Hành trình bền bỉ đưa Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa Thế giới

Thứ ba, 15/07/2025 - 15:01

13 giờ 02 phút ngày 12/7/2025 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là kết quả của hành trình bền bỉ suốt hơn một thập kỷ, đánh dấu mốc son đặc biệt của văn hóa Việt Nam trên bản đồ di sản nhân loại.

Di sản của trí tuệ, tâm linh và tinh thần dân tộc

Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được Việt Nam khởi động từ năm 2012. Sau 13 năm chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với tổ chức ICOMOS – cơ quan tư vấn chuyên môn của UNESCO – cùng sự vào cuộc của các chuyên gia quốc tế, hồ sơ đã chứng minh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Tại kỳ họp lần thứ 47, Ủy ban Di sản Thế giới thống nhất công nhận hồ sơ, ghi nhận quần thể di tích này đáp ứng đầy đủ hai tiêu chí (iii) và (vi) của UNESCO, mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc vượt khỏi phạm vi quốc gia.

Trung tâm của quần thể là thiền phái Trúc Lâm – hệ tư tưởng đặc sắc do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII. Đây là tông phái Phật giáo duy nhất trên thế giới do một vị vua thoái vị sáng lập, thể hiện tư tưởng kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa, Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Thiền phái này không chỉ là nền tảng tâm linh mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới quản trị quốc gia, giáo dục, ngoại giao, y học và đời sống văn hóa Việt trong nhiều thế kỷ.

Giá trị nổi bật ấy được thể hiện rõ qua hệ thống chùa chiền, tháp mộ, am tu hành, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản… quy hoạch thống nhất trong cảnh quan núi non linh thiêng. Các lễ hội lớn như hội xuân Yên Tử, lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc được duy trì hàng trăm năm, tiếp nối mạch sống văn hóa tâm linh của người Việt.

Hành trình bền bỉ đưa Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa Thế giới- Ảnh 1.

Cảnh quan kỳ vĩ tại đỉnh chùa Đồng Yên Tử

Một quá trình chuẩn bị công phu, đồng thuận và bền bỉ

Sự kiện Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được ghi danh là kết quả tổng hòa của nỗ lực bền bỉ từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến cộng đồng dân cư. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của ba địa phương: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các tổ chức tư vấn quốc tế.

Quá trình này còn ghi dấu ấn đóng góp sâu sắc của giới học giả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tổ chức truyền thông, doanh nghiệp và sự đồng thuận của 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO.

Hành trình bền bỉ đưa Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa Thế giới- Ảnh 2.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên và là Di sản liên tỉnh thứ hai trong tổng số 9 Di sản Thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận

Quản lý liên tỉnh – Thách thức và cơ hội

Quần thể có tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha và vùng đệm hơn 4.380 ha, trải rộng trên địa bàn ba tỉnh, thành phố. Trong đó, vùng lõi gồm 12 điểm di tích quan trọng gắn với các giai đoạn hình thành, phát triển và phục hưng thiền phái Trúc Lâm. Vùng đệm có vai trò bảo vệ cảnh quan văn hóa, đảm bảo sự toàn vẹn của quần thể.

Sự kiện được ghi danh là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên của Việt Nam và là Di sản liên tỉnh thứ hai cả nước, đặt ra yêu cầu mới về cơ chế phối hợp quản lý. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết sẽ tham mưu thành phố phối hợp cùng Quảng Ninh và Bắc Giang xây dựng cơ chế điều phối thống nhất; tổ chức hội thảo chuyên đề, mời chuyên gia, nhà quản lý cùng xây dựng các chương trình hành động cụ thể theo đúng Công ước Di sản Thế giới 1972.

Từ Cát Bà đến Côn Sơn – Kiếp Bạc: Hợp lực di sản, phát triển bền vững

Sau gần hai năm kể từ khi quần đảo Cát Bà được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới, thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai các chiến lược truyền thông bài bản, mở rộng hình ảnh Cát Bà ra thị trường quốc tế. Từ chiến dịch quảng bá trên CNN, các nền tảng mạng xã hội đến hệ thống sân bay và hàng không, Cát Bà từng bước trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn hàng đầu châu Á.

Từ kinh nghiệm đó, Hải Phòng đang khẩn trương xây dựng chiến lược truyền thông riêng cho cụm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, tận dụng danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới để thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Hành trình bền bỉ đưa Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa Thế giới- Ảnh 3.

Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và các đại biểu tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp

Đồng thời, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố xác định sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh bảo tồn di sản phi vật thể, gắn kết bảo tồn với phát triển cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Danh hiệu Di sản Thế giới là niềm vinh dự lớn lao nhưng cũng là trọng trách. Việc bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc phải gắn với lợi ích cộng đồng, gắn với giáo dục di sản và định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Hành trình 13 năm đã khép lại bằng một vinh quang, nhưng đó cũng là khởi đầu của một chặng đường mới: chặng đường gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản một cách bền vững – vì hiện tại và cho mai sau.

Ngô Quảng