
Dù đã bước sang tuổi 81, GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn miệt mài có mặt tại bệnh viện mỗi ngày. Bà không chỉ khám chữa bệnh, mà còn luôn sẵn sàng tham gia hội chẩn ở bất cứ nơi nào cần đến chuyên môn và kinh nghiệm của mình.
Ở tuổi mà nhiều người đã chọn nghỉ ngơi, niềm vui lớn nhất của bà lại là tiếp tục được sống giữa bệnh viện - nơi có những đồng nghiệp, học trò và cả những cuộc trao đổi chuyên môn đầy tâm huyết.
GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một biểu tượng lớn của nền y học Việt Nam hiện đại. Bà dành gần như trọn đời để theo đuổi một trong những thách thức y học và nhân đạo lớn nhất: Hậu quả chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người.

Dù đã bước sang tuổi 81, GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn miệt mài có mặt tại bệnh viện mỗi ngày. (Ảnh: Nguyệt Thi - PLO)
Tên tuổi của bà cũng gắn liền với những dấu mốc tiên phong. Từ việc đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, đến sáng kiến đào tạo "Cô đỡ thôn bản" giúp hàng nghìn phụ nữ vùng sâu vùng xa tiếp cận dịch vụ y tế an toàn. Bà còn là người khởi xướng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc", gieo hy vọng làm cha mẹ cho biết bao gia đình hiếm muộn trên khắp đất nước.

2 lần từ chối đến Pháp đoàn tụ với chồng
GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng từng nói: "Tôi như một công nhân tự đổ đá làm nên con đường của mình vào nghề y".
Bà sinh ra trong một gia đình nghèo, cha là công nhân làm việc tại đồn điền cao su Pháp. Thời thơ ấu, có lần bà mắc bệnh thương hàn, đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Mãi đến khi được một bác sĩ Tây y khám và cho thuốc, bà mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Chính lần trải nghiệm sự sống còn ấy đã gieo vào lòng "cô bé Phượng" năm đó niềm yêu mến sâu sắc với nghề y, cùng giấc mơ trở thành bác sĩ để cứu người.

(Ảnh: Suckhoedoisong)
Hơn 50 năm trước, giữa lúc Sài Gòn hỗn loạn, bà Phượng lại chọn ở lại để cùng sản phụ nghèo vượt cạn, giữa lúc nguy nan nhất. Những ca chuyển dạ vẫn diễn ra mỗi ngày, nhất là tại Bệnh viện Từ Dũ - nơi sản phụ đa phần là người nghèo, ít người được khám thai, nên dễ gặp tai biến.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với VnExpress, bà kể lại: "Tôi tự hỏi, ai cũng đi thì những người cần mổ, cần cấp cứu biết trông vào ai? Nghĩ vậy, tôi dẫn cả ba đứa con nhỏ vào bệnh viện trực 24/24. Đứa lớn nhất mới 5 tuổi, đứa thứ hai 4 tuổi, còn đứa út sinh ngày 14/2/1975 - mới hơn hai tháng tuổi, vẫn còn đang bú mẹ.
Tôi xin bệnh viện cấp cho bốn mẹ con ba suất cơm mỗi ngày. Tôi tình nguyện trực thay tất cả mọi người. Bốn mẹ con tôi sống trong phòng trực hơn một tháng, đến khi tình hình bớt căng mới trở về nhà".
Trong thời điểm ấy, chồng bà (một bác sĩ đang tu nghiệp ở Pháp) đã làm thủ tục bảo lãnh đưa vợ con sang đoàn tụ. Hộ chiếu đã có trong tay, các con đã tiêm ngừa đầy đủ, chỉ còn chờ ngày xuất cảnh.
Thế nhưng, một buổi sáng định mệnh, khi đang giảng bài tại Đại học Y Dược - bài giảng về nhau bong non - bà lồng vào một câu chuyện vui để giúp sinh viên dễ hiểu và đỡ buồn ngủ. Bà nhìn xuống giảng đường, thấy mắt học trò của mình long lanh, trong veo, rất hồn nhiên mà không biết cô giáo sắp rời đi. Lòng bà thắt lại vì thương học trò.
"Tôi nghĩ, nếu mình qua Pháp vẫn có thể đi dạy, đi khám bệnh, nhưng làm sao có những giao tiếp rất tình tự, rất quê hương như vậy. Ngay sau buổi giảng, tôi đạp xe tới chỗ cấp hộ chiếu để trả lại giấy. Họ hỏi lý do, tôi nói: Đất nước mình thì mình ở", Giáo sư trả lời trong 1 bài phỏng vấn với VnExpress.
Năm 1979, chồng bà một lần nữa về nước, tha thiết xin đưa cả gia đình sang Pháp. Nhưng bà vẫn lựa chọn ở lại. Vị Giáo sư kể, bà thương và thấy có lỗi với chồng. Nhưng vì: Đi thì khó quay về, nên bà đã nói với chồng: "Anh cứ đi, em và các con ở lại. Nếu sau này anh muốn về, em sẽ làm thủ tục bảo lãnh".
Ông bày tỏ nỗi niềm sống một mình nơi đất khách thật cô đơn. Những ngày trời âm u, đi làm về chỉ thấy bóng mình lẻ loi trong căn nhà vắng, cảm giác ấy khiến ông nghẹt thở. Rồi ông nói, nếu bà không đi Pháp thì buộc lòng phải ly dị để ông đỡ day dứt khi đến với người mới.
Bà lặng người khi nghe những lời ấy. Tim đau như thắt, nhưng bà hiểu. Họ đã làm thủ tục ly hôn. Bà biết không thể để chồng cô đơn cả đời vì quyết định của mình. Bà vẫn luôn tự nhủ, một ngày nào đó, khi cả hai đã già, bà sẽ bảo lãnh ông trở về quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cả hai từng có những tháng ngày thanh xuân rực rỡ.
Nhưng tiếc thay, năm 2003, ông đã ra đi. Mọi lời hứa, mọi dự định, mãi mãi dang dở.
Người tiên phong đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam


GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng 1 trong 3 bé IVF đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Tuoitre)
Quyết định ở lại, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng tự hứa với mình: Nếu không làm được điều gì có ích cho người bệnh, thì sự lựa chọn ấy cũng chẳng còn giá trị.
Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Câu hỏi đó đã theo bà trong suốt những năm đầu làm nghề. Trong quá trình khám chữa, bà gặp rất nhiều phụ nữ không thể sinh con, phần lớn do những tổn thương không thể phục hồi như cắt cả hai vòi trứng. Trong đó, bà nhớ nhất là một cô gái rất đẹp từ Hải Dương, lặn lội vào Sài Gòn tìm hy vọng.
Không cam lòng, bà bắt đầu tìm hiểu, lật tung sách vở, nhưng lúc ấy thông tin quá ít. Mãi đến năm 1984, khi được cử sang Bangkok làm việc, bà tranh thủ từng giờ rảnh lên thư viện để đọc. Tại đó, lần đầu tiên bà biết đến kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) - đã thành công ở Anh từ năm 1978. Ý nghĩ duy nhất lúc đó là: "Bằng mọi giá, mình phải đưa kỹ thuật này về Việt Nam".

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong 1 ca đỡ đẻ ở Bệnh viện Từ Dũ năm 1997. (Ảnh: T.T.D)
Nhưng đó là hành trình đi ngược dòng. Khi cả nước còn lo kế hoạch hóa gia đình, kinh tế còn khó khăn, bà lại miệt mài xin từng dụng cụ, từng đầu mối hỗ trợ từ các đoàn quốc tế ghé thăm Bệnh viện Từ Dũ. Đa phần đều từ chối. Bà buồn, nhưng không nản.
Cơ hội chỉ thực sự mở ra vào năm 1994, sau ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức nổi tiếng. Bà được cử sang Pháp học tiến sĩ, đồng thời được phong giáo sư nhờ kinh nghiệm. Tại Pháp, bà tranh thủ từng giây phút để đến các trung tâm IVF quan sát, học hỏi và ghi chép tỉ mỉ từng bước, từng thiết bị.

Ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt - Đức diễn ra vào ngày 4/10/1988 tại Bệnh viện Từ Dũ không chỉ là dấu mốc y học quan trọng mà còn trở thành sự kiện gây chấn động giới y khoa trong nước và quốc tế. Thành công ấy đã đưa y học Việt Nam lên một tầm cao mới, đồng thời trở thành tâm điểm trên các diễn đàn báo chí toàn cầu. (Ảnh: Kinhtedothi)

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (đứng giữa) trong ca phẫu thuật tách cặp song sinh dính liền Việt – Đức, nạn nhân chất độc da cam, tại Bệnh viện Từ Dũ năm 1988. Bà là người theo sát, chăm lo cho hai anh em từ lúc chào đời đến khi trưởng thành. (Ảnh: VnExpress)
Để gom tiền mua thiết bị mang về, bà đã sống những tháng ngày vô cùng tiết kiệm: Chỉ ăn cánh gà - phần rẻ nhất tại Pháp.
Năm 1995, bà trở về với gần đủ thiết bị cho một phòng IVF sơ khai và còn dư tiền gửi thêm bác sĩ Từ Dũ sang Pháp học nâng cao.
Năm 1997, sau nhiều lần xin phép, cuối cùng ngày 19/8, Bộ Y tế chính thức cho phép Từ Dũ thực hiện IVF. Ngay trong ngày, ca IVF đầu tiên được thực hiện - đánh dấu cột mốc lịch sử cho y học Việt Nam.
Không ai nói trước điều gì. Mỗi ngày sau đó là chuỗi chờ đợi nghẹt thở. Nhóm bác sĩ gọi điện cho từng bệnh nhân để dò tin. Bà chỉ mong không nghe thấy câu: "Đã có kinh lại". Vì điều đó đồng nghĩa thất bại.
"Tóc tôi bạc trắng sau những ngày đó", vị Giáo sư kể lại.
Mãi đến khi nghe tin hơn 10 bệnh nhân đã mang thai, bà mới dám thở phào. Trước ngày dự sinh của ba sản phụ đầu tiên, bà gần như không rời viện. Và thật kỳ lạ, đúng sáng 30/4, ngày thống nhất đất nước, ba đứa trẻ khỏe mạnh chào đời nhờ phương pháp IVF.
Thành công bước đầu vang dội: Trong 36 ca IVF đầu tiên, có tới 13 ca mang thai - tỉ lệ 33%. Cột mốc này đặt nền móng cho ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam. Nhờ bà, Bộ Y tế đồng ý nhân rộng mô hình. Đến nay, cả nước đã có hơn 60 trung tâm IVF, hàng trăm ngàn em bé đã chào đời nhờ kỹ thuật này, với tỷ lệ thành công sánh ngang Singapore, Úc hay Mỹ.

GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng 2 bác sĩ (con gái và cháu gái) trong một ca mổ lấy thai. (Ảnh: Tuoitre)
Gần 40 năm miệt mài theo đuổi hành trình công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam
Không chỉ là một bác sĩ giỏi, gần 40 năm qua, GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn miệt mài theo đuổi hành trình tìm lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, những người vô tội phải gánh chịu hậu quả bi thảm của chiến tranh.
Hành trình ấy bắt đầu từ một khoảnh khắc ám ảnh. Khi còn là sinh viên Y khoa, làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ, bà đã đỡ sinh cho một đứa bé không có hộp sọ. Đôi tay non nớt run rẩy, toàn thân đẫm mồ hôi vì kinh hãi. Người mẹ vừa nhìn con, lập tức gào khóc, chồm lên đẩy đứa trẻ ra xa trong hoảng loạn: "Sao con tôi lại thế này?".
Lúc đó, bà cảm thấy đau đớn tột cùng, như thể chính mình là người có lỗi. Sau đó, những ca sinh tương tự cứ xuất hiện trở lại: Những hình hài méo mó, dị dạng, điều mà trước năm 1965 rất hiếm khi xảy ra.
Tò mò và đau đáu với câu hỏi "Vì sao?", bà bắt đầu giữ lại hồ sơ, mẫu mô của những đứa trẻ khuyết tật, bất chấp nỗi xót xa khi nhiều em chỉ sống được vài giờ sau sinh.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 1976, khi một nhóm cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam, ghé thăm Bệnh viện Từ Dũ và nhìn thấy những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Họ hỏi: "Tại sao lại như thế?" - Câu trả lời nghẹn trong cổ họng bà: "Không biết."

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng bên những đứa trẻ mang trong mình dị tật bẩm sinh do hậu quả của chất độc da cam. (Ảnh: Kinhtedothi)
Từ đó, bà lục lại tài liệu của Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1963–1964, các luận văn và hồ sơ Y khoa từ năm 1952-1975. Một mô hình kỳ lạ hiện ra: Số lượng trẻ dị tật bắt đầu tăng rõ rệt từ 1960-1961 và vọt lên từ năm 1965-1967.
Đúng lúc ấy, bác sĩ Phạm Hoàng Phiệt (Bệnh viện Chợ Rẫy) mách bà một tài liệu tại Thư viện TP.HCM về lượng hóa chất rải xuống Việt Nam từ năm 1960. Bà bắt đầu hoài nghi: Liệu có mối liên hệ giữa chất độc hóa học và dị tật bẩm sinh?
Không ngồi yên với nghi ngờ, bà xin lãnh đạo bệnh viện dẫn sinh viên đến các vùng bị rải chất độc như Thạnh Phú (Bến Tre) và Cà Mau, khảo sát thực địa. Kết quả khiến bà rùng mình: Tỉ lệ trẻ dị tật tại các vùng này cao bất thường. Nhiều cô gái tuổi 16-17 bị sứt môi, hở hàm ếch từ khi sinh ra.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng thăm làng Hoà Bình tại Bệnh viện Từ Dũ. (Ảnh: T.T.D)
Sau đó, tại TP.HCM, bà thực hiện nghiên cứu so sánh giữa hai nhóm: Thai phụ sinh con dị tật và thai phụ sinh con bình thường. Kết quả cho thấy 64% các bà mẹ có con dị tật từng sống ở vùng có phơi nhiễm hóa chất - con số này ở nhóm đối chứng chỉ là 12%.
Một sự khác biệt mang tính thống kê rõ ràng, khiến giới nghiên cứu quốc tế bắt đầu chú ý. Tại Hội nghị quốc tế năm 1983 ở TP.HCM về hậu quả của chất diệt cỏ, các giáo sư Mỹ chuyên ngành xác suất thống kê đã hướng dẫn bà phương pháp tính toán khoa học, khẳng định kết quả của bà là có cơ sở.
Năm 1987, tại hội nghị quốc tế về dioxin ở Las Vegas (Mỹ), bà trình bày ba nghiên cứu nổi bật: So sánh giữa Bến Tre - TP.HCM, Cà Mau - TP.HCM và tỉ lệ phơi nhiễm giữa nhóm sinh con dị tật và nhóm không bị. Cả ba được các tạp chí khoa học quốc tế công nhận và đăng tải.
Tại các Hội nghị Quốc tế, các tập đoàn hóa chất như Monsanto và Dow Chemical đều cử luật sư, nhà khoa học đến phản biện, phủ nhận mối liên hệ giữa dioxin và dị tật. Nhưng bà không lùi bước.
Năm 2008 và 2010, bà được Chính phủ Việt Nam cử sang Mỹ điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Năm 2009, bà cũng có mặt tại Tòa án lương tâm quốc tế ở Paris, mang theo tiếng nói của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đi tìm công lý.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng phái đoàn Việt Nam tham dự buổi điều trần chất độc da cam ở Hạ viện Mỹ 15/7/2010. (Ảnh: Kinhtedothi)
Với những đóng góp không mệt mỏi, năm 2024, bà được trao giải thưởng Ramon Magsaysay - được ví như "Nobel châu Á". Ban tổ chức ghi nhận: Công việc của bà là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho thế giới về hậu quả tàn khốc của chiến tranh, có thể kéo dài đến tận tương lai.
Và khẳng định: "Không bao giờ là quá muộn để sửa chữa sai lầm chiến tranh, giành lại công lý và cứu trợ cho những nạn nhân bất hạnh".
Dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, nhìn lại 1 hành trình dài trong con đường nghiên cứu, chữa bệnh của mình, vị Giáo sư chia sẻ trong xúc động: "Trong suốt chặng đường 50 năm, đất nước đã vượt lên và phát triển thần kỳ. Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo đất nước với đường lối đối ngoại khôn khéo và tài tình, từng bước đưa đất nước phát triển đột phá, nhanh, bền vững. Vì vậy, giấc mơ một Việt Nam hùng cường là hoàn toàn không xa".
(T.H)
Bảo Nam