Cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kêu gọi tung gói kích thích 209 tỷ USD

Thứ sáu, 11/07/2025 - 16:11

Trung Quốc nên tung ra gói kích thích mới trị giá lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 209 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa và duy trì sự linh hoạt của đồng Nhân dân tệ, trong bối cảnh các biện pháp thuế quan của Mỹ đang gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế, theo đề xuất từ một nhóm học giả, bao gồm cả một thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).

Cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kêu gọi tung gói kích thích 209 tỷ USD - Ảnh 1.

Cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kêu gọi tung gói kích thích 209 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

Trong báo cáo công bố ngày thứ Sáu 10/7, ông Hoàng Dực Bình (Huang Yiping), thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ PBOC, cùng hai chuyên gia là Quách Khải (Guo Kai) – nguyên quan chức cấp cao của PBOC – và Alfred Schipke, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những “cú sốc mới” kể từ tháng 4/2025 do tác động kết hợp giữa thuế quan mới từ Mỹ và áp lực giảm phát kéo dài.

“Để ứng phó với những thách thức đang thay đổi nhanh chóng, Trung Quốc cần áp dụng chính sách đối chu kỳ quyết liệt hơn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cải cách cơ cấu”, báo cáo nhấn mạnh.

Đề xuất tăng mạnh kích thích tiêu dùng

Các chuyên gia đề xuất chính phủ nên tung thêm gói kích thích trị giá từ 1.000-1.500 tỷ nhân dân tệ trong vòng 12 tháng tới, nhằm hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình - đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các mức thuế mới của Mỹ dao động 20–30%. Con số này cao gấp nhiều lần so với kế hoạch hiện tại của chính quyền là vay 300 tỷ nhân dân tệ thông qua trái phiếu siêu dài hạn để trợ cấp mua hàng tiêu dùng – một phần trong sáng kiến trọng điểm nhằm thúc đẩy chi tiêu.

Giới phân tích kinh tế ngày càng kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng thêm chính sách trong những tháng tới để bảo vệ đà phục hồi kinh tế – vốn đang chịu áp lực từ thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump...

Trong nước, thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, còn giá cả giảm sâu buộc doanh nghiệp phải hạ giá bán nhằm giữ chân người tiêu dùng đang có thu nhập không mấy khả quan.

Gợi ý hạ lãi suất và duy trì linh hoạt tỷ giá

Ông Hoàng và các đồng nghiệp cũng cho rằng PBOC nên tiếp tục hạ lãi suất chính sách và chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay cơ bản (Loan Prime Rate) nhằm nâng kỳ vọng tăng trưởng danh nghĩa – yếu tố then chốt với lợi nhuận doanh nghiệp. Các chuyên gia này nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ “mức độ linh hoạt phù hợp” cho đồng Nhân dân tệ để hấp thụ các cú sốc bên ngoài trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Quách Khải, từng là Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ PBOC, tỏ ra hoài nghi khả năng Trung Quốc đưa lãi suất xuống mức âm, do lo ngại sẽ tạo áp lực lên lợi nhuận ngân hàng và nguy cơ bất ổn tài chính.

“PBOC còn nhiều công cụ khác ngoài lãi suất âm”, ông Quách nói trong một buổi họp trực tuyến, dẫn ví dụ về các biện pháp tài khóa bán phần như công cụ Pledged Supplemental Lending (PSL) – từng được sử dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản đang giảm tốc cách đây một thập kỷ.

Về dài hạn, nhóm chuyên gia khuyến nghị chính phủ nên mở rộng cơ sở thuế thu nhập cá nhân, đơn giản hóa hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) để đảm bảo tính bền vững tài khóa. Đồng thời, cần quản lý rủi ro từ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để tạo dư địa tín dụng cho các lĩnh vực năng suất cao hơn.

Các khoản vay dành cho SME hiện đã vượt 60% GDP của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 37% vào năm 2019 và thậm chí còn lớn hơn dư nợ đối với các công ty tài chính địa phương. Điều này đặt ra bài toán lớn về phân bổ hiệu quả nguồn lực tín dụng trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất định.

 

Anh Mai