Tổ công tác có nhiệm vụ chính là tham mưu cho Thành phố về việc tổ chức triển khai các chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, trong đó bao gồm ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện và các loại hình giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch
Đây là bước đi cụ thể hóa định hướng lớn của thành phố Hà Nội trong việc hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, từng bước thay thế các phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch bằng xe điện, đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng sạc điện đồng bộ.
Theo quyết định, Tổ công tác liên ngành do ông Đào Việt Long – Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ trưởng, hai Tổ phó gồm ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương và ông Nguyễn Anh Quân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Tổ còn bao gồm 6 thành viên đại diện cho các cơ quan quan trọng như: Công an TP. Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Nội vụ và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội).
Ngoài ra, lãnh đạo UBND các phường, xã cùng 19 thành viên thuộc tổ giúp việc đại diện các sở, ngành có liên quan cũng tham gia hỗ trợ, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Tổ công tác sẽ tự giải thể theo quy định.
Sở Xây dựng được giao vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác, chịu trách nhiệm chủ trì các cuộc họp, tổng hợp ý kiến, đề xuất giải pháp kỹ thuật – chính sách và sử dụng con dấu của Sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí hoạt động sẽ được trích từ ngân sách thành phố, đồng thời huy động nhân sự, thiết bị, vật tư theo kế hoạch từng giai đoạn.
Theo UBND TP. Hà Nội, Tổ công tác có nhiệm vụ chính là tham mưu cho Thành phố về việc tổ chức triển khai các chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, trong đó bao gồm ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện và các loại hình giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch. Đi đôi với đó là đề xuất quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trong khu vực đô thị và vùng ven.
Ngoài ra, Tổ cũng có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đề xuất thêm các nhiệm vụ phát sinh theo thực tiễn, đảm bảo thành phố luôn có hành lang pháp lý, giải pháp quản lý và hạ tầng đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi phương tiện một cách thuận lợi.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội thành lập một tổ chức liên ngành chuyên trách cấp thành phố cho lĩnh vực giao thông xanh, thể hiện quyết tâm rõ ràng trong việc triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng đô thị phát triển bền vững.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, quá trình chuyển đổi sang xe điện không chỉ là câu chuyện thay đổi phương tiện, mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị, nguồn điện, công nghệ sạc, tiêu chuẩn kỹ thuật và mô hình kinh doanh dịch vụ sạc. Trong đó, vai trò điều phối của Tổ công tác liên ngành là rất quan trọng nhằm kết nối đồng bộ giữa các bên: nhà quản lý – doanh nghiệp – người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã bắt đầu triển khai nhiều chính sách khuyến khích sử dụng xe điện như ưu đãi thuế phí, đầu tư xe buýt điện, triển khai thí điểm trạm sạc tại chung cư, bãi đỗ xe và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, quá trình mở rộng vẫn còn gặp khó khăn do thiếu mặt bằng, chưa có quy hoạch tổng thể và mô hình tài chính cụ thể cho hạ tầng trạm sạc.
Tổ công tác được kỳ vọng sẽ đưa ra các đề xuất đột phá về cơ chế đầu tư, hình thức hợp tác công – tư (PPP), chia sẻ dữ liệu, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất cho trạm sạc, từ đó thúc đẩy thị trường xe điện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050, việc Hà Nội đi đầu trong công tác tổ chức triển khai các chính sách về giao thông xanh là tín hiệu tích cực, khẳng định vai trò trung tâm trong chiến lược chuyển đổi năng lượng quốc gia.
Bảo Minh