Cuộc sáp nhập hành chính giữa Bắc Giang và Bắc Ninh không chỉ làm thay đổi bản đồ địa lý hành chính Việt Nam, mà còn đang khơi dậy một làn sóng kỳ vọng lớn từ giới đầu tư.
Sát nhập tỉnh, mở lối đại đô thị công nghiệp
Đề án sáp nhập Bắc Giang vào Bắc Ninh để thành lập tỉnh mới với quy mô dân số gần 3,6 triệu người, diện tích hơn 4.700 km2, không chỉ là bước đi mang tính tổ chức hành chính, mà còn là chiến lược tạo lập một cực tăng trưởng công nghiệp – đô thị kiểu mẫu phía Bắc.
Bắc Ninh vốn là địa phương đứng top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn lũy kế hơn 40 tỷ USD. Bắc Giang – trong vài năm gần đây nổi lên như một “hiện tượng tăng trưởng” với GRDP quý 1/2025 tăng tới 14% và thu hút thêm 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 22,8 triệu USD, thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Khi hai địa phương này “về chung nhà”, quy hoạch vùng sẽ được tái cấu trúc theo hướng liên kết hệ thống, thúc đẩy hình thành đại đô thị công nghiệp và hành lang logistics chiến lược.
Hiện Bắc Giang có 16 khu công nghiệp (KCN) và 55 cụm công nghiệp (CCN), trong khi Bắc Ninh có 16 KCN lớn, diện tích lên tới hơn 6.400 ha. Việc hợp nhất không chỉ mở rộng quỹ đất công nghiệp mà còn tạo điều kiện đồng bộ hóa về hạ tầng, từ đó hình thành chuỗi cung ứng và các KCN liên hoàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe từ các doanh nghiệp sản xuất.
Không dừng lại ở đất KCN, bất động sản logistics – nhà kho, nhà xưởng xây sẵn cũng sẽ bùng nổ. Theo Cushman & Wakefield, từ nay đến năm 2028, nguồn cung nhà kho xây sẵn khu vực miền Bắc sẽ đạt khoảng 800.000 m2, trong đó Bắc Ninh và Bắc Giang chiếm tới gần 45%. Đây là tiền đề quan trọng để thị trường BĐS công nghiệp hai tỉnh bật tăng sau hợp nhất.
Mảnh ghép hạ tầng giao thông hoàn hảo
Tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Nội Bài – Hạ Long, vành đai 4, quốc lộ 18, cùng các trục liên kết mới như đường tỉnh 295B, cầu Như Nguyệt, đường kết nối sân bay Gia Bình… sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên vùng linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho sản xuất công nghiệp, vận tải hàng hóa và phát triển đô thị vệ tinh.
Sự đồng bộ này còn giúp giảm áp lực lên hạ tầng lõi tại Hà Nội, mở đường cho các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy, kho bãi về khu vực Bắc Giang – Bắc Ninh với chi phí hợp lý và quỹ đất dồi dào.
Bất động sản nhà ở “theo sóng” bất động sản công nghiệp
Cùng với đà phát triển của khu công nghiệp, bất động sản nhà ở, đặc biệt là các sản phẩm dành cho chuyên gia, công nhân, cán bộ kỹ thuật, cũng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Nhiều khu đô thị tại TP Bắc Ninh, TP Bắc Giang đã chứng kiến mức giá tăng 10 – 20% kể từ đầu năm.
Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, sự hội tụ giữa Bắc Giang và Bắc Ninh sẽ thúc đẩy hình thành một “siêu tỉnh công nghiệp” với hệ sinh thái đa tầng: sản xuất – logistics – thương mại – dịch vụ – đô thị. Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc hưởng lợi trực tiếp, đặc biệt khi các chính sách thu hút FDI mới được ban hành.
“Đây là cơ hội tốt nhưng không dành cho những ai muốn lướt sóng. Việc lựa chọn các dự án đã có quy hoạch bài bản, pháp lý đầy đủ, hạ tầng rõ ràng sẽ là yếu tố then chốt giúp nhà đầu tư an toàn và tối ưu hóa lợi nhuận trong trung – dài hạn”, ông Đính cho biết.
Tâm An