MBS dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 26.600 – 26.750 VND/USD vào cuối năm, tương đương mức tăng 4,5% - 5% so với đầu năm.
Lãi suất huy động chững lại sau nhiều tháng giảm sâu
Sau giai đoạn liên tục điều chỉnh giảm, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tháng 6/2025 đã bắt đầu “hạ nhiệt”. Chỉ có ba ngân hàng – LPBank, BVBank và VPBank, tiếp tục giảm nhẹ lãi suất, dao động từ 0,1% đến 0,2%/năm tại một số kỳ hạn.
Nhóm ngân hàng quốc doanh giữ ổn định mức lãi suất 12 tháng ở 4,7%, trong khi nhóm ngân hàng cổ phần giảm trung bình về mức 4,87%, tương đương giảm 17 điểm cơ bản so với đầu năm.
Việc giữ mặt bằng lãi suất đầu vào ở mức thấp tạo điều kiện để kéo giảm lãi suất cho vay. Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân với các khoản vay mới đã giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024, hiện ở mức 6,38%/năm.
Tuy nhiên, MBS Research nhận định đây chưa phải là vùng đáy, và lãi suất đầu vào có thể tiếp tục giảm trong quý 3 do thanh khoản hệ thống vẫn ổn định và không có dấu hiệu căng thẳng thực chất. Đến cuối quý 2, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,3% so với cùng kỳ – mức tăng cao nhất trong nhiều năm.
Dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động quanh mức 4,7% vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại vào quý 4 khi nhu cầu tín dụng bước vào cao điểm.
Lãi suất liên ngân hàng: Chạm đáy rồi tăng vọt lên 7%
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng tháng 6 cũng gây nhiều chú ý khi lãi suất qua đêm lao dốc xuống mức 1,3%, mức thấp nhất trong 15 tháng, rồi bật tăng vọt lên 7% vào cuối tháng - mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tái khởi động kênh tín phiếu sau 4 tháng tạm ngưng, phát hành 22.500 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất quanh 3,45% - 3,5%. Đồng thời, cơ quan điều hành đã bơm ròng gần 70.800 tỷ đồng vào hệ thống qua kênh OMO nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Tỷ giá “nóng” trở lại giữa bối cảnh USD suy yếu
Mặc dù đồng USD thế giới suy yếu mạnh trong tháng 6 (chỉ số DXY giảm về mức 96,6, đáy ba năm), tỷ giá USD/VND trong nước vẫn chịu áp lực lớn.
Theo MBS, tỷ giá liên ngân hàng kết tháng ở mức 26.118 VND/USD, tăng 2,6% so với đầu năm. Tỷ giá tự do leo lên 26.430 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm do NHNN công bố cũng tăng 2,9% so với đầu năm.
Nguyên nhân đến từ sức cầu ngoại tệ gia tăng trong nước, đặc biệt sau khi Kho bạc Nhà nước mua vào 300 triệu USD, nâng tổng lượng ngoại tệ mua vào từ đầu năm lên gần 1,9 tỷ USD – gần bằng cả năm 2024. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất VND – USD tiếp tục giãn rộng, trong khi nguồn cung ngoại tệ bị siết chặt do xuất khẩu giảm tốc và nhập khẩu hàng Mỹ có xu hướng tăng.
MBS nhận định, dù USD nhiều khả năng sẽ suy yếu vào cuối năm khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, nội lực của nền kinh tế Việt Nam – bao gồm tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư – mới là yếu tố then chốt quyết định diễn biến tỷ giá.
Dự báo: Tỷ giá có thể chạm ngưỡng 26.750 VND/USD
Với bức tranh hiện tại, MBS dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 26.600 – 26.750 VND/USD vào cuối năm, tương đương mức tăng 4,5% - 5% so với đầu năm.
Xu hướng này một phần đến từ thực tế các doanh nghiệp đã gấp rút giao hàng trước thời điểm kết thúc hoãn thuế quan ngày 9/7. Theo báo cáo PMI tháng 6 của S&P, đơn hàng xuất khẩu đã giảm tháng thứ 8 liên tiếp, mức giảm trong tháng 6 còn là mạnh nhất trong hai năm gần đây.
Anh Mai