâu, là màu sắc thủ công. Kết hợp cả hai là cách mình tìm ra "điểm ngọt" cho từng bài hát và nó còn tuỳ thuộc ở cảm xúc mà ca sĩ và bài hát mang lại nữa.

PV: Theo anh, điều gì quan trọng nhất trong quá trình thu âm,mix & master?

Chiến Lê: Nhiều người nghĩ là cái preamp, cái compressor, hay cái plugin nào đó "xịn xò". Không sai – mấy cái đó có ích thật nhưng với cá nhân tôi, thứ quan trọng nhất vẫn là đôi tai và trái tim.

Đôi tai để nghe được từng chi tiết nhỏ, còn trái tim để cảm được bài hát, cảm được điều ca sĩ đang muốn truyền tải qua câu hát. Có thể dùng EQ ảo hay EQ thật, reverb stock hay reverb vài trăm đô – nhưng nếu ta không cảm được bài hát, thì mọi thứ cũng chỉ là mấy con số trên màn hình, trên thiết bị mà thôi.

Nói vui một chút: Với mình khi thu âm và mix master nếu không cảm được tác phẩm cũng giống như nấu ăn mà không nêm nếm – làm xong nhìn thì có vẻ đẹp, nhưng ăn vào chẳng thấy vị gì. Âm nhạc là để "chạm" vào cảm xúc, để thưởng thức, không phải để đó.

Chiến Lê- ngọn lửa đam mê và chiều sâu của một người thực sự sống cùng âm thanh - Ảnh 4.

PV: Anh có nghĩ công nghệ làm âm nhạc dễ dãi hơn?

Chiến Lê: Công nghệ mở ra rất nhiều cơ hội chứ không làm người ta dễ dãi. Chính con người quyết định mình dùng công nghệ để sáng tạo hay để sao chép. Một người biết cách lắng nghe, biết cảm nhận cuộc sống theo cách có chiều sâu vẫn sẽ làm ra tác phẩm đầy cảm xúc dù chỉ với những thiết bị cơ bản.

PV: Anh nghĩ gì về việc nhiều người trẻ mới vào nghề bị mặc cảm vì không có những thiết bị analog đắt tiền?

Chiến Lê: Âm nhạc không phải cuộc thi thiết bị. Mình biết nhiều producer làm nhạc hay thu âm và mix master chỉ bằng những thiết bị rất cơ bản nhưng tạo ra những sản phẩm đầy màu sắc và được đánh giá rất cao qua lượt nghe và đánh giá của khán giả. Quan trọng là bạn hiểu rõ âm nhạc của mình muốn nói gì và làm thế nào để nói điều đó một cách chân thật nhất.

PV: Vậy làm thế nào để các bạn trẻ đi theo nghề này không bịcuốn sâu vào lối suy nghĩ phải có thiết bị analog đắt tiền mới tạo ra được 1 sản phẩm âm nhạc cảm xúc?

Chiến Lê: Mình hiểu cảm giác đó lắm chứ! Khi mới bước vào nghề, nhìn người khác có phòng thu xịn, đồ analog đắt tiền, còn mình chỉ có cái sound card nhỏ và cái mic tầm trung… thế là tự nhiên thấy mình thua từ vòng gửi xe rồi ! Nhưng thật ra, sau bao năm làm nghề mình hiểu ra điều làm nên một sản phẩm chạm được trái tim người khác không nằm ở giá thiết bị, mà nằm ở độ thật của cảm xúc.

Ngày xưa, mình từng thu một bài hát bằng cái mic bèo cùng chiếc sound card rất bình dân trong căn gác nhỏ nóng hầm hập không điều hòa, không cách âm. Nhưng giọng hát hôm đó của bạn ca sĩ trẻ ấy như đang tâm sự về mối tình đổ vỡ của chính bạn ấy chứ không còn là "hát" nữa. Mình giữ nguyên take đó, cả mình và bạn ca sĩ ấy đều thống nhất không sửa gì. Sau này lên sóng, khi ca khúc đạt được thứ hạng cao trên bảng xếp hạngcùng lượt nghe rất khủng, không ai đặt câu hỏi bài hát được thu bằng mic gì, preamp gì – chỉ có những câu hỏi đầy cảm xúc như: "Sao nghe bài hát này mà muốn khóc vậy?", " Bài hát như đang hát cho bản thân mình vậy".

Vậy nên mình luôn nói với các bạn trẻ mới vào nghề cũng như khách hàng của mình rằng: Thiết bị là thứ nâng tầm cảm xúc, chứ không tạo ra cảm xúc. Cái cần đầu tư trước tiên là đôi tai, trái tim và sự tự nhiên trong từng bản nhạc. Làm nhạc bằng tất cả những gì mình đang có và làm nó với tình yêu thật sự – đó là thứ không công nghệ nào thay thế được !

Chiến Lê- ngọn lửa đam mê và chiều sâu của một người thực sự sống cùng âm thanh - Ảnh 5.

PV: Nếu có một thông điệp muốn gửi đến cả hai "phe", anh sẽ nói gì?

Chiến Lê: Các bạn hãy nhớ đến lý do lớn nhất khiến mình dấn thân vào nghề này là gì? Chúng ta đều xuất phát điểm từ tình yêu âm nhạc ! Đừng để analog hay digital làm bạn quên đi giá trị cốt lõi là gì. Cũng đừng để cái tôi quá lớn của bản thân khiến ta quên đi trái tim ta thực sự muốn gì. Analog là hơi thở của thời gian còn plugin là hơi thở của hiện đại, hai thứ ấy luôn tồn tại song song cùng nhau và giúp cho con người tạo ra được những giá trị nghệ thuật.

Hãy lắng nghe, học hỏi lẫn nhau để cùng cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà tạo ra những tác phẩm mang lại giá trị cảm xúc sống mãi với thời gian.

Cuối cùng, câu nói của một chuyên gia âm thanh nổi tiếng thế giới mà mình rất tâm đắc đó là: "Người nghe nhạc không quan tâm bạn dùng gì – họ chỉ nhớ bạn làm cho họ cảm thấy gì thôi !"

Diệu Thuý (thực hiện)