1. Cách Trồng Cây Lưỡi Hổ
Lưỡi hổ là cây cảnh được nhiều người trồng trong sân vườn hoặc phòng khách, phòng ngủ, nơi làm việc,… với ý nghĩa phong thủy giúp xua đuổi tà khí, thu hút may mắn. Ngoài ra, lưỡi hổ cũng được NASA xếp vào danh sách những loại cây có khả năng lọc không khí hiệu quả nhất.
Về cách trồng cây lưỡi hổ, có 2 cách phổ biến được nhiều người áp dụng là trồng từ lá trong đất hoặc nhân giống thủy sinh (trồng bằng nước).
Cách Trồng Cây Lưỡi Hổ Bằng Lá Trong Đất
Lá cây lưỡi hổ có hình dải, phần bẹ to áp vào nhau, đầu lá thuôn dài thành mũi nhọn, hầu hết viền lá có màu vàng. Cách trồng cây lưỡi hổ trong nhà hoặc sân vườn bằng lá cực kỳ đơn giản, là giải pháp tối ưu để bạn nhanh chóng có thêm một cây lưỡi hổ mới.
Cách trồng cây lưỡi hổ trong chậu sẽ được tiến hành theo các bước sau:
- Chọn lá nhân giống: Chọn lá lưỡi hổ không quá già hay quá non, to, dày, khỏe, bề mặt trơn bóng, không bị hư hỏng, sâu bệnh, màu tươi sáng, có độ cứng nhất định. Cắt lá sát gốc rồi tạo hình chữ V để khi cắm vào đất dễ dàng hơn và tăng tiết diện của lá tiếp xúc với đất. Những lá quá to hoặc dài thì có thể cắt thành những đoạn dài khoảng 5cm. Sau khi cắt thì nên để lá nơi khô thoáng khoảng 1-2 ngày để vị trí cắt.
- Chuẩn bị đất: Chọn đất tơi xốp, pha thêm đá hoặc xỉ than để tạo độ thoáng khí rồi cho vào chậu có lỗ thoát nước.
- Cho cây vào chậu: Sau khi đã chuẩn bị xong thì bạn cắm phần lá đã chuẩn bị trước đó vào chậu đất theo chiều từ trên xuống. Pha nước sạch với thuốc kích rễ để tưới cho cây rồi đặt ở khu vực khô thoáng, có ánh nắng dịu.
Trong suốt thời gian giâm cây cần phải giữ đất ẩm. Nếu có thuốc kích rễ thì sau vài ngày lá sẽ bắt đầu ra rễ và khoảng 4 tháng cây sẽ phát triển hoàn thiện. Nếu không sử dụng thuốc thì thời gian ra rễ thường tối thiểu 2 tuần.
Bạn có thể kiểm tra xem lá đã bén rễ hay chưa bằng cách nhấc nhẹ lá lên, nếu có lực kéo lại thì chứng tỏ rễ đã bám vào đất điều này đồng nghĩa bạn đã nhân giống thành công một cây lưỡi hổ mới.

Cách Trồng Cây Lưỡi Hổ Bằng Nước
Trồng cây lưỡi hổ theo phương pháp thủy sinh được rất nhiều người áp dụng, đặc biệt là nhân viên văn phòng vì cách này thuận tiện và khá đơn giản.
Trước tiên bạn cũng cần phải chuẩn bị lá tương tự như cách trồng lưỡi hổ trong đất. Tuy nhiên, với phương pháp trồng thủy canh thì phần lá trồng phải dài ít nhất 15cm, phần gốc có thể cắt hình chữ V hoặc cắt phẳng đều được.
Sau đó chuẩn bị một bình nước sạch, nên chọn những chậu trong suốt để dễ dàng quan sát sự hình thành của rễ và nhìn bắt mắt hơn. Đặt phần gốc lá hướng xuống dưới và ngập trong nước, có thể dùng giá đỡ để cố định cây.
Lưu ý không đổ nước ngập bình, chỉ nên đổ 2/3 để tránh ngập úng làm thối gốc lá, có thể thêm vài giọt dinh dưỡng thủy canh để giúp cây nhanh ra rễ và phát triển tốt hơn.
Lưu ý, đặt chậu ở nơi khô thoáng và có nhiều sáng sáng, 1 tuần thay nước 1 lần. Mỗi khi thay nước, phần rễ cần được rửa sạch để không bị thối.

2. Bí Quyết Chăm Sóc Cây Lưỡi Hổ Luôn Xanh Tươi
Sau khi nhân giống thành công thì biện pháp chăm sóc sẽ quyết định khả năng sinh trưởng, phát triển của cây.
Cây Lưỡi Hổ Thích Bón Gì?
Việc chăm sóc cây lưỡi hổ thường không cần tốn quá nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, bạn vẫn phải bón phân chuồng, phân khoáng hoặc phân giàu potasse cho đất để cây phát triển tốt.
Bên cạnh đó, phần rễ cây lưỡi hổ rất dễ bị thối. Vì vậy, khi xử lý đất, bạn nên bón thêm than bùn để khả năng thoát nước nhanh hơn. Lưu ý là không nên bón phân khi thời tiết để tránh ảnh hưởng khả năng sinh trưởng của cây và không bón phân nhiều Nitơ vì Nitơ có thể khiến cây quá nóng, làm chết cây.
Làm Thế Nào Để Cây Lưỡi Hổ Ra Hoa?
Lưỡi hổ là một trong những loại cây rất khó ra hoa. Trong phong thủy, nhiều người quan niệm nếu lưỡi hổ ra hoa đồng nghĩa rằng gia đình sắp đón tin vui, vận may hay tài lội. Vậy tưới gì để lưỡi hổ ra hoa? Dưới đây là cách trồng cây lưỡi hổ ra hoa mà không phải ai cũng biết:
- Cây cần được đặt ở khu vực có nhiều ánh sáng mặt trời, tránh ở trong bóng râm quá lâu.
- Ở giai đoạn rễ bám, phần đất trồng phải được xử lý kỹ, tơi xốp, khô thoáng, không bị ẩm ướt hay ngập úng.
- Trong thời gian nuôi cần tránh tình trạng đất quá nhiều nước.
- Chậu cảnh cần phải đủ diện tích để rễ cây phát triển.
- Lưỡi hổ cần được trồng lâu năm thì mới ra hoa được.
- Thông thường vào mùa xuân, rễ cây sẽ ra nhiều và lấp đầy chậu. Thời điểm này bạn có thể thay chậu lớn hơn để cây tiếp tục sinh trưởng.
- Tưới phân chuồng hoặc phân dành cho cây cảnh 1 tháng/lần.
Nếu chăm sóc lưỡi hổ đúng cách thì thời điểm cây ra hoa mỗi năm là từ tháng 9 đến tháng 2.

Một Số Lưu Ý Khi Trồng Cây Lưỡi Hổ
Những lưu ý về cách chăm sóc cây lưỡi hổ mà bạn nên biệt là:
- Lưỡi hổ là cây có khả năng chịu hạn giỏi nên bạn không cần phải tưới nước quá thường xuyên. Điều này còn có thể dẫn đến tình trạng ngập nước, thối rễ. Chỉ nên tưới nước khi đất trong chậu có dấu hiệu khô, hạn chế tưới cây vào mùa lạnh.
- Việc chuẩn bị đất trồng ngay từ đầu càng kỹ thì quá trình chăm sóc càng dễ và ít tốn công hơn. Đất trồng phải có độ thoát nước tốt, tơi xốp.
- Cây lưỡi hổ có thể thích nghi với các điều kiện ánh sáng khác nhau tuy nhiên bạn cũng không nên để cây trong bóng râm hoặc dưới ánh nắng mặt trời quá lâu.
- Hạn chế tối đa việc di chuyển cây quá nhiều lần để tránh trường hợp làm gãy, rụng lá.
- Nhiệt độ thích hợp nhất để lưỡi hổ phát triển tốt là từ 18 – 28 độ C. Vậy nên bạn cần chú ý đến nhiệt độ phòng nếu muốn lưỡi hổ ra hoa.
- Tránh để lưỡi hổ ở gần nguồn điện hoặc lò sưởi vì có thể khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột.
3. Những Bệnh Thường Gặp Ở Cây Lưỡi Hổ Và Cách Xử Lý
Cây lưỡi hổ thường rất ít bệnh. Nếu cây mắc bệnh thì chứng tỏ cách chăm sóc cây lưỡi hổ của người trồng chưa đúng cách. Một số bệnh phổ biến trên cây lưỡi hổ và cách xử lý như sau:
Lưỡi Hổ Bị Vàng, Khô, Cháy Lá
Lá lưỡi hổ bị vàng có thể dễ dàng nhận thấy, lúc đầu chỉ có một vùng nhỏ sau đó lan rộng ra toàn bộ lá. Đây là vấn đề thường gặp không chỉ riêng cây lưỡi hổ mà với hầu hết các loại cây khác do thiếu ánh sáng. Cách khắc phục là di chuyển chậu cây ra vị trí có nhiều ánh sáng hơn.
Bên cạnh đó, việc thừa ánh sáng có thể khiến lá bị khô, cháy viền. Vậy nên bạn cần chú ý vị trí đặt cây trong nhà, tránh những chỗ ánh nắng chiếu trực tiếp quá nhiều. Nếu thấy cây bị khô, cháy lá thì cần chuyển chậu cây vào nơi có bóng râm.
Lá Lưỡi Hổ Bị Rũ
Lá lưỡi hổ bị rũ, không còn vẻ đẹp kiêu sa, mạnh mẽ như ban đầu là do bị thiếu nước lâu ngày. Cây lưỡi hổ có khả năng chịu hạn nhưng cây vẫn cần nước để sống. Vậy nên khi thấy đất trong chậu bị khô hoặc lá lưỡi hổ rũ xuống thì bạn cần phải tưới nước cho cây ngay.
Lưỡi Hổ Bị Thối Rễ
Khi cây bị thối rễ sẽ bốc mùi hôi khó chịu, lá vàng. Tình trạng này được xem là nghiêm trọng do đất quá ẩm. Khi đó, bạn cần tách cây ra khỏi chậu, cắt bỏ phần rễ thối và những lá bị vàng. Sau đó ngâm phần rễ còn lại trong thuốc diệt nấm để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh. Tiếp theo bạn cần chuẩn bị một chậu đất mới để giâm cây và theo dõi trong vài ngày để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh trở lại.
Cây Lưỡi Hổ Bị Nấm
Lưỡi hổ bị nấm sẽ xuất hiện nhiều đốm nhỏ trên lá, hình tròn, màu nâu, kích thước tăng dần. Nguyên nhân là do lưỡi hổ bị nấm Colletotrichum sp ký sinh và gây bệnh. Khi đó, bạn cần phải sử dụng thuốc diệt nấm để loại bỏ mầm bệnh.
Cây Lưỡi Hổ Bị Côn Trùng Tấn Công
Nhện sáp và rệp đỏ được xem là kẻ thù của cây lưỡi hổ. Dấu hiệu nhận biết là bề mặt xuất hiện những đốm đen hoặc trắng và màng nhện. Nếu thấy cây có hiện tượng này, bạn cần kiểm tra toàn bộ chậu cây và loại bỏ các côn trùng này càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, phòng côn trùng cho cây bằng cách dùng dầu Neem pha loãng với nước sạch, thêm một ít nước rửa chén rồi phun lên cây.

Với những chia sẻ ở trên có thể thấy cách trồng cây lưỡi hổ hoàn toàn không phải là việc quá khó. Vậy nên bạn có thể cân nhắc để bố trí những chậu lưỡi hổ trong nhà, trồng ở sân vườn để vừa trang trí vừa kích hoạt nguồn năng lượng tích cực, vận may và tài lộc đến với ngôi nhà cũng như cho các thành viên trong gia đình.
Linh Trần
batdongsan