Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ pháp luật với đời sống

Thứ sáu, 13/12/2024 - 15:52

Trong những năm qua, hoạt động của các mô hình câu lạc bộ (CLB) pháp luật đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và những quy định của địa phương, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Ảnh minh họa. Nguồn: dienchau.nghean.gov.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: dienchau.nghean.gov.vn

Câu lạc bộ (CLB) pháp luật là tổ chức được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự giác, tự nguyện tham gia của các hội viên có nhu cầu giao lưu, học tập, tìm hiểu, trao đổi kiến thức pháp luật. Thông qua sinh hoạt CLB pháp luật đã tạo diễn đàn để hội viên và người dân tham gia giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm. Qua đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời, giúp hội viên và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, xây dựng ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật.

Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 300 câu lạc bộ (CLB) pháp luật, hoạt động với hình thức tư vấn, hỗ trợ, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với các tên gọi như: CLB "Pháp luật trẻ", "Bạn giúp bạn", "Tuyên truyền, PBGDPL", "Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội", "Tuổi trẻ với pháp luật", "Tư vấn pháp luật", "Phụ nữ phòng, chống tội phạm", "7 không 3 có"... Các CLB này thường xuyên hoạt động nhằm giúp hội viên, thành viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng ven biển hiểu rõ hơn về một số lĩnh vực pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt các phong trào ở địa phương.

Trong năm 2024, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã thành lập mới 1 CLB "Phụ nữ Việt Nam thời đại mới", với 12 thành viên; 1 tổ "Liên thế hệ giúp nhau" có 8 thành viên; nhân rộng 2 mô hình "Tuyến đường kiểu mẫu, an toàn về an ninh trật tự và văn minh đô thị"; mô hình "Tổ tự quản hụi trong Nhân dân bằng ứng dụng Zalo"; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động 147 mô hình phòng, chống tội phạm ở cơ sở, 11 tổ bảo vệ dân phố, 52 đội văn phòng, 309 đội phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) với 3.043 thành viên. Ra mắt 3 mô hình, trong đó, có 1 mô hình "Tổ tự quản về an ninh trật tự trong cơ sở kinh doanh karaoke" tại Phường 1 (TX. Giá Rai); 2 mô hình "Cựu Công an nhân dân phòng, chống tội phạm" tại thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) và phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai). Sơ kết, tổng kết 4 mô hình phòng, chống tội phạm ở cơ sở; mở 30 lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CHCN cho hơn 2.280 người tham dự; tổ chức trải nghiệm, thực hành PCCC&CHCN, có 1.426 lượt người tham gia.

Ngoài ra, còn duy trì sinh hoạt hàng tháng, quý các mô hình, CLB, tổ tuyên truyền pháp luật đã được thành lập trước đây. Có thể kể đến như các mô hình "Bản tin an toàn, an ninh thông tin"; mô hình "Tuổi trẻ tuyên truyền phòng, chống tội phạm"; mô hình "Tổ vận hành, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến"; mô hình "Tư vấn pháp luật"; "Trợ giúp pháp lý"; "Tuyên truyền pháp luật"; "Tổ tiếp phụ nữ"; "Nữ phòng, chống tội phạm"; mô hình "Tổ an ninh nhân dân"; mô hình "Cán bộ cựu chiến binh có uy tín tham gia làm tổ trưởng, tổ phó cảm hóa giáo dục đối tượng chậm tiến, lầm lỗi hòa nhập cộng đồng"; mô hình "Tủ sách pháp luật" tại trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, khóm; mô hình "Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường"; mô hình "Tuyến đường văn hóa kiểu mẫu và trật tự an toàn giao thông"; mô hình "Cổng an ninh trật tự"; mô hình "Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội"; CLB "Cựu chiến binh tham gia công trình phúc lợi xã hội"; mô hình "Tư vấn pháp luật"; "Trợ giúp pháp lý"; "Tuyên truyền pháp luật"…

Bên cạnh CLB, mô hình PBGDPL truyền thống, tỉnh đã chủ động, sáng tạo triển khai các hình thức, mô hình mới, ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó phát huy hiệu quả của công tác PBGDPL như: tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; PBGDPL qua mạng xã hội (Zalo, Facebook); duy trì chuyên mục, chuyên trang pháp luật trên báo, đài; loa truyền thanh của huyện, xã và loa lưu động của dân quân tự vệ ở khóm, ấp; đăng tải thông tin pháp luật trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, trang tin điện tử các sở, ban, ngành và địa phương.

Để các CLB pháp luật trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, cần phải tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó, chú trọng áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, phát triển các mô hình hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều CLB pháp luật có phương thức, hoạt động tương tự nhau nên nhiều nội dung sinh hoạt trùng nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả chung hoặc gây tình trạng lãng phí nguồn lực...

Đặc biệt, các CLB pháp luật cần chú trọng hướng về cơ sở, các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp giữa giáo dục pháp luật với giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, thu hút, huy động và tạo điều kiện để những người đã, đang công tác trong các cơ quan pháp luật tham gia sinh hoạt CLB pháp luật để định hướng thảo luận, giải đáp pháp luật, tư vấn hỗ trợ người dân tháo gỡ qua các vụ việc, tình huống cụ thể.