Cầu Bình Gởi là công trình đầu tiên trong các hạng mục thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương được hợp long
Cầu Bình Gởi có chiều dài khoảng 1km, thiết kế 4 làn xe, vận tốc khai thác tối đa 100km/h theo tiêu chuẩn cao tốc. Công trình được khởi công từ tháng 10/2023, với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Sau hơn một năm thi công liên tục, đến nay cây cầu đã chính thức được hợp long, sẵn sàng bước vào giai đoạn hoàn thiện để đưa vào sử dụng vào cuối năm 2025.
Cầu Bình Gởi là công trình đầu tiên trong các hạng mục thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương được hợp long. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện tại, gần 100% mặt bằng cho toàn tuyến đoạn qua địa phương này đã được bàn giao, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công.
Bình Dương đang chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo đúng tiến độ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025, góp phần đưa toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM vào khai thác trong năm 2026 như kế hoạch đề ra.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76 km, đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỷ đồng, trong đó hơn 33.000 tỷ đồng cho chi phí xây dựng và hơn 41.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Riêng đoạn qua Bình Dương dài khoảng 26,6km, với tổng mức đầu tư là 19.280 tỷ đồng. Trong đó, cầu Bình Gởi là một trong những điểm nhấn về kỹ thuật và quy mô.
Cùng với Bình Gởi, nhiều hạng mục cầu và nút giao khác trên toàn tuyến Vành đai 3 cũng đang được thi công gấp rút. Đáng chú ý, cầu Nhơn Trạch, cây cầu lớn nhất toàn tuyến, dài 2,6km, bắc qua sông Đồng Nai kết nối huyện Nhơn Trạch với TP.Thủ Đức đã hoàn tất hợp long 3 nhịp giữa. Dự kiến, cầu sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 30/6, sớm hơn ba tháng so với kế hoạch.
Đoạn qua TP.HCM dài khoảng 47,5km đang hoàn thiện khoảng 29% khối lượng xây lắp, trong đó tập trung nhiều vào các đoạn cầu cạn, xử lý nền đất yếu và các nút giao quan trọng. Tại Đồng Nai, đoạn tuyến dài 11,2km đã đạt hơn 22% tiến độ và đã hoàn tất giải phóng mặt bằng 100%. Long An hiện là địa phương dẫn đầu tiến độ, với hơn 62% khối lượng thi công đã hoàn thành trên đoạn tuyến dài 6,8km.
Các đoạn đường kết nối vào cầu Bình Gởi, đặc biệt là gần 10km đường dẫn hai bên bờ sông Sài Gòn, cũng đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Việc hoàn thành các kết nối này sẽ đảm bảo tính đồng bộ cho toàn tuyến và giảm áp lực giao thông đáng kể tại các trục đường hiện hữu.
Sau khi hoàn thành, tuyến Vành đai 3 sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo cú hích cho thị trường bất động sản, logistics và phát triển công nghiệp tại khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển của vùng TP.HCM trong những thập niên tới.
Bảo Minh