Cúm mùa: Vì sao mẹ bầu không nên xem nhẹ?

Thứ ba, 29/04/2025 - 06:00

Mang thai là hành trình tuyệt đẹp, nhưng cũng đầy thách thức. Đừng để cúm mùa cản bước niềm vui làm mẹ. Tiêm phòng hôm nay, bảo vệ tương lai bé yêu!

Cúm mùa: Vì sao mẹ bầu không nên xem nhẹ?- Ảnh 1.

Đầu năm 2025, cúm mùa diễn biến phức tạp với số ca bệnh nặng tăng nhanh. Theo CDC Hoa Kỳ, mùa cúm thuộc nhóm nghiêm trọng cao với hơn 33 triệu ca, 430.000 ca nhập viện và 19.000 ca tử vong tính đến tháng 2/2025.

Tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng cho biết chỉ trong tháng 1/2025, cả nước ghi nhận 912 ca cúm, riêng tại Hà Nội có tới 820 ca, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý một số ca nặng phải nhập viện, trong đó có cả phụ nữ mang thai.

TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối sản – Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Giảng viên bộ môn sản – Đại học Y dược TP. HCM, cho biết: "Phụ nữ mang thai nằm trong nhóm có nguy cơ cao khi mắc cúm. Không chỉ gây biến chứng nặng cho mẹ, cúm còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí dẫn đến sinh non, thai lưu."

Cúm mùa: Vì sao mẹ bầu không nên xem nhẹ?- Ảnh 2.

TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối sản – Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Giảng viên bộ môn sản – Đại học Y dược TP. HCM

Vì sao mẹ bầu dễ gặp biến chứng nặng khi nhiễm cúm?

"Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy giảm tự nhiên để bảo vệ thai nhi, điều này khiến họ dễ bị nhiễm trùng hơn, bao gồm cả cúm. Các thay đổi về hô hấp và tuần hoàn trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ biến chứng nếu không điều trị kịp thời", TS.BS Bùi Chí Thương, chia sẻ.

Theo CDC, Mỹ, cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng với mẹ bầu như:

Viêm phổi: có thể dẫn đến suy hô hấp.

Nhập viện: Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhập viện cao hơn so với người không mang thai.

Nguy cơ tử vong: đặc biệt ở những người có bệnh nền.

Biến chứng thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai lưu.

"Không chỉ nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, cúm còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi như: làm tăng nguy cơ nhẹ cân, sinh non, trong trường hợp biến chứng nặng, có thể dẫn đến thai lưu. Nếu mẹ mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ", TS.BS Bùi Chí Thương cho biết.

Tiêm vaccine cúm: Một hành động nhỏ, bảo vệ nhân đôi

Cúm mùa: Vì sao mẹ bầu không nên xem nhẹ?- Ảnh 3.

Theo các nghiên cứu, vaccine cúm giúp giảm 51% nguy cơ thai lưu, 25% tỷ lệ sinh non, và 72% nguy cơ trẻ nhũ nhi dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.

Dù vậy nhiều mẹ bầu vẫn chưa chủ động tiêm phòng. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ thai phụ tiêm vaccine cúm giảm xuống dưới 50% trong mùa cúm 2022-2023, thấp hơn 10% so với năm trước. Ở các quốc gia khác như Ấn Độ, Peru và Thái Lan, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 13%.

Điều này cho thấy việc nâng cao nhận thức về lợi ích của vaccine cúm trong thai kỳ là vô cùng cần thiết.

Chị Bích Tuyền (29 tuổi, TP. HCM), mẹ bầu ở tháng thứ 7, từng chủ quan không tiêm phòng cúm. Sau khi tiếp xúc với đồng nghiệp mắc cúm, chị nhiễm bệnh và nhập viện do viêm phổi nặng. "Tôi không nghĩ cúm lại nguy hiểm đến vậy khi mang thai. Sau lần đó, tôi hiểu việc tiêm phòng quan trọng thế nào. Nhờ bác sĩ chăm sóc, hai mẹ con đã qua giai đoạn nguy hiểm, nhưng tôi ước gì mình tiêm phòng sớm hơn", chị chia sẻ.

Mẹ bầu cần làm gì để bảo vệ bản thân và thai nhi?

TS.BS Bùi Chí Thương chia sẻ: "Nhiều phụ n ữ mang thai lo lắng về sự an toàn của vaccine, tâm lý e ngại không tiêm vaccine cúm. Tuy nhiên, vaccine cúm bất hoạt được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong thai kỳ, bảo vệ mẹ khỏi biến chứng và giúp thai nhi có kháng thể trong 6 tháng đầu đời".

Tiêm vaccine cúm cho phụ nữ đang hoặc chuẩn bị mang thai đã được chứng minh an toàn và được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới, Liên đoàn sản phụ khoa quốc tế, cùng nhiều tổ chức y tế uy tín.

Cúm mùa: Vì sao mẹ bầu không nên xem nhẹ?- Ảnh 4.

Giải đáp về thời điểm "vàng" tiêm phòng cúm, TS.BS Bùi Chí Thương khuyến nghị: " Nếu có ý định mang thai, bạn nên tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt để bảo vệ mẹ và thai nhi ngay từ những tháng đầu. Vì sau khi tiêm, cơ thể cần 2 tuần để sản xuất kháng thể đặc hiệu. Nếu chưa kịp tiêm, đừng lo lắng vì mẹ bầu vẫn có thể tiêm vaccine trong bất kỳ tam cá nguyệt nào của thai kỳ, tùy vào sức khỏe, tình hình dịch cúm, và sự sẵn có của vaccine ".

Phụ nữ cho con bú cũng có thể tiêm vaccine cúm. Kháng thể từ mẹ có thể truyền sang cho trẻ qua sữa mẹ, giúp bảo vệ trẻ nhũ nhi dưới 6 tháng tuổi trước cúm khi chưa đủ tuổi tiêm phòng.

Cúm mùa: Vì sao mẹ bầu không nên xem nhẹ?- Ảnh 5.

" Mẹ bầu cũng cần bảo vệ sức khỏe bằng các biện pháp như: duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung vitamin cần thiết... Nếu có biểu hiện cúm như sốt, ho, mệt mỏi… mẹ bầu cần đi khám ngay để được chẩn đoán sớm, tránh biến chứng ", TS.BS Bùi Chí Thương, lưu ý.

Chủ động tiêm phòng cúm để bảo vệ sức khỏe, hướng đến một thai kỳ khỏe mạnh và một tương lai an toàn cho bé yêu, mẹ nhé.

Bạn có thể truy cập trang điện tử a:care để tìm hiểu thêm về cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong mùa cúm năm nay. a:care được phát triển bởi www.vn.abbott - công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu, cung cấp thông tin khoa học về sức khỏe, giúp bạn chủ động quản lý sức khỏe của chính mình để có cuộc sống khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn.

Quang Vũ