Bài toán “có 100 triệu nên đầu tư thế nào để sinh lời an toàn” thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ
Dưới đây là phân tích một số kênh đầu tư phổ biến với số vốn 100 triệu đồng, xét trên các tiêu chí: an toàn, thanh khoản, lợi suất và rủi ro thị trường.
1. Gửi tiết kiệm: Kênh an toàn nhưng lãi suất chưa thật hấp dẫn
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2025, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp, phổ biến dao động từ 2% đến 5,95%/năm, tùy theo kỳ hạn và từng ngân hàng.
Đối với kỳ hạn 6-12 tháng, lựa chọn phổ biến của người gửi tiền, lãi suất hiện dao động từ khoảng 2,9% đến 5,95%/năm. Một số ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất cao cho kỳ hạn 12 tháng như GPBank, Vietbank, VIKKI Bank và MBV (từ 5,8-5,95%/năm).
Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng, người gửi có thể nhận lãi khoảng 2,9-5,95 triệu đồng/năm.
Với mức sinh lời này, gửi tiết kiệm được đánh giá là kênh đầu tư an toàn tuyệt đối, phù hợp với người cần tính ổn định và linh hoạt dòng tiền, song lại khó bù trượt giá trong bối cảnh lạm phát có thể tăng cao trở lại, đặc biệt nếu lạm phát vượt mốc 5%.
Do đó, gửi tiết kiệm phù hợp với những người ưa sự ổn định và cần đảm bảo tính linh hoạt cho dòng tiền.
2. Mua vàng: “Hầm trú ẩn” trong biến động, nhưng cần chọn thời điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/6/2025, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng giảm theo thị trường thế giới. Cụ thể, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 117,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 119,7 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 300.000 đồng mỗi chiều so với phiên trước. Giá vàng nhẫn trơn cũng giảm 400.000 đồng, hiện ở mức 113,4 - 115,9 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong khi đó, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 3.273 USD/ounce, quy đổi khoảng 104,9 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Vàng được xem là một kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát, được nhiều người lựa chọn giữ giá trị trong dài hạn
Với 100 triệu đồng, nhà đầu tư có thể mua được chưa đến 1 lượng vàng SJC, cụ thể khoảng 0,85 lượng nếu tính theo giá bán ra là 119,7 triệu đồng/lượng. Nếu mua vàng nhẫn, số lượng có thể nhỉnh hơn một chút, khoảng 0,86 - 0,88 lượng, tùy vào mức giá từng doanh nghiệp.
Giá vàng hiện vẫn đang ở vùng cao kỷ lục so với nhiều năm qua, và có biến động khá mạnh theo thị trường thế giới. Việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 15 triệu đồng/lượng (khoảng 14%) khiến rủi ro “mua đỉnh” tăng lên, đặc biệt nếu thị trường điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian tới. Tuy vậy, vàng vẫn là một kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát, được nhiều người lựa chọn giữ giá trị trong dài hạn.
Với 100 triệu đồng, đầu tư vào vàng ở thời điểm hiện tại mang tính chất phòng thủ hơn là sinh lời. Biên độ dao động giá vàng lớn, rủi ro giảm giá ngắn hạn hiện hữu, nhưng nếu xác định nắm giữ dài hạn (từ 1–2 năm trở lên), vàng vẫn là một lựa chọn giữ tài sản an toàn, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc thời điểm mua vào, tránh mua khi giá vừa tăng mạnh.
3. Trái phiếu doanh nghiệp: Lợi suất cao nhưng cần chọn lọc kỹ
Tính đến cuối tháng 6/2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang có dấu hiệu ấm dần, với lượng phát hành tăng trở lại sau thời gian dài trầm lắng.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 20/6, đã có 30 đợt phát hành TPDN được ghi nhận trong tháng, với tổng giá trị lên tới 28.968 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng lượng trái phiếu phát hành đạt 172.053 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cá nhân sở hữu khoảng 100 triệu đồng hoàn toàn có thể cân nhắc kênh trái phiếu như một lựa chọn sinh lời. Hiện nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mệnh giá nhỏ, chỉ từ 10 – 100 triệu đồng/trái phiếu, đồng thời nhiều nền tảng đầu tư online cũng cho phép mua lô lẻ hoặc đầu tư định kỳ linh hoạt.
Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp trung bình trong quý 1/2025 ở mức 7,29%/năm, theo VBMA, cao hơn đáng kể so với mức lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay (dao động từ 2,9% đến khoảng 6%/năm).
Một số trái phiếu có lãi suất từ 10-13%/năm, song đây cũng là tín hiệu cảnh báo về mức độ rủi ro cao hơn, nhất là với doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Cần lưu ý rằng, trái phiếu không có bảo hiểm như tiền gửi ngân hàng và hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Việc lựa chọn trái phiếu vì mức lãi hấp dẫn mà bỏ qua yếu tố uy tín, minh bạch và năng lực tài chính của doanh nghiệp là khá rủi ro.
Nếu muốn đầu tư an toàn hơn, người có 100 triệu đồng nên lựa chọn trái phiếu của doanh nghiệp có lịch sử hoạt động ổn định trên 10 năm, lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh chính, không quá phụ thuộc vào vốn vay. Doanh nghiệp đó cần có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu dưới 1 lần, nghĩa là không vay mượn quá nhiều so với năng lực tài chính của mình. Ngoài ra, trái phiếu nên có tài sản đảm bảo rõ ràng, và nếu có thể, cần xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức độc lập để đánh giá mức độ rủi ro.
4. Góp vốn nhỏ vào mô hình kinh doanh hoặc đầu tư cá nhân
Khi lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, vàng biến động khó lường, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể chuyển hướng sang những mô hình đầu tư mang tính thực tế và chủ động hơn – trong đó có việc góp vốn kinh doanh nhỏ hoặc đầu tư vào dự án cá nhân.
Một lựa chọn điển hình là mở quán cà phê, quán ăn sáng, đồ uống take-away hoặc cửa hàng thời trang nhỏ. Với số vốn khoảng 100 triệu đồng, bạn có thể mở mô hình mini ở khu vực đông dân cư như gần trường học, khu công nghiệp hoặc văn phòng.
Ví dụ, một quán nước ép – cà phê take-away đầu tư 100 triệu đồng có thể thu về doanh thu 40-60 triệu/tháng nếu chọn đúng địa điểm và có menu phù hợp. Trừ chi phí vận hành (nguyên liệu, thuê mặt bằng, nhân công), lợi nhuận ròng mỗi tháng dao động 10-15 triệu đồng. Như vậy, sau khoảng 8-10 tháng, bạn đã hoàn vốn và bắt đầu sinh lời.
Tuy nhiên, mô hình này không dễ thành công nếu thiếu kinh nghiệm. Những khoản chi ẩn như marketing, thiết kế thương hiệu, đào tạo nhân viên, bảo trì thiết bị… thường bị bỏ qua trong kế hoạch ban đầu. Chưa kể, nếu chọn sai vị trí hoặc gặp mùa thấp điểm, quán có thể lỗ liên tục trong vài tháng đầu. Lời khuyên là nên hợp tác với người có kinh nghiệm hoặc bắt đầu bằng mô hình nhỏ để thử nghiệm thị trường.
Một hướng đi linh hoạt hơn là đầu tư vào bán hàng online. Chỉ với vài chục triệu đồng, bạn có thể nhập một số mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, đặc sản vùng miền hoặc phụ kiện để bán qua Facebook, TikTok Shop hay Shopee. Ưu điểm là không cần thuê mặt bằng, có thể tận dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, và tỷ suất lợi nhuận thường khá cao (từ 20-40%). Tuy nhiên, cạnh tranh rất lớn, đặc biệt trong các ngành hàng phổ biến. Nếu không có kiến thức về marketing số, chăm sóc khách hàng, vận hành đơn hàng… rất dễ bị thâm hụt vốn.
Để giảm rủi ro, bạn có thể chọn hình thức bán hàng đặt trước (pre-order) hoặc dropshipping, tức là chỉ đặt hàng khi có khách mua – tránh tồn kho. Với 100 triệu đồng, có thể phân bổ một phần cho hàng hóa, phần còn lại dành cho chạy quảng cáo và xây kênh bán hàng.
Một lựa chọn khác là góp vốn vào hộ kinh doanh cá thể, chẳng hạn như tiệm tạp hóa, xe đẩy đồ ăn, quán nhậu vỉa hè hoặc tiệm sửa xe máy, cắt tóc. Mô hình này thường đơn giản, ít thủ tục, đặc biệt nếu hợp tác với người thân hoặc bạn bè.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất nằm ở việc thiếu tính minh bạch. Rất nhiều trường hợp không lập sổ sách, không có hợp đồng góp vốn, dẫn đến mâu thuẫn khi chia lợi nhuận hoặc xảy ra lỗ lãi. Nhà đầu tư nên yêu cầu lập hợp đồng góp vốn rõ ràng, có cam kết chia lợi nhuận, trách nhiệm vận hành cụ thể và cập nhật tài chính định kỳ.
Với 100 triệu đồng, đầu tư vào mô hình kinh doanh nhỏ có thể sinh lời gấp nhiều lần gửi tiết kiệm, nhưng không dành cho người thụ động. Đó là bài toán đánh đổi giữa tỷ suất lợi nhuận và khả năng chấp nhận rủi ro. Nếu bạn có kỹ năng kinh doanh, tư duy marketing hoặc đối tác tin cậy, đây là con đường có thể mở ra cơ hội lớn. Còn nếu bạn là người mới, có thể cân nhắc kết hợp đầu tư vào quỹ mở, trái phiếu doanh nghiệp uy tín hoặc tiết kiệm linh hoạt, để phân tán rủi ro trong giai đoạn đầu.
Anh Mai